Sông nước miệt vườn – Bản hòa ca thiên nhiên miền Tây của tôi

Tôi chợt giật mình tỉnh giấc, gió sông Tiền (Tiền Giang) lồng lộng thổi tới, ve vuốt cái không gian trong trẻo, ngát hương hoa quả miệt vườn. Dế rả rích kêu gọi bạn, xen lẫn với tiếng võng đưa kẽo kẹt và ì oạp sóng vỗ ngoài xa. Đêm miền Tây, có cái gì đó lạ lẫm nhưng rất đỗi quen thuộc; trăng trên cao thật gần nhưng hình như chẳng bao giờ với tới được.

Miền Tây, xứ sở của dừa, của lúa gạo, hoa quả, của những gì phóng khoáng nhất mà thiên nhiên đã ban tặng con người. Nó khác xa với Tây Bắc, nơi mà mồ hôi, nước mắt và cả máu của con người đã thấm đẫm trên từng vách đá treo leo; từng thửa ruộng bậc thang ẩn hiện trong sương mờ. Ở miền Tây, mọi thứ đều rõ ràng, mạch lạc như chính những dòng sông đang cuồn cuộn đổ ra biển.

Tôi không nhớ đã đọc ở đâu đó, rằng vùng Đồng bằng sông Cửu long này, là kết quả của một quá trình vận động khốc liệt mà khởi nguồn của nó, chính từ dãy Himalaya hùng vỹ. Bắt nguồn từ đất nước Nepal xa xôi, những dòng suối trên dãy Himalaya chắt chiu từng con nước, tích tụ dần, gửi về cuối nguồn, để tạo nên một vùng đồng bằng đẹp đẽ, trù phú vào bậc nhất trên thế giới.

Có phải chăng, chính những điều đó đã thôi thúc tôi tạm gác lại công việc ở Sài Gòn hoa lệ để lên đường khám phá một miền Tây đầy hấp dẫn, mới lạ?

Không nghỉ ở Homestay

Từ Sài Gòn, mất hơn hai giờ chạy xe máy, tôi đến được bến tàu 30 – 4, nơi bắt đầu cho hành trình khám phá mảnh đất Tiền Giang và Bến Tre. Bởi thời gian có hạn nên tôi quyết định sẽ bỏ qua những điểm thu hút khách du lịch như Rạch Gầm – Xoài Mút, di tích Ấp Bắc, lũy Pháo Đài, lăng Trương Định, lăng Hoàng Gia, lăng Tứ Kiệt và đặc biệt là ngôi chùa Vĩnh Tràng, một kiến trúc phật giáo theo lối tổng hợp Á – Âu (Pháp, La Mã, Thái, Miên, Chàm) hết sức hấp dẫn mà có lẽ bạn sẽ không bao giờ tìm thấy ở bất cứ nơi nào trên mảnh đất hình chữ S này.

Trong hành trình đi vào tâm thức người Việt từ hàng ngàn năm qua, kiến trúc của đạo Phật đều trung thành với phong cách đình, miếu truyền thống của người bản địa. Kiểu kiến trúc dung hòa các “ngôn ngữ” có lẽ  chỉ xảy ra với đạo thiên chúa khi một loạt các nhà thờ đều mang hình hài, dáng dấp của đình chùa xuất hiện tại Hải Thịnh – Thanh Hóa hay Phát Diệm – Ninh Bình từ đầu thế kỷ 19. Có một nhà sử học nào đó đã nói với tôi, các nhà truyền giáo phương tây đã dung hòa những ngôn ngữ kiến trúc nhà thờ phương Tây với đình chùa phương Đông để tạo sự gần gũi, thân thuộc với dân bản xứ, để thuận lợi hơn cho quá trình truyền bá tư tưởng của đạo thiên chúa.

