Rạn da là tình trạng mà các bà bầu hay gặp phải khi họ liên tục tăng cân trong một thời gian ngắn. Những vết rạn da gây ảnh hưởng về mặt thẩm mỹ rất nhiều. Liệu có cách nào để các mẹ quên đi nỗi ám ảnh về rạn da hay không?
Dấu hiệu nhận biết da bị rạn
Các vết rạn thường xuất hiện chủ yếu trên đùi, mông, bụng và ngực dưới dạng các vết sọc chạy trên da. Màu sắc của chúng phụ thuộc vào màu da, có thể là hồng, nâu đỏ hoặc nâu sẫm.
Trên nền da sáng màu, vết rạn sẽ có màu hồng nhạt. Với làn da tối màu thì vùng da rạn sẽ trở nên sáng hơn các vùng da xung quanh.
Sự co giãn của da có thể gây ra cảm giác ngứa ngáy, khởi đầu của dấu hiệu rạn.
Vết da bị rạn được hình thành qua hai thời kỳ:
- Lúc đầu là những vệt đỏ, đỏ tím, có hoặc không kèm theo ngứa, hoặc dấm dứt nhẹ tại chỗ.
- Thời kỳ thứ 2, da chuyển sang màu trắng có ánh như xà cừ và hình thành các đường rạch lõm. Lúc này , ta thấy được sự tương phản khá rõ giữa làn da bình thường và vết rạn.
Chăm sóc da cho bà bầu bị rạn da như thế nào?
Ăn uống:
- Uống ít nhất tám cốc nước một ngày.
- Ăn nhiều rau xanh, hoa quả
Tẩy da chết:
Các vết rạn có thể trở thành những đốm sẹo khiến da tổn thương trông thấy. Việc của bạn là tẩy bớt đi lớp da chết để kích thích sự phát triển của lớp da mới bên dưới.
Bảo vệ da:
Cung cấp vitamin A, E, C và acid alpha lipoic để bảo vệ cho những tế bào da mới khỏi bị tổn thương. Nhớ thoa cho da kem chống nắng để ngăn cản tia tử ngoại phá vỡ những tế bào da mới hình thành.
Dưỡng ẩm:
Nếu bạn đã nhìn thấy trước xu hướng nứt vỡ của da thì hãy ngăn chặn ngay bằng cách dưỡng ẩm hàng ngày. Nên chọn những sản phẩm đặc trị cho hiện tượng rạn da, có chứa vitamin E, vitamin A, dầu mầm lúa mì và mỡ lông cừu.
Tất nhiên đây chỉ là những biện pháp cải thiện sự co giãn của da chứ không phải là liều thuốc ngăn chặn hoàn toàn nguy cơ da bị rạn.
Ngủ: ngủ đủ giấc sẽ giúp cho da được phục hồi nhanh hơn.
Tắm bằng sữa: thêm một hoặc hai cốc bột sữa dành cho da vào bồn tắm và ngâm mình từ 15 đến 20 phút, vài lần một tuần. Tráng sạch thân thể dưới vòi hoa sen chứ đừng dùng tới xà phòng hay sữa tắm.
Chống rạn da là cả một quá trình phải tiến hành theo từng bước. Chính vì vậy nó đòi hỏi sự kiên nhẫn hết sức ở bạn.
Những hỏi đáp về rạn da dành cho bà bầu
Nếu lần sinh đầu tiên tôi không bị rạn da thì lần sinh sau tôi có bị hiện tượng này không?
Khi mang thai, trọng lượng cơ thể tăng đột ngột, mô liên kết ở lớp hạ bì bị lỏng lẻo. Vì vậy, các sợi collagen không duy trì được tính đàn hồi. Những lần sinh sau, cơ chế bảo vệ da tự nhiên càng suy yếu, nguy cơ rạn da tăng cao.
Da tôi bị rạn rất tệ trong lần sinh đầu. Làm thế nào để tôi hạn chế hiện tượng này ở lần sinh tiếp theo?
Hãy cung cấp đầy đủ Vitamin và khoáng chất. Đặc biệt là vitamin E, C và A, kẽm để da khoẻ mạnh, đàn hồi tốt hơn.
Nên dùng kem chống rạn vào thời điểm nào là phù hợp nhất?
Việc massage cho da bằng loại kem phù hợp nên được thực hiện ngay từ ba tháng đầu mang thai. Thoa ngay sau khi tắm hoặc trước khi đi ngủ. Luôn nhớ phải làm sạch da trước khi bôi kem.
Có nên sử dụng kem chống rạn cho da nhạy cảm?
Da nhạy cảm rất dễ kích ứng với các thành phần lạ. Nếu dùng phải xem kỹ các thành phần của kem. Tốt nhất nên dùng tinh dầu nguyên chất chống rạn.
Thoa kem chống rạn có ảnh hưởng tới em bé không?
Có một số loại thuốc chống rạn được khuyến cáo là không dùng khi mang thai và cho con bú. Trước khi trả tiền cho một sản phẩm, bạn hãy đọc kỹ phần hướng dẫn sử dụng.