Quá trình tiết sữa và một số yếu tố ảnh hưởng đến việc tiết sữa
Sữa mẹ bài tiết theo cơ chế phản xạ. Khi trẻ bú xung động cảm giác đi từ vú lên não kích thích tuyến yên sản xuất hormon prolactin và oxytocin. Sau đó, hai hormon này đi vào máu và đến vú.
Prolactin kích thích các tế bào tiết sữa ở các nang sữa để sản xuất sữa gọi là phản xạ tạo sữa. Oxytocin có tác dụng làm co các cơ xung quanh nang sữa để dẫn sữa ra đầu vú được gọi là phản xạ tống sữa.
Nếu bà mẹ cảm thấy hài lòng, thương yêu trẻ, tin tưởng vào sữa mình tốt thì sẽ hỗ trợ cho phản xạ này.
Nếu nếu bà mẹ lo lắng hoặc nghi ngờ mình không đủ sữa có thể cản trở phản xạ tống sữa ảnh hưởng đến sự xuống sữa.
Vì vậy, điều quan trọng và quyết định để bà mẹ có đủ sữa là tâm lý và cho con bú đúng cách:
Cho trẻ bú sớm ngay sau sinh để trẻ bú được sữa non
Sữa non tuy ít nhưng thỏa mãn nhu cầu của trẻ trong những ngày đầu. Không nên cho bé uống bất kỳ chất nào khác trước khi bú sữa mẹ. Điều này sẽ khiến bé dễ có nguy cơ bị nhiễm khuẩn và không muốn bú mẹ.
Để trẻ ngậm bắt vú tốt
- Bà mẹ có thể nằm hoặc ngồi ở tư thế thoải mái, thư giãn để cho con bú.
- Bế trẻ áp sát vào người mình.
- Mặt trẻ quay vào vú mẹ.
- Mũi trẻ đối diện với núm vú.
- Đỡ thân trẻ bằng cách đặt lưng trẻ dọc cánh tay. Đầu và thân trẻ phải nằm trên cùng đường thẳng.
- Dùng tay nâng vú. Đặt ngón tay vào thành ngực. Ngón tay cái trên vú, ngón còn lại dưới vú.
- Để miệng trẻ mở rộng. Cằm tì vào vú mẹ. Môi dưới hướng ra ngoài.
- Quầng vú ở phía trên miêng trẻ để lộ nhiều hơn phía dưới miệng.
Trẻ bú đúng cách còn giúp mẹ không bị đau vú hay nứt vú.
Bú thường xuyên theo nhu cầu của trẻ
- Cho trẻ bú bất cứ khi nào trẻ muốn. Không hạn chế thời gian và số lần cho bú.
- Số lần bú ở trẻ nhỏ nhiều hơn ở trẻ lớn.
- Thời gian bú mỗi bữa tùy vào từng trẻ. Trung bình từ 15-20 phút. Trẻ sẽ tự nhả vú ra khi đã no.
Bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu
- Điều này rất tốt cho quá trình phát triển của trẻ, phòng chống các bệnh nhiễm khuẩn.
- Trong thời gian này, trẻ sẽ tăng cân trung bình 500-600 g/ tháng, đi tiểu trên 6 lần/ ngày.
- Cần theo dõi cân nặng và nước tiểu hàng ngày của trẻ.
Bú mẹ khi trẻ bị bệnh
- Khi bé bệnh, nên cho bé bú nhiều hơn bình thường. Nếu trẻ không bú được, mẹ cũng nên vắt sữa để duy trì sự tạo sữa.
- Vắt sữa 3 giờ/ lần cho vào cốc sạch. Bảo quản được 4 giờ khi để nơi mát mà không có tủ lạnh.
- Khi cho bé ăn thì ngâm sữa vào nước nóng. Không nên đun sữa. Nhiệt độ cao sẽ phá hủy các yếu tố chống nhiễm khuẩn.
Một số yếu tố ảnh hưởng đến sự tiết sữa
Bú bình đầu vú cao su:
- Đầu vú cao su thường dài nên trẻ chỉ bú núm vú, mút vú. Không cần ngậm bắt vú cũng có thể hút sữa dễ dàng. Như vậy dần dần, trẻ sẽ bỏ bú mẹ.
- Cho trẻ bú bình sẽ làm giảm sự tiết sữa của mẹ.
Thiếu dinh dưỡng
- Những bà mẹ suy dinh dưỡng thường tiết sữa ít.
- Mẹ nên ăn thêm 2-3 bát cơm, thêm thịt cá, trứng hoặc đậu đỗ, rau xanh và hoa quả chín.
- Hạn chế ăn các loại gia vị (hành tỏi, ớt, hạt tiêu) vì có thể qua sữa gây mùi vị khó chịu, trẻ bú mẹ ít.
- Uống đủ nước 1,5-2 lít/ ngày.
Sang chấn tâm lý
- Bà mẹ bị stress, lo lắng, thiếu niềm tin sẽ hạn chế hoạt động của phản xạ tống sữa dù sữa vẫn có trong vú.
- Gia đình và cộng đồng nên tạo điều kiện để bà mẹ sống thoải mái, tự tin, có sức khỏe, có thời gian chăm sóc trẻ giúp cho sự tiết sữa tốt.
Sử dụng thuốc
Một số thuốc qua sữa có thể gây ngộ độc cho trẻ hoặc làm giảm sự tiết sữa như: thuốc tránh thai tổng hợp, thuốc lợi tiểu…
Cần tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ đế tránh gây hại cho con.
Theo Viện Dinh Dưỡng