Đất Mũi Cà Mau – Ngón chân cái chưa khô bùn vạn dặm

Hiển nhiên ai cũng mong muốn được một lần trong đời ghé thăm Đất Mũi Cà Mau, nơi đánh dấu chủ quyền thiêng liêng như là điểm cực Nam của Tổ quốc, được ngắm nhìn sóng nước mênh mang, thăm quan hệ sinh thái rừng ngập mặn rất đa dạng nơi đây.

VĂN HÓA CÀ MAU

Điệu cải lương cứ như bao bọc lữ khách khi ngồi trên xe tốc hành về miền Tây. Bất chấp trào lưu MTV đang lôi kéo giới trẻ thành thị vào cơn cuồng nhiệt bất tận, bất chấp các ca sỹ thời thượng mọc nhanh và cũng tắt nhanh đang làm mưa làm gió trên sân khấu đô thị, dân miền Tây cho tới giờ vẫn ưa sáu lời ca vọng cổ, vẫn khoái nhâm nhi xị đế cùng thịt rắn hổ bên trảng cỏ ven nhà.

Tận cùng của miền Tây, cũng là của đất nước, muỗi vẫn bay ngập không gian và những tay bợm nhậu vẫn phải ngồi trong mùng để nâng lên đặt xuống chén cay. Cà Mau vẫn “Xanh xanh và đen đen. Xanh xanh rừng đước, rừng tràm rừng vẹt. Và đen đen màu đất” như Nguyễn Tuân viết ngày xưa. Cuộc sống của người dân vẫn chủ yếu dựa vào mặt nước và người ta vẫn hát câu “Thương những đời như lục bình trôi…” Nhưng có lẽ đời buồn đã lùi xa lắm rồi.

SÔNG NƯỚC CON NGƯỜI CÀ MAU

Canô cao tốc gắn động cơ Yamaha 200 mã lực đã dần thay thế những con đò gỗ. Nhờ những chiếc phi cơ của sông nước Nam Bộ này, thời gian từ bến tàu B thị xã Cà Mau ra đến cột mốc số 0 ngoài chót cùng Đất Mũi đã rút từ 8 tiếng xuống còn 3 giờ đồng hồ. Canô ở đây chạy như môtô của đám anh hùng xa lộ chốn thị thành. Luồn lách giữa hàng trăm, hàng ngàn ghe, bo bo, võ lãi, xuồng ba lá… chúng xé sóng, nhảy chồm trên mặt nước và dường như chỉ chực lao thẳng vào những chiếc ghe kềnh càng đang chậm chạp chạy ngược chiều. Đôi lúc, chúng quay ngoắt, toàn thân chao nghiêng trong vòng xoay ở khúc quanh giữa sông để tránh dàn cây gỗ chắn ngang luồng, nơi người địa phương giăng lưới. Hành trình Cà Mau – Ông Trang – Năm Căn và kết thúc tại Rạch Tầu vẫn thường tạo nên vô số khoảnh khắc thót tim như vậy.

Từ Rạch Tầu – một thị tứ nhỏ bên bờ sông, những chiếc xuống nhỏ nhắn vẫn nhận chở khách tới tận cùng đất nước chỉ với giá 20.000đ cho khoảng cách 3km. Cái cảm giác khoan khoái được bồng bềnh trên sông, chao đảo giữa sóng và ngợp trong cảnh sắc mênh mông một mầu xanh… sẽ nhanh chóng nhường chỗ cho niềm xúc động khi bàn tay run run chạm vào cột mốc thiêng liêng nơi tận cùng đất nước. Miệng cười mà nước mắt rơi. Đất ở đây đã mặn càng thêm mặn.

Cá lóc nướng, món ăn dân dã đặc trưng cho miền đồng sông nước Nam Bộ
Món ăn ba khía của Đất Mũi Cà Mau

Tại đây, mới chỉ có một ngôi nhà được dựng lên để du khách nghỉ ngơi, mới chỉ có một con đường lát đá chạy vòng ôm lấy tâm điểm là biểu tượng Đất Mũi với dáng hình mô tả một mũi tàu lướt sóng. Vì thế, bạn sẽ không có điều kiện ngủ lại qua đêm hoặc tổ chức tour sinh thái như bơi thuyền, câu cá hoặc đốt lửa trại như tại các vùng du lịch khác. Song bù lại, bạn đã hạnh phúc hơn rất nhiều người khi có mặt nơi đây.

Thật ra, Đất Mũi chưa bao giờ ở yên một chố. Mỗi năm, nó lại vươn ra biển trên dưới 200m. Ghi công đầu trong công cuộc lấn biển chính là đước. Như “nến thắp trên sình lầy” (chữ dùng của Nguyễn Tuân), loài cây này bền bỉ cắm bộ rễ chắc khỏe xuống bùn và thầm lặng thả xuống những trái thuôn nhỏ mầu xanh. Trái đước sẽ cắm sâu vào lòng đất, để đời nọ tiếp nối đời kia miệt mài công cuộc mở đất cho cõi sinh tồn.

“ở cái chốn cuối trời cuối đất Cà Mau, ở cái chỗ ngón chân cái Tổ Quốc chưa khô bùn vạn dặm mà trên ngấn chân trời sóng bể, cùng trong một ngày, ai ai cũng đồng thấy mặt trời mới vừa mọc đó lại cũng vừa lặn đó, thì chỉ có cái tấm lòng, chỉ có sự sống cao cả là đáng quý, còn ra chỉ là chi tiết, chỉ là ngoại vật. Chỗ này đúng là cái quê hương bất diệt của những con người nếu chưa là dũng sĩ diệt Mỹ thì chí ít cũng là hảo hớn từ bao năm.”Nguyễn Tuân

Thực hiện: Thái A

Facebook
Twitter
LinkedIn