Ngồi trên bến tàu, trong lúc chờ đợi người “hướng dẫn viên du lịch”, nhâm nhi một ly café đen, ngắm nhìn vùng sông nước mênh mông ngoài xa kia là một cảm giác thú vị. Một vài người dân, có lẽ nhận ra tôi là khách du lịch đã tranh thủ chào mời dịch vụ tham quan du lịch với giá khoảng hơn ba trăm ngàn/ người. Tất nhiên, tôi đành phải từ chối bởi qua một vài mối quan hệ, tôi được giới thiệu để đi cùng Lâm, một người dân bản xứ sinh sống bằng nghề trồng trọt, chăn nuôi ở đây. Ngoài thời gian chăm sóc trang trại nhỏ của mình, Lâm còn kiếm thêm bằng nghề lái thuyền, đưa khách du lịch thăm quan miền sông nước, miệt vườn Tiền Giang – Bến Tre mà người ta gọi bằng cái tên đậm chất đại phương: “Tài Công”.

Chiếc thuyền của Lâm có thể chở được khoảng 20 khách nhưng hôm nay chỉ có tôi và một người bạn. Tiếng động cơ phành phạch, đẩy con thuyền rẽ nước, tiến sâu vào vùng sông nước mênh mông. Từ đây, một thế giới khác hẳn trải ra trước mắt, thế giới của nước, gió và những cồn đất trù phú.

Giọng Lâm trầm, ấm lại ngòn ngọt hương vị của miền Tây cứ vang lên đều đều, chỉ dẫn cho những người khách xa lạ. Anh bảo, trong số bốn cồn “Tứ Linh” nổi danh của tour sông nước miền Tây, thì ba cồn Lân, Phụng, Long có hình dáng dài, riêng Cồn Quy có hình tròn (giống hình con rùa) nên được gắn với tên này. Trong đó, Cồn Quy và Cồn Phụng thuộc địa phận Bến Tre, còn Cồn Long và Lân là thuộc Tiền Giang. Một điều rất đặc biệt mà tôi nghĩ rằng, đó là cơ duyên của mình khi Lâm tiết lộ, anh là cháu ngoại của ông Phạm Cao Thăng, một người rất nổi tiếng ở vùng sông nước miền Tây này. Chính ông là người đầu tiên ra khai khẩn, giữ đất và ở lại cồn Quy để gây dựng cuộc sống. Trong tâm thức những người ở vùng sông nước này, Phạm Cao Thăng giống như một vị “thành hoàng làng” theo tín ngưỡng của những vùng quê xứ Bắc.

Trong số bốn cồn thì cồn Phụng là nơi thu hút khách du lịch nhất bởi ở đó, khu di tích ông Đạo Dừa” Nguyễn Thành Nam vẫn ngày ngày mở cửa đón du khách từ khắp nơi trên thế giới đổ về. Ông đạo Dừa Nguyễn Thành Nam, người sáng lập ra một tôn giáo thu hút hàng chục ngàn người tham gia: Hòa đông tôn giáo hay còn gọi là Đạo Dừa, một thứ đạo mà triết lý của nó có lẽ vẫn còn ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống dân cư bản địa đến tận bây giờ.

Đạo Dừa khuyến khích người đời sống tôn trọng lễ nghĩa và yêu thương, cư xử hòa mục với nhau. Tôi hỏi, tại sao lại gọi là Đạo Dừa? Lâm cười bảo: “Ông Nam thường dùng dừa làm thực phẩm và cũng  khuyên tín đồ của mình nên ăn dừa và uống nước dừa bởi vậy mới có cái tên đó.”. Có nhiều giai thoại về người đứng đầu tôn giáo lạ kỳ này, Lâm kể, ông ấy thử nghiệm hòa đồng dân tộc bằng cách nuôi chuột và mèo trong một lồng để chứng minh rằng, hai kẻ đối nghịch vẫn có thể  chung sống trong hòa bình và ước muốn của ông, là Việt Nam sẽ không có chiến tranh.

