Từ lâu, gian bếp Việt đã quen thuộc với các vật dụng bằng sành sứ đơn giản hoặc chế tác công phu. Không chỉ giữ được độ nóng cho món ăn thêm ngon, các vật dụng sành sứ còn giúp bàn ăn thêm đẹp và lịch sự. Ngoài những dòng sứ có thương hiệu tại Việt Nam, thời gian gần đây, các chị em nội trợ đang săn lùng những món gốm Nhật bền đẹp và vô cùng bắt mắt với rất nhiều kiểu dáng đa dạng.
Văn hoá Nhật trong từng mẫu mã sản phẩm
Giản dị, tinh tế, gần gũi với đời sống thường ngày là ba tiêu chí mà gốm Nhật thường hướng đến. Bàn ăn của người Nhật lại có chân thấp và đặt trên nền nhà nên các món ăn được bày biện trong các loại bát đĩa có kích thước nhỏ và vừa vặn cho một ít thức ăn trong đó. Điều này thể hiện rõ quan điểm trong văn hoá ăn uống của người Nhật, mọi thứ nên vừa đủ, tránh thừa thãi, cách ăn cũng như phong cách sống phải thật nhẹ nhàng không quá sức.
Hình dáng và công năng của gốm Nhật luôn chịu sự ảnh hưởng lớn từ nét văn hoá và nền ẩm thực của đất nước mặt trời mọc. Các đĩa dài, dẹt và nhỏ dành phục vụ cho thói quen ăn sushi, hoặc các món muối chua thường ngày. Vì người dân hay ăn mì Ramen vào mùa đông nên những chiếc bát ăn mì sẽ to, dày và nặng hơn để giữ độ nóng hổi của món ăn thật lâu đến cuối.
Không chỉ yêu thích các loại vật dụng bày trí trên bàn ăn, người tiêu dùng còn mê luôn cả các loại dụng cụ nấu bếp, một chiếc cối suribachi làm từ gốm được khắc chi chít các rãnh nhỏ bên trong đem giã gia vị nhỏ như hạt mè lại rất mịn màng. Với một đất nước hiếm tài nguyên, chính nhờ sự cố gắng tận dụng những thứ ít ỏi để biến những món ăn trở nên ngon lành và thêm giàu dưỡng chất được đặt vào chính chiếc cối suribachi này. Vì ngoài nghiền gia vị, các loại cá nhỏ như cá trích, cá mai… không mấy giá trị cũng nát xương trong cối, thế là có thêm món chả cá giàu canxi hơn.
Công năng phù hợp món ăn Việt
Gốm Nhật rất bền, đó là một trong những tiêu chí lựa chọn của các bà nội trợ. Nhưng hơn hết là chính công dụng phù hợp và thiết kế giúp nổi bật trong món ăn Việt. Giữ nóng tốt, các chi tiết giúp người sử dụng thuận tiện trong từng món ăn như bát ăn có phần đế cao giúp tránh bị bỏng khi bưng lên ăn cơm nóng, dùng ăn lẩu bát sẽ có tay cầm. Gốm Nhật tinh tế trong từng hoạ tiết trang trí, nước men và màu sắc giúp bàn ăn thêm phần bắt mắt hơn.
Sự sắp đặt tinh tế của người nội trợ
Nếu như phương Tây đặc biệt sử dụng các vật dụng sứ trắng để bày trí món ăn, dùng kỹ thuật và thẩm mỹ cá nhân để trình bày thì với bát đĩa Nhật lại thể hiện sự khéo léo và tinh tế của người dùng. Đối với người Nhật, biết ghép ly nào với bát nào, đĩa nào là một nghệ thuật vì thường chén bát không theo bộ nên cần một tổng thể hài hoà.
Trong bếp ăn Việt, bữa cơm thông thường trên bát đĩa Nhật lại không cần quá công phu lại vô cùng hấp dẫn. Mỗi một vật dụng đầy đủ màu sắc, hoa văn như một vật phẩm trưng bày, chỉ cần đặt nhẹ món ăn lên cũng đã đủ đẹp mặt. Tuy nhiên, để có được sự hài hoà màu sắc giữa món ăn và vật đựng cũng rất cần một bàn tay nội trợ tài hoa và tinh tế.
Gốm Nhật ngày càng được ưa chuộng trên bàn ăn Việt không chỉ vì công năng phù hợp, tiện dụng mà còn cho thấy sự khéo léo của người phụ nữ trong gia đình.