Có những đôi uyên ương ngày nay ở nước Nga trước khi quyết định kết hôn đã thỏa thuận một điều đặc biệt: sẵn lòng dành cho nhau những khoảng trời riêng, kể cả trong quan hệ luyến ái. Liệu xu thế mới này có phải là giải pháp để cuộc sống vợ chồng trở nên dễ chịu và bền vững hơn?
Không ép buộc và không tước đoạt
Vadim, 46 tuổi, đã kết hôn đến lần thứ tư. “Tôi tôn thờ tình yêu tự do. Tôi luôn trung thực với vợ và thỏa thuận trước về quyền được có những phiêu lưu tình ái, – Vadim kể. – Nhưng chỉ có người vợ sau cùng chia sẻ được với tôi quan niệm hiện đại này”. Lena, người vợ hiện tại của Vadim nói: “Chúng tôi lấy nhau vì tình yêu, nhưng không ép nhau chung thủy. Tôi thấy xung quanh có quá nhiều người đang ràng buộc nhau trong sự dối trá. Tôi cứ băn khoăn không hiểu điều gì buộc chặt họ với nhau thế? Con cái ư? Sợ tuổi già cô độc ư? Tôi cho rằng kiểu gia đình truyền thống đã lỗi thời, xã hội đã phát triển đến mức các quan hệ trong gia đình cũng cần phải thay đổi ”.
Trong xã hội hiện đại, con người ngày càng muốn khẳng định cái tôi quyết liệt hơn, và do vậy đời sống vợ chồng nhiều khi trở thành cuộc đối đầu giữa những cái tôi quá lớn để rồi kết cục là các cuộc ly hôn không ngừng gia tăng. Sự manh nha của hình thức hôn nhân “mở” phải chăng là một sự tìm kiếm cân bằng, giúp duy trì cuộc hôn nhân mà ở đó mỗi cá nhân đều có “một không gian để thở”?
Trong hôn nhân “mở”, các đôi vợ chồng không tước đoạt tự do của nhau, không cố điều khiển nhau, đồng thời không từ bỏ cá tính của mình, không hy sinh các mối quan tâm của mình. Có nhiều lý do để hôn nhân truyền thống chuyển sang hôn nhân “mở”, chẳng hạn như sự suy giảm hấp dẫn ở một trong hai người, khát kháo hâm nóng cảm xúc bằng ghen tuông, sợ tuổi già sắp đến, muốn khám phá những chân trời dục tình mới.
Kirill 27 tuổi và Anton 32 tuổi chung sống với nhau đã gần 2 năm. “Khi mới quen nhau, chúng tôi đã hiểu rằng cả hai đều không muốn bị bó hẹp với một người tình duy nhất là chồng hoặc vợ. Đó là một sự đồng cảm – Anton kể. – Chúng tôi đều biết mình là một phần của nhau, mọi chuyện còn lại đều không quan trọng!” “Mỗi người chúng tôi đều gặp gỡ ai đó, có quan hệ đi xa hơn, – Kirill nói tiếp. – Nhưng những ngày nghỉ chỉ có hai người luôn được xem là thiêng liêng và tôi chỉ có thể nói “yêu” với anh ấy mà thôi…”
Những lý lẽ xem ra rất hợp tình hợp lý. Tuy nhiên, các nhà tâm sinh lý học khẳng định: “Thật nhầm lẫn khi cho rằng người ta chỉ lên giường với một người ngoài chồng vợ và không làm ảnh hưởng đến quan hệ của vợ chồng. Đó là một ảo tưởng nguy hiểm. Về mặt khoa học, khi quan hệ tình dục, trong cơ thể diễn ra sự trao đổi hormon và xúc cảm. Sự “cởi mở” tình dục sẽ dẫn đến những vấn đề khác nhau trong quan hệ vợ chồng, mà chủ yếu nhất là sự xa lạ đối với nhau”.