Lâm cho thuyền ghé vào cồn Phụng để chúng tôi có dịp chiêm ngưỡng những công trình tôn giáo mà ông Đạo dừa Nguyễn Thành Nam đã xây dựng lên. Trong khuôn viên khoảng hơn 1.500 m2, những hạng mục kiến trúc được bảo tồn gần như nguyên trạng. Nào sân khoảnh rộng rãi với 9 cây cột được trạm khắc hình rồng ngạo nghễ vươn lên trời cao, biểu tượng của đồng bằng sông Cửu Long. Nào tháp Hòa bình hay còn gọi là Cửu trùng đài v.v… Nếu muốn hiểu rõ hơn, bạn có thể dành thời gian tìm hiểu tại bảo tàng ông Đạo Dừa ngay trên cồn Phụng với nhiều hiện vật mang đậm nét văn hóa về một giai đoạn của lịch sử Việt Nam.

Bên kia, cồn Lân (cồn Thới Sơn) dần hiện ra với một màu xanh thẳm của những rặng dừa. Cồn Lân, nơi hấp dẫn khách du lịch bởi những cơ sở sản xuất kẹo dừa hay những sản phẩm thủ công mỹ nghệ được chế tác từ cây dừa. Khách du lịch đến đây, được trực tiếp chiêm ngưỡng quy trình chế biến những thanh kẹo dừa thơm ngọt và nóng hổi, từ công đoạn trộn nguyên liệu, đổ khuôn, đun kẹo cho đến đóng gói. Những công xưởng gia đình, ẩn sau hàng cây, với sự tham gia sản xuất của bà con họ hàng thân thuộc như một thứ đặc sản của vùng đất này. Hình như, trong vị ngọt của kẹo dừa, sự kết dính máu mủ cũng thấm đẫm trong nó, tạo nên một hương vị nổi tiếng không chỉ ở Việt Nam.

Khách du lịch tới đây sẽ tham gia vào một tour du lịch mà theo tôi, sẽ đánh thức cả cảm  giác lẫn vị giác. Bạn sẽ được thưởng thức kẹo dừa,  ăn no căng trái cây miệt vườn, uống một ngụm trà mật ong thơm mát và thong dong trên chiếc xe ngựa, ngắm nhìn vùng đất trù phú này rồi tĩnh lặng tâm hồn lại để thưởng thức thứ âm nhạc do chính những nghệ sỹ miệt vườn biểu diễn: những câu vọng cổ da diết.

“Đêm nay ngủ lại đây chứ?” Lâm quay sang hỏi tôi.

Còn đang lưỡng lự, tự hỏi rằng sẽ nghỉ ở đâu giữa vùng sông nước này thì Lâm đã giới thiệu những địa chỉ Homestay uy tín. Homestay ở đây, khác hẳn với những nơi tôi đã đi qua, ít nhất là so với vùng Tây Bắc. Nói đúng hơn, nó là những căn phòng nghỉ nhỏ nhắn được xây bằng gỗ xen kẽ nhau và hoàn toàn biệt lập chứ không phải việc những người khách xa lạ cùng chia sẻ nhau một gian nhà sàn rộng lớn như vùng núi phía Bắc.

“Hay chúng tôi về nhà anh nghỉ? Tôi muốn thưởng thức một đêm như những người dân bình thưởng ở đây” – Bất chợt tôi đề nghị.

Lâm cười lớn rồi không nghĩ ngợi, gật đầu cái rụp. Anh không biết tôi là ai, tính cách tôi ra sao nhưng sẵn sàng để tôi về nhà anh. Cái khí chất phóng khoáng của người dân miền Tây là đây chăng? Tôi khẳng định, nếu có ai đó mới quen, đề nghị về nhà tôi nghỉ, câu trả lời chắc chắn sẽ là  “Không”.

Quyết định không nghỉ lại Homestay, cho đến tận bây giờ tôi vẫn khẳng định điều đó là chính xác. Một không gian khác, một cuộc sống khác, không tour du lịch, không quà lưu niệm, nhưng nó khiến tôi hiểu thật nhiều về mảnh đất và con người ở đây.

