Tài chính trong gia đình luôn là vấn đề được quan tâm và cần được cân nhắc kỹ lưỡng. Hầu như sự bất đồng trong thói quen chi tiêu của hai vợ chồng chính là lí do chính trong sự mất cân đối tài chính. Để có thể chi tiêu hợp lý và thiết thực, chúng ta cần có sự tính toán và đồng thuận về cách chi tiêu trong gia đình.
Những vấn đề liên quan đến tiền bạc luôn nhạy cảm. Không ngạc nhiên gì khi nó có thể trở thành lí do tranh cãi giữa hai vợ chồng. Chỉ khi bạn biết cách quản lý tài chính thông minh và bình tĩnh, tiền bạc mới trở thành công cụ có thể giúp thắt chặt tình cảm trong gia đình. Mọi chuyện sẽ trở nên đơn giản khi chúng ta thực hiện đúng.
Cùng thống nhất trách nhiệm tài chính
Thông thường, đối với một số gia đình, người chồng thường chịu trách nhiệm về vấn đề tài chính. Một số gia đình khác thì ngược lại và đương nhiên quyết định cùng gánh vác tài chính cũng được nhiều vợ chồng áp dụng. Dù là lựa chọn thế nào đi nữa, vẫn phải có sự đồng thuận từ ban đầu của cả hai vợ chồng, hợp tác thực hiện và tôn trọng quyết định này.
Lập bảng chi tiêu chi tiết nhất có thể
Một cách để quản lý đơn giản nhất, tránh phí phạm thời gian và công sức để lập ngân sách cho gia đình chính là ghi lại tất cả những khoản chi tiêu trong ngày lại. Sau vài tháng, dựa vào bảng kê mỗi tháng, cả hai vợ chồng cùng xem lại các phần chi, xác định ra các khoản phí cố định và thay đổi. Từ đó thống nhất với nhau sẽ phân bổ lượng tiền cho hàng tháng như thế nào để hợp lý và có khoản để dành.
Bạn không cần phải lập một ngân sách phức tạp. Nếu thường sử dụng thẻ ngân hàng hoặc thẻ tín dụng để chi tiêu, bạn đặc biệt cần phải xác định rõ ràng số tiền được chi trong mức cho phép của tháng.
Thảo luận các khoản chi với nhau
Như thế nào là chi tiêu hợp lý? Làm thế nào để trang trải các khoản cân đối?… luôn là bài toán khó cần có sự bàn bạc và đồng thuận từ hai vợ chồng. Bên cạnh đó, mức thu chi trong gia đình có thể chịu sự ảnh hưởng phần nào từ quan điểm của bố mẹ chồng/vợ hay hoàn cảnh gia đình. Hãy cho nhau những lúc ngồi lại bên nhau để bàn về tài chính gia đình, có thể quy định vào một số ngày cố định trong tuần hoặc trong tháng.
Chọn thời điểm mà cả hai vợ chồng thật thoải mái và học cách luôn bình tĩnh khi thảo luận về tiền bạc vì chúng rất nhạy cảm. Bàn bạc ngắn gọn, có thể gói gọn trong 15 phút hoặc ít hơn, luôn tránh những thời điểm cần sự nghỉ ngơi như sau bữa ăn hoặc chơi với con.
Có cùng quan điểm tài chính
Bí quyết cơ bản là hai vợ chồng cùng thống nhất một số tiền cụ thể mà cả hai có thể sử dụng mà không cần hỏi ý kiến nhau. Dù hai vợ chồng đều mang về thu nhập cho gia đình hay chỉ do một người đảm nhiệm, cả hai nên cho nhau biết và tôn trọng những khoản chi tiêu riêng của đối phương. Việc che giấu nhau dù là khoản chi nhỏ nhất cũng có thể dẫn đến mất đi sự tin tưởng của đôi bên. Tuy nhiên, nếu đó là số tiền lớn cần phải bàn bạc và nêu rõ quan điểm và cùng đi đến thống nhất cuối cùng.
Trong kinh thánh có viết “Hai người hơn một”, vì vậy, khi vợ chồng biết tôn trọng, cùng bàn bạc và thống nhất với nhau về cách sử dụng các khoản chi tiêu thì vấn đề tiền bạc vốn dĩ rất nhạy cảm trở nên nhẹ nhàng hơn và thoải mái rất nhiều.