Giúp bé kiểm soát cảm xúc
Sự mạnh mẽ, điềm tĩnh và biết kiểm soát cảm xúc là đức tính tuyệt vời của đàn ông. Tuy nhiên, nếu cậu con trai của bạn có những bức bối và khó chịu trong người, hãy khuyến khích bé biểu lộ cảm xúc và rằng con trai cũng được quyền khóc, được quyền có những phút giây yếu đuối. Nhưng sau những phút giây đó, con phải mạnh mẽ để vươn lên và vượt qua thử thách.
Điều cha mẹ nên làm:
Trò chuyện cởi mở với con trai: Nếu con trai bạn có thái độ gắt gỏng sau khi đi học về, bạn đừng vội phản ứng lại bằng những câu hỏi dồn dập cho con. Đơn giản bạn chỉ cần nói: “trông con mệt mỏi quá! Mẹ/cha có thể giúp con điều gì không?’ hay “con có nhiều bài tập về nhà quá sao con trai?’…con trai của bạn sẽ mở lòng khi nhận thấy thái độ quan tâm của cha/mẹ và trẻ sẽ thoải mái tâm sự cùng cha/mẹ.
Giúp trẻ giải quyết vấn đề: Một phần trách nhiệm của cha/mẹ là dạy con trai kiểm soát những cảm xúc giận dữ, buồn phiền hay lo lắng. Sau khi trò chuyện với con, hãy gợi ý cho con một số hướng tích cực để giải quyết vấn đề.
Dạy con sự cảm thông
Cảm thông là một đức tính tốt giúp trẻ hiểu và sẻ chia với người khác, để không làm tổn thương người khác. Do vậy, nắm bắt và hiểu cảm xúc của người khác giúp bé trai kết bạn tốt hơn và trở thành người chồng, người cha tương lai tuyệt vời.
Điều cha mẹ nên làm:
Khích lệ con trai tự đặt mình vào vị trí của người khác để nhìn nhận vấn đề. Ví dụ, bạn nấu cho con một món ăn mới với bao tâm huyết, nhưng con trai bạn tỏ ra không mấy hứng thú với món ăn này. Bạn hãy hỏi con, nếu là con có sẽ cảm thấy thế nào?
Khuyến khích con trai đọc tiểu thuyết: Một nghiên cứu của Đại học York, Toronto chỉ ra rằng trẻ đọc tiểu thuyết giả tưởng có số điểm cao hơn trong bài kiểm tra sự đồng cảm so với trẻ thường đọc tiểu thuyết phi giả tưởng. Tại sao lại thế? Các nhà nghiên cứu lập luận rằng, do một phần não bộ của trẻ đã được sử dụng để hiểu, sẻ chia với cảm xúc của các nhân vật hư cấu. Chính điều đó giúp trẻ cảm thông và sẻ chia với người khác tốt hơn.
Dạy con lòng tự trọng
Người đàn ông hài lòng với bản thân mình không bao giờ tỏ ra tự cao tự đại, mà là người đó cảm thấy tự tin, có tiếng nói, đây cũng là điều bạn cần dạy con trai mình.
Điều cha mẹ nên làm:
Đừng khen quá lời: Những câu khen ngợi con quá đáng như: “con là đứa trẻ thông minh nhất thế giới”, hay “con là người giỏi nhất”… dễ khiến trẻ tự phụ và ngộ nhận về khả năng của mình.
Dạy con biết tôn trọng người khác
Mong ước của tất cả các bậc cha mẹ là con trai mình lớn lên biết lắng nghe và tôn trọng cảm xúc của người xung quanh.
Điều cha mẹ nên làm:
Lập ra những nguyên tắc và thực hiện chúng: Nếu con bạn vi phạm một trong những quy tắc của gia đình như nói tục, không tuân thủ luật giới nghiêm, xưng hô không lễ phép với bạn bè của cha mẹ… bạn nên có những hình phạt thích đáng với con. Nếu cha mẹ bỏ qua hình phạt cho những hành vi sai phạm của trẻ, trẻ sẽ tiếp tục lập lại và không biết lễ phép với người trên, tôn trọng cha mẹ, bạn bè…
Dạy con bộc lộ tình cảm
Con trai bạn thích được ôm, hôn khi còn nhỏ. Nhưng khi lớn hơn một chút, nhiều trẻ không thích được cha mẹ ôm hôn, vuốt ve. Điều này là bình thường trong giai đoạn phát triển của bé trai. Tuy nhiên, dù bé không muốn, cha mẹ cũng đừng quên việc bộc lộ tình yêu của mình với con.
Điều cha mẹ nên làm:
Thay vì ôm hôn con trước mặt bạn bè của chúng, hay trước mặt đám đông, cha mẹ hãy nhẹ nhàng thơm lên trán con thật nhanh khi con ngủ hoặc ôm con an ủi khi con buồn. Nếu bạn muốn con trai trờ thành người đàn ông tình cảm khi trưởng thành, hãy cho bé cơ hội trải nghiệm những vấp ngã và nỗi buồn.
Con trai cần có bố
Dù mẹ có giỏi giang thế nào thì cũng không thể thay thế vai trò của người bố. Khi bé trai bước vào tuổi dậy thì, vai trò của bố được thể hiện rõ ràng nhất. Bố sẽ trao đổi với con trai thẳng thắn như giữa những người đàn ông với nhau về sự thay đổi cả về thể chất (vỡ giọng, mộng tinh…) cũng như những đổi khác về mặt tinh thần, tình cảm của con trai.
Khi con trai đến độ tuổi dậy thì cũng là lúc bố được sự “cho phép” của bà, của mẹ để dẫn dắt con trai bước vào thế giới của một người đàn ông đích thực, tập kiên quyết và mạnh mẽ để có thể thay bố bảo vệ mẹ và em gái những khi bố vắng nhà, tập làm những công việc bố vẫn làm trong gia đình như thay bóng đèn, sửa chữa cái tủ long đinh hay xiết lại cái ốc vít lỏng…