[lo_irp post=’107617,103166′]

Một ngày làm người miền Tây

Bữa cơm chiều được dọn ra dưới hiên nhà Lâm với nguyên liệu được lấy từ chính trang trại của anh. Mâm cơm thịnh soạn với cá rô phi, cá Diêu hồng chiên giòn, gà luộc, rau cỏ hái ngoài vườn, bát nước chấm đặc biệt do chính Lâm kỳ cạch pha chế và thứ đồ uống quá thân thuộc với người dân miền Tây: bia lon. Nếu như ở miền Bắc, mâm cơm đãi khách không thể thiếu rượu thì bắt đầu từ đèo Ngang trở vào Nam, người dân dùng bia để bày tỏ sự mến khách của mình. Khí hậu chính là một tác nhân chính cho sự khác biệt về đồ uống.

Quanh mâm cơm của những kẻ vốn xa lạ với nhau, những câu chuyện về mảnh đất này cứ dần dần hé mở, từ giai thoại quanh chuyện Cồn Quy, chuyện cư dân, chuyện đời ông sơ ông cố… và cả những chuyện mưu sinh thường nhật. Lâm bảo, tôi và người bạn là vị khách đầu tiên mà anh làm hướng dẫn viên du lịch bởi nguồn thu chính của gia đình anh là từ làm vườn, bán trái cây, nuôi cá… Quanh quẩn với thửa đất xuyên suốt từ đầu này qua đầu kia của Cồn cũng hết một ngày, nào bơm nước tưới, nào cắt tỉa cây cành, nào chăm trái… Khi nào có khách, công ty báo về thì ra Bến tàu 30 – 4 đón khách chở đi theo Tour. Vợ anh chỉ lo coi sóc nhà cửa và trông con –bé gái tên Giang chừng 3 – 4 tuổi rất xinh xắn mà vợ chồng anh gọi là “Cục vàng”…

Những câu chuyện cứ thế trải ra, cho đến khi ngẩng đầu lên thì vầng trăng đã vằng vặc ở trên cao. Tôi không nhớ, nhưng hình như hôm đó là ngày rằm thì phải, trăng tròn và đẹp, sáng dịu cả một vùng miệt vườn. Lững thững đi bộ ra bờ sông Tiền, gió lồng lộng thổi tới làm đám dừa nước lào xào, nhè nhẹ xô những con thuyền lên xuống theo con nước. Đâu đó vẳng lại vài câu vọng cổ, tiếng đàn da diết như nỗi nhớ mơ hồ. Chẳng biết, có phải ngày xưa Huỳnh Văn Nghệ cũng có trải nghiệm như thế, để viết nên những vần thơ da diết: “Từ thủa mang gươm đi mở cõi, trời Nam thương nhớ đất Thăng Long”.

Ở xứ sở của sông nước và miệt vườn này, bạn chẳng thể ngủ nướng được. Bởi sáng sớm là một bản hòa ca của thiên nhiên với tiếng chim chóc, gà vịt, nó khiến bạn sẽ cảm thấy một sự sảng khoái, muốn hít căng lồng ngực sự trong veo của không khí. Buổi sáng, bạn sẽ thấy khu vườn trái cây ở xứ này là sự thèm muốn của bất cứ tay nhiếp ảnh nào: Ánh sáng xiên ngang, lọt qua những tán cây, phối hợp với vài cọn khói bốc lên từ trong gian bếp, tạo nên những ray sáng tuyệt mỹ, mờ mờ ảo ảo.

