Trẻ sinh non vẫn chưa phát triển đầy đủ các chức năng của cơ thể trước khi rời khỏi môi trường tử cung của người mẹ. Việc thiếu hụt này hoàn toàn có thể dẫn đến những biến chứng lâu dài về sau.
Biểu hiện bên ngoài của trẻ sinh non thiếu tháng
Trẻ được sinh ra khi chưa được 37 tuần tuổi được xem là sinh non. Thời gian trong bụng mẹ càng ít so với bình thường, trẻ càng có khả năng tử vong cao. Trẻ sinh non thiếu tháng sẽ có những biểu hiện bên ngoài rất dễ nhận biết như sau:
- Da mỏng, đỏ
- Sụn vành tai mềm, chưa đàn hồi
- Mầm vú chưa rõ, chưa có quầng vú
- Nếp nhăn lòng bàn chân chưa đầy đủ
- Bộ phận sinh dục ngoài chưa hoàn chỉnh
Đặc điểm sinh lý của trẻ sinh non
Trẻ sinh non khi lớn lên thường bị các di chứng về tâm thần vận động, chậm phát triển do các cơ quan trong cơ thể chưa được hoàn thiện chức năng.
Các phế nang của trẻ sinh non chưa trưởng thành. Trung tâm hô hấp và dẫn truyền hoạt động chưa hoàn chỉnh. Vì vậy, trẻ rất dễ có những cơn ngưng thở hoặc thở không đều.
Chất surfactant sinh ra không đủ phục vụ cho quá trình hô hấp, làm xẹp phế nang và dẫn đến bệnh màng trong. Đồng thời, xương sườn mềm, cơ liên sườn yếu khiến lồng ngực trẻ sinh non dễ bị biến dạng.
Trẻ sinh non sẽ dễ bị trào ngược dạ dày do van tâm vị chưa hoạt động tốt. Thêm vào đó, việc thiếu men tiêu hóa, nhu động ruột chưa hoàn chỉnh khiến bé dễ bị chướng bụng, kém hấp thụ chất dinh dưỡng.
Chức năng gan chưa được hoàn thiện khiến việc tổng hợp men và chuyển hóa các chất giảm. Đây là nguyên nhân khiến trẻ kém hấp thu các chất dinh dưỡng dẫn đến hệ miễn dịch hoạt động kém. Trẻ khó có thể chống chọi với các tác nhân gây hại từ môi trường.
Nặng nề hơn, chức năng thần kinh chưa được hoàn thiện có thể khiến trẻ bị dị tật bẩm sinh ở não. Khiếm khuyết ở não là di chứng nặng nề nhất đối với trẻ sinh non.
[lo_irp post=’686′]
Nguyên nhân dẫn đến việc sinh non
30% trường hợp sinh non không được xác định rõ nguyên nhân. Một số nguyên do khác đến từ người mẹ có thể được chẩn đoán như:
- Người mẹ có bệnh cao huyết áp, viêm ruột thừa, nhiễm trùng huyết, tử cung dị dạng…
- Tiền sử sinh non, sảy thai, phá thai, thai chết lưu.
- Thai phụ có môi trường sống không lành mạnh, thiếu chất dinh dưỡng, làm việc quá sức.
- Người mẹ mang thai khi đã cao tuổi (lớn hơn 40 tuổi) hoặc khi còn quá trẻ (dưới 18 tuổi).
Ngoài ra, việc sinh non còn do một số khiếm khuyết từ nhau, nhau bong non, thiểu năng nhau hoặc do ối non, thai dị dạng hay đa thai..
Phòng ngừa nguy cơ sinh non như thế nào
Sức khỏe của người mẹ có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của thai nhi. Thai phụ có một môi trường sống lành mạnh, nguy cơ sinh con thiếu tháng sẽ giảm đi.
Nên chăm sóc sức khỏe tiền sản, chuẩn bị chế độ dinh dưỡng hợp lý, tránh việc hút thuốc, uống rượu. Thai phụ nên giữ cho tinh thần thoải mái, tránh làm việc quá sức và chịu đựng áp lực.
Điều trị ngay các bệnh lý của mẹ như: viêm đường tiết niệu, viêm âm đạo, và cổ tử cung. Các loại bệnh này cần được thai phụ phòng ngừa trước, trong và cả sau khi sinh.
Thăm khám theo lịch khám thai hằng tháng để phát hiện kịp thời những biến chứng bất thường. Thai phụ có nguy cơ sinh non cần được chăm sóc đặc biệt, theo dõi hàng tuần để điều trị kịp thời.
Thai nhi sinh non cần được theo dõi và chăm sóc đặc biệt trong thời gian dài để bù đắp lại những khiếm khuyết bẩm sinh của trẻ.