Nuôi con bằng sữa mẹ vẫn là lựa chọn hàng đầu khi muốn bé khỏe mạnh và phát triển tốt. Tuy nhiên, nếu người mẹ không đủ sữa cho con, các loại sữa động vật là lựa chọn thay thế. Sữa động vật còn được dùng như những loại thực phẩm khác để bổ sung dinh dưỡng cho trẻ.
Thành phần dinh dưỡng có trong sữa động vật
Sữa (gồm sữa bò, trâu, dê, cừu) là thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao. Trong thành phần của sữa có đầy đủ các chất đạm, mỡ, đường, vitamin và chất khoáng giúp cơ thể phát triển và khỏe mạnh. Chất đạm (protein) của sữa rất quý vì thành phần acid amin cân đối và độ đồng hóa cao.
Chất béo (lipid) của sữa giàu năng lượng, có nhiều vitamin tan trong chất béo nhất là vitamin A. Loại chất béo ở trạng thái nhũ tương và có độ phân tán cao tạo điều kiện cho quá trình tiêu hóa và hấp thu dễ dàng.
Sữa cũng là nguồn vitamin nhóm B, nhất là riboflavin (B2). Vitamin B1, B2 trong sữa chua nhiều hơn ở sữa thường tới 20-30%
Trong sữa có nhiều canxi dưới dạng kết hợp với casein, tỷ lệ canxi/photpho thích hợp nên mức đồng hóa và hấp thu cao
Do vậy sữa là thức ăn rất tốt cho mọi lứa tuổi. Với trẻ nhỏ sữa mẹ là thức ăn tốt nhất, cần cho trẻ bú mẹ hoàn tòan trong 6 tháng đầu. Những tháng tiếp theo cần cho trẻ ăn bổ sung, trong khẩu phần của trẻ nên có thêm sữa (có thể là sữa bò, sữa trâu, sữa dê).
Tuy nhiên nếu chỉ quan tâm cho trẻ uống sữa thì chưa đủ dinh dưỡng. Cần cho trẻ ăn thêm thức ăn đa dạng để cung cấp đủ dinh dưỡng giúp trẻ phát triển tốt.
Không nên cho con uống sữa thay cho các thực phẩm khác
Nhiều ông bố bà mẹ suy nghĩ “sữa là tốt nhất. Họ có thể dùng sữa để thay thế các loại thực phẩm khác khi con biếng ăn. Sử dụng sữa cho trẻ như vậy là không đúng vì sẽ dẫn đến sự thừa một số thành phần mà lại thiếu hụt một số thành phần khác.
Ví dụ:
Nhu cầu dinh dưỡng của trẻ từ 1-3 tuổi là:
- 1.300 Kcal, 30 gam chất đạm(protein)
- 36 gam chất béo(Lipit)
- 195 gam chất đường bột(Gluxit)
- 1.200ml nước.
Để đảm bảo nhu cầu về năng lượng trẻ cần uống: 2 lít sữa bò (đã pha theo công thức) / ngày, nhưng nếu uống đủ 2 lít sữa thì lượng đạm đưa vào cơ thể sẽ vào khỏang 42-45 gam (dư khoảng 10 – 12 gam), lượng mỡ đưa vào cơ thể khỏang 48 – 50 gam (dư khoảng 12 – 14 gam)
Lượng dư ra của cả chất đạm và chất béo đều không tốt cho trẻ vì trong quá trình tiêu hóa sẽ tạo ra các sản phẩm trung gian độc hại cho cơ thể
Trên thực tế không bé nào có thể uống được 2 lít sữa / ngày. Như vậy sẽ làm tăng lưu lượng tuần hoàn, tạo tăng gánh nặng cho tim.
Nếu điều chỉnh lại cho phù hợp với nhu cầu chất đạm, chất béo của bé thì bé cần uống khoảng 1400ml sữa bò(đã pha theo công thức) / ngày. Như vậy tổng năng lượng chỉ đạt 910 Kcal (thiếu khỏang 30%)
Hãy để hệ tiêu hóa của trẻ phát triển toàn diện
Các vitamin, muối khoáng được trong sữa cũng chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu hàng ngày của trẻ. Chất xơ trong sữa rất ít nên nếu chỉ uống sữa các cháu sẽ bị táo bón.
Mặt khác nếu chỉ uống sữa trẻ sẽ không cần nhai. Như vậy, hệ thống răng và các cơ nhai không làm việc để kích thích tuyến tiêu hóa. Khi đã có đủ răng, trẻ cần được tập nhai.
[lo_irp post=’101976′]
Lúc nhai răng cửa và răng hàm đều làm việc để cắt, nghiền thức ăn. Các cơ hàm cũng cùng làm việc giúp hai hàm răng khít lại để cắt và nghiền thức ăn có hiệu quả.
Động tác nhai cũng kích thích sự bài tiết men tiêu hóa:
- Kích thích sự bài tiết nước bọt trong khoang miệng. Nước bọt có men ptyalin, có tác dụng tiêu hóa tinh bột
- Tại dạ dày kích thích bài tiết dịch vị trong đó có men pepsin có tác dụng tiêu hóa chất đạm.
Như vậy, sữa giúp cho chế độ ăn của trẻ cân đối hơn. Tuy nhiên, không thể dùng sữa để thay thế hoàn toàn các thực phẩm khác.
Cần cho trẻ ăn đa dạng các thực phẩm tự nhiên để cung cấp đủ dinh dưỡng. Đồng thời tạo điều kiện cho hệ tiêu hóa phát triển toàn diện.
Mỗi ngày trẻ từ 1 – 3 tuổi chỉ nên uống khỏang 500ml sữa bò (đã pha theo công thức); trẻ trên 3 tuổi chỉ nên uống khỏang 300 – 400ml là đủ.
Theo Viện Dinh Dưỡng