1. Xác định rõ quan điểm của bạn quỹ riêng
Bạn có thể thống nhất với nửa kia của mình về chuyện này ngay cả khi chưa kết hôn. Ở bất kỳ độ tuổi nào, bạn có những nhu cầu cá nhân và việc duy trì một quỹ riêng là điều chính đáng. Tuy nhiên, để tránh bất hòa (nhất là khi đã kết hôn và có con), cả hai hãy cùng thống nhất tỷ lệ giữa khoản đóng góp chung và khoản giữ lại phục vụ tiêu dùng cá nhân.
2. Các khoản nợ của mỗi người trước khi đến với nhau
Việc thông báo những khoản nợ tài chính trong quá khứ không có nghĩa là kêu gọi sự giúp đỡ hay xác định thêm trách nhiệm cho người kia mà là để đối tác biết được thực trạng chi tiêu của bạn. Bởi dù muốn hay không thì những khoản nợ đó cũng ảnh hưởng tới tình hình tài chính của bạn hiện tại và tương lai (cho tới khi bạn trả xong nợ). Nếu rõ ràng ngay từ đầu về chuyện này thì hai bạn sẽ tránh được sự nghi ngờ, những câu dò hỏi về tiền bạc (dễ khiến người nghe khó chịu).
3. Thói quen chi tiêu của mỗi người
Nhìn vào báo cáo tài chính mỗi tháng hoặc ghi lại những khoản chi dùng hàng ngày sẽ cho bạn biết chính xác thói quen tiêu tiền của mình. Nếu bạn thường xuyên không cưỡng lại được việc vung tay mua thêm một chiếc áo, một thỏi son, một món đồ chơi công nghệ… hãy nói với đối tác của bạn để người ấy giúp bạn kiềm lòng trước những món đồ không cần thiết.
4. Mục tiêu tiết kiệm của bạn
Hãy nghĩ xa hơn đến kế hoạch đi nghỉ, sửa sang nhà cửa, mua sắm những món đồ có giá trị lớn hay đơn giản là một khoản tiền chi tiêu khi về già… để làm động lực cho việc tiết kiệm. Khi đã có mục tiêu để hướng tới, cả hai bạn sẽ biết sử dụng số tiền thu nhập hàng tháng như thế nào cho phù hợp.
5. Khoản tiền dành cho vui chơi, giải trí
Đừng chỉ chăm chăm tới những khoản tiền cho tiêu dùng hàng ngày, mua sắm đồ đạc mà bỏ qua nhu cầu vui chơi, giải trí cho từng cá nhân. Bởi khi tinh thần thoải mái, vui vẻ thì chất lượng cuộc sống cũng được tăng lên. Đừng keo kiệt với chính mình vì đây là khoản đầu tư có lợi lâu dài.
6. Mục tiêu tài chính cho 5,10… 40 năm nữa
Nói chuyện về mục tiêu tài chính dài hơi là cách để cả hai sẵn sàng tâm lý và hành động cho một tương lai tốt đẹp: có những đứa con, mua thêm nhà, an nhàn khi nghỉ hưu… Cuộc đối thoại về nội dung này nên được thực hiện hàng năm để hạn chế những thay đổi bất ngờ.