Sự cân bằng mong manh
Vậy tại sao các đôi vẫn đi đến quyết định sống “mở”? Và khi nào thì họ nghĩ đến điều này? Ông Victor Macarov – tiến sĩ y khoa, Chủ tịch Hiệp hội tâm lý trị liệu công đoàn toàn Nga nói: “Thường thì sau một vài năm kết hôn, một trong hai người sẽ đề xuất “mô hình mới” với lý luận kiểu thế này: Em yêu anh, nhưng em muốn trải nghiệm nhiều hơn trong tình dục. Em không muốn lừa dối anh và sẵn sàng để anh cũng có những thú vui riêng. Anh có thể chấp nhận điều đó hoặc không, nhưng em không muốn chia tay với anh.”
Cô Veronika 43 tuổi, đã có hai đời chồng, cả hai cuộc hôn nhân đều kết thúc do người chồng đến với những phụ nữ khác. Hiện nay cô đang sống với một người trẻ hơn cô đến 10 tuổi. Ý trung nhân của Veronika đặt điều kiện: chúng ta sống chung, nhưng sẽ cho phép nhau vui vẻ ở bên ngoài. “Nhiều bạn gái không hiểu tôi, nhưng tôi hài lòng với vì đề nghị của Macxim, – Veronika nói. – Chúng tôi là duy nhất với nhau, nhưng chúng tôi sẽ có thêm cảm xúc từ những bạn tình khác. Trong cuộc sống của chúng tôi sẽ không có chỗ cho điều đáng sợ nhất – sự lừa dối”.
“Khi người phụ nữ nói rằng cảm thấy tin cậy bạn tình hơn khi anh ta không hứa hẹn chung thủy suốt đời, có lẽ cô ta đang tự dối mình. Một cách vô thức, cô ấy thể hiện sự chín chắn, cẩn trọng, – Victor Macarov nhận định. – Người ta có thể không có kế hoạch cho tương lai, không có nghĩa vụ qua lại, nhưng cũng không hẳn sẽ cảm thấy mình thật sự tự do và tự tin”. Veronika thừa nhận rằng sự tự do này cũng có mặt trái: “Chúng tôi sẽ không lừa dối nhau, nhưng thực ra cũng chẳng ai được bảo đảm sẽ không bị một cú sét ái tình, chẳng ai đảm bảo sẽ không gặp một bạn tình hấp dẫn đến mức khó lòng dứt ra. Khi Macxim có vẻ mơ màng, tôi có cảm giác như anh ấy đang nghĩ đến một ai đó và đang lìa xa tôi… Đôi khi tôi cũng thấy khó che giấu cảm xúc của mình”.
Quả thực là ngay cả trong hôn nhân “mở” người ta cũng không thể tránh khỏi dằn vặt bởi cảm giác có lỗi, hổ thẹn, bởi vì khi đã có những gần gũi về thân xác ở bên ngoài, hiếm ai có thể hoàn toàn quên đi, để trở về ngôi nhà chung với tình cảm trọn vẹn cho vợ hoặc chồng mình cả. Và dù tôn thờ tự do, ý nghĩ về người đàn bà khác khi ở bên cạnh vợ cũng sẽ khiến người chồng cảm thấy ăn năn. Đó là chưa nói đến chuyện những quan hệ bên ngoài có thể phá vỡ hôn nhân.
Chính vì vậy mà các nhà tâm lý cho rằng, dù là một xu thế mới mẻ, đem lại nhiều tự do hơn cho mỗi cá nhân, hôn nhân “mở” vẫn chưa thể loại bỏ được giá trị của tình yêu chung thủy cả về mặt thể xác lẫn tinh thần, và không vì “mở” mà nó bền vững hơn hôn nhân truyền thống. Tuy nhiên, việc chấp nhận nhau một cách dễ dàng hơn, dành cho nhau những khoảng trời riêng (tất nhiên không phải là “chuyện ấy”) trong một hành trình chung lâu dài cũng là một điều hay, khiến cho cuộc sống vợ chồng bớt đi những xung đột, và vì thế mà hạnh phúc hơn.
Tiểu Vân (dịch theo Psychologies)