Ở những trẻ nhỏ, do sức đề kháng còn non nót, hệ miễn dịch chưa hoàn thiện nên có nguy cơ cao mắc một số bệnh về đường tiêu hóa, hô hấp. Đặc biệt, vào những mùa nắng nóng kéo dài, các bệnh này bùng phát rất nhanh chóng và mạnh mẽ. Những bậc phụ huynh cần hiểu rõ hơn về các bệnh này để phòng tránh và điều trị kịp thời cho bé yêu của mình.
1. Bệnh tiêu chảy
Đây là căn bệnh xuất hiện quanh năm, tuy nhiên, bệnh thường bùng phát vào mùa hè, khi nguồn nước bị ô nhiễm, các loài ruồi nhặng phát triển, bé ăn phải những thực phẩm rửa không sạch. Khi mắc phải chứng này, bé thường đi đại tiện nhiều lần trong ngày, đau bụng từng cơn hoặc tiên tục, có cảm giác buồn nôn.
Cách phòng tránh:
- Với những trẻ sơ sinh 6 tháng tuổi trở xuống đang bú sữa mẹ, bạn không nên cho bé ăn thêm thức ăn khác
- Vệ sinh cá nhân cho bé sạch sẽ, thường xuyên tắm rửa cho bé
- Khi thấy trẻ có dấu hiệu mắc phải bệnh tiêu chảy, bạn nên mang trẻ đến các trung tâm y tế để được tư vấn và điều trị bệnh kịp thời.
2. Bệnh sốt xuất huyết
Bệnh này do muỗi đốt mang vi rút bệnh sốt xuất huyết gây ra. Khi mắc bệnh này, trên người trẻ thường nổi những nốt đỏ (xuất huyết) ở cánh tay, cẳng chân. Những vết này thường tròn, nhỏ hơn những vết muỗi cắn.
Cách phân biệt vết này với vết muỗi cắn là căng da chung quanh chấm đỏ, nếu chúng không biến mất là do xuất huyết. Mặt khác, nếu chúng biến mất thì đó là vết muỗi cắn. Biểu hiện của bệnh là sốt cao, đau bụng ở hạ sườn do gan to lên, chảy máu cam, nôn hoặc đi ngoài ra máu.
Cách phòng tránh
- Thường xuyên tắm và vệ sinh thân thể cho trẻ
- Khi ngủ, bạn cần giăng màn cẩn thận không cho muỗi bay vào, vệ sinh giường ở của trẻ thường xuyên. Cho trẻ mặc quần áo dài tay, ngủ mùng cả ban ngày lẫn ban đêm, tránh để bé ở những nơi thiếu sáng, ẩm thấp
- Đậy kín lu, vại, bể nước để hạn chế cho muỗi sinh sôi
3. Bệnh tay chân miệng
Khi thời tiết nắng nóng, bệnh này lây lan rất nhanh, dễ thành dịch. Nếu không được điều trị và chăm sóc kịp thời, bệnh dễ dẫn đến biến chứng viêm não có thể gây tử vong.
Khi mắc bệnh tay chân miệng, trẻ thường có biểu hiện mệt mỏi, đau họng, sốt nhẹ. Tiếp theo bệnh chuyển sang giai đoạn toàn phát, các mụn nước sẽ xuất hiện ở niêm mạc miệng, lưỡi, lợi. Sau đó, chúng sẽ xuất hiện ở bàn tay, bàn chân. Khi phát hiện ra những biểu hiện nói trên, bạn nên đưa bé đến các trung tâm y tế gần nhất để điều trị. Đặc biệt, bạn không nên tự ý cho bé dùng thuốc để tránh các biến chứng nguy hiểm.
Cách phòng tránh
- Vệ sinh cá nhân bé sạch sẽ, cho bé rửa tay với xà phòng thường xuyên khi chuẩn bị ăn uống, sau khi dùng nhà vệ sinh
- Cách ly bé với người bị bệnh
- Vệ sinh sạch sẽ đồ chơi và các dụng cụ tiếp xúc
- Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống.
[lo_irp post=’104539′]
4. Bệnh rôm sảy
Khi thời tiết nóng bức, da sẽ phản ứng lại bằng cách tiết nhiều mồ hôi, tuy nhiên lượng mồ hôi thường không thoát được hết, ứ đọng lại trong các ống bài tiết trên da bé. Ống bài tiết dễ bị bụi bay vào khiến làn da bé nổi mụn, rôm sảy và các vết mẩn ngứa. Những trẻ dưới 3 tuổi thường có nguy cơ mắc rôm sảy cao.
Khi không được chăm sóc đúng cách, bệnh rôm sảy ở trẻ có thể phát triển thành mụn mủ dễ dẫn đến viêm da mãn tính. Đặc biệt hơn, bệnh có thể tiến triển thành viêm cầu thận cấp rất nguy hiểm.
Cách phòng tránh
- Giữ làn da của bé luôn khô thoáng, sạch sẽ để mồ hôi bài tiết dễ dàng
- Tắm cho bé bằng nước mát hoặc bằng sữa tắm chuyên dụng cho bé, tránh tắm những loại sữa tắm có độ kiềm lớn, gây khô da
- Không nên bôi phấn rôm bên da trẻ vì loại phấn này sẽ làm tắc đường thoát mồ hôi dẫn đến ứ đọng mồ hôi ở da bé
- Cho bé mặc quần áo chất liệu mỏng, thấm hút mồ hôi, rộng rãi
- Cho bé uống thêm nhiều nước, ăn trái cây và rau xanh.