Bước vào giai đoạn này, thai nhi đã được xem là đủ tháng. Thai nhi có thể chào đời trong khoảng 1 đến 2 tuần tới. Vì thế, lúc này, thai phụ 37 tuần cần chú trọng trong việc chăm sóc sức khỏe, chuẩn bị những đồ dùng cần thiết để sẵn sàng cho quá trình vượt cạn sắp tới.
1. Cơ thể thai phụ 37 tuần thay đổi như thế nào?
1.1. Những thay đổi về thể trạng
Lúc này, thai phụ sẽ xuất hiện dấu hiệu rậm lông ở một số vị trí như mặt, lưng và đầu ngực. Bên cạnh đó, tình trạng khô mắt cũng xuất hiện nhiều hơn nên mẹ cần mang theo bên mình một loại nước nhỏ mắt. Vào tuần thai thứ 37, cân nặng của thai phụ cũng ở trạng thái ổn định. Tuy nhiên, nó có thể tăng lên nếu thai phụ ăn nhiều chất béo và chất đường.
Áp lực bụng dưới tăng cao khiến thai phụ muốn đi vệ sinh. Quá trình di chuyển của thai phụ trở nên nặng nề hơn. Sự chuyển động của thai nhi cũng dần ít đi khi cơ thể đã chiếm phần lớn không gian của tử cung. Đồng thời, giai đoạn này người mẹ cũng sẽ gặp những triệu chứng như ợ nóng, đau vùng chậu, rạn da khi mang thai, ngực căng, đau tức ngực, sưng ở mắt cá chân.
1.2. Những dấu hiệu chuyển dạ của thai phụ 37 tuần
- Bụng bầu tụt xuống. Dấu hiệu này cho thấy thai nhi có thể chào đời trong vòng 1-2 tuần nữa. Thai phụ có thể nhận biết bằng cách xem ngực có chạm vào phần trên của bụng không. Nếu không chạm đến chứng tỏ thai nhi đã tụt sâu xuống.
- Tiết dịch âm đạo nhiều hơn. Gần đến ngày sinh, cổ tử cung của người mẹ bắt đầu mở nên dịch âm dạo sẽ tiết ra nhiều khiến cổ tử cung mềm hơn. Hiện tượng này khiến nước ối rò rỉ theo dịch ra ngoài nên người mẹ thường cảm thấy dịch màu nâu đỏ.
- Đi tiểu nhiều hơn. Bụng bầu tụt xuống sẽ gây áp lực lên bàng quang khiến người mẹ luôn cảm thấy muốn đi vệ sinh.
- Những cơn co thắt Braxton Hicks diễn ra thường xuyên hơn. Đây là những cơn chuyển dạ giả để chuẩn bị cho quá trình vượt cạn sắp tới.
- Hiện tượng rò rỉ, vỡ nước ối. Hiện tượng rỉ ối là dấu hiệu cho thấy tử cung của người mẹ đang mở để chuẩn bị cho sự chào đời của bé. Khi nước ối vỡ, mẹ cần đến các trung tâm y tế ngay vì đây là một trong những dấu hiệu sắp sinh trong vài giờ tới.
[lo_irp post=’101911′]
2. Thai phụ 37 tuần nên làm gì?
Bước vào giai đoạn này, thai phụ sẽ cảm thấy lo lắng, hồi hợp hơn khi chờ đợi bé yêu chào đời. Vì thế, thai phụ nên nói chuyện với người chồng của mình về kế hoạch sau sinh và những công việc nhà.
Đồng thời, thai phụ nên đi khám thai thường xuyên để nghe bác sĩ tư vấn về quá trình sinh nở. Bên cạnh đó, thai phụ cần liên hệ với bác sĩ ngay nếu thấy máu tươi xuất hiện ở dịch âm đạo, nước ối có màu bất thường (xanh lá cây hoặc nâu), tăng cân đột ngột, thị lực giảm, đau bụng dữ dội.
Đặc biệt, thai phụ cần có một chế độ chăm sóc đặc biệt dựa trên những nguyên tắc sau:
- Dành nhiều thời gian để ngủ và nghỉ ngơi
- Xây dựng chế độ ăn cân bằng, đảm bảo đủ chất dinh dưỡng
- Uống nhiều nước, hạn chế café, rượu và nước soda nhiều đường
- Nói chuyện với bạn bè, người thân và những phụ nữ mang thai khác về kinh nghiệm sinh nở cũng như bí quyết chăm sóc trẻ sơ sinh trong giai đoạn sắp tới.
- Nếu em bé vẫn ở vị trí đầu phía trên, thai phụ sẽ cần sinh mổ. Bên cạnh đó, bác sĩ sẽ chỉ định sinh mổ với những trường hợp như xương chậu của thai phụ nhỏ so với đầu em bé hoặc em bé gặp một số vấn đề về sức khỏe như bệnh tim. Lúc này, việc sinh mổ sẽ hạn chế nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng của mẹ và bé.