Tôi dành thời gian tha thẩn quanh cồn Quy, để có một cái nhìn rõ ràng hơn về cuộc sống của người dân nơi này. Sự bồi đắp qua hàng ngàn năm của phù sa đã khiến vùng đất này trù phú lạ thường. Những khóm dứa, những cây nhãn xuồng, nhãn quế, những cây mít lúc lỉu trái chạy dọc thân, rồi đám dừa ta, dừa xiêm ngả ngốn bên mặt kênh lóc chóc đầu cá rô đen đặc… Ở đây, mỗi gia đình đều có một chiếc xuồng làm phương tiện di chuyển, nó cũng giống như chiếc xe máy trên cạn vậy. Khắp vùng miền Tây, từ hàng trăm năm nay, ghe, xuồng là “đôi chân”, là sự kết nối vùng miền, tạo nên những địa danh đã trở thành huyền thoại: “Chợ nổi ngã bảy”; Chợ nổi Cái Răng”; vùng Đồng tháp mười ngập nước…

Trước khi tạm biệt, Lâm đưa tôi đến bè cá của gia đình anh dưới chân cầu Rạch Miễu. Một bè cá nhung nhúc Diêu hồng, nhuộm đỏ một khoảnh sông. Bắt vài con cá lên thuyền làm mồi nhậu, anh lại tấp vào một cồn nhỏ, đón vài người bạn và mang theo cả rượu. Lâm bảo, người miền Tây phải thực sự quý mới mời rượu nên không được từ chối.

Trên con thuyền thả trôi theo dòng nước Tiền Giang, rượu được rót ra, cá bày lên đĩa, một vài người bạn hứng chí ca một câu vọng cổ: “Mấy nếp nhà tranh ẩn mình sau hàng tre rủ bóng đang vươn lên ngọn khói lam chiều. Cảnh hoàng hôn sao nhuộm vẻ tiêu điều. Khóm lau thưa xào xạc trên lối đường mòn vẳng lặng cô liêu…”. Phải rồi! Đây chính là miền Tây; miền Tây mà tôi tìm kiếm; Miền Tây không có ở bất cứ một tour du lịch nào mà bạn tìm kiếm.

Thông tin cho bạn

Phương tiện đi lại:

Xe máy
TP. Mỹ Tho (Tiền Giang) cách TP.HCM 72km, mất khoảng gần 2 tiếng chạy xe để di chuyển. Các bạn có thể chạy xe theo quốc lộ 50 hoặc quốc lộ 1 để về Mỹ Tho. Nếu có thời gian, nên đi theo quốc lộ 50 (Long An – Gò Công – Mỹ Tho) để trải nghiệm và khám phá cảnh vật

Xe khách

Từ TP. Hồ Chí Minh, bạn có thể sử dụng dịch vụ xe khách tại bến xe miền Tây
Địa chỉ: 395 Kinh Dương Vương, An Lạc, Quận Bình Tân, TPHCM – Điện thoại: (084) 38.752.953 – 38.776.594.

Nghỉ ở đâu?

Bạn có thể nghỉ tại khách sạn Cồn Phụng với giá phòng khoảng 300.000 đồng/đêm. http://www.conphungtourist.com. Điện thoại: (075) 3822 198 – 2214272.

Tour du lịch:

Có rất nhiều tour du lịch khám phá vùng sông nước Tiền Giang – Bến Tre. Nếu bạn có thời gian, 2 ngày là thích hợp để khám phá hết vùng du lịch này. Cồn Phụng Tourist cung cấp tour 2 ngày 1 đêm với nhiều hoạt động hấp dẫn.

Liên hệ; INTOUR – (084) 39 89 99 89; Website: intour.com.vn

Ẩm thực:

Được mệnh danh là xứ dừa nên bạn không thể bỏ qua những đặc sản được chế biến từ trái dừa. Đến Bến Tre, bạn có thể thưởng thức cơm dừa, uống rượu dừa và mua kẹo dừa dùng để làm quà.

Ngoài ra, Đuông dừa còn là một đặc sản mà bạn chắc chắn không thể bỏ qua khi đến vùng đất này. Đuông là một loại ấu trùng sống trong thân cây dừa, được người dân chế biến thành những món ăn giàu protein như Đuông tẩm nước mắm; Đuông luộc nước dừa; Đuông nướng, rang v.v…

Bài và ảnh: VNT

Facebook
Twitter
LinkedIn