Vào tuần thai thứ 32, em bé đã chiếm hầu hết không gian trong tử cung của người mẹ. Lúc này, thai phụ tăng khoảng 500 gram mỗi tuần. Thai nhi 32 tuần tuổi cũng đang phát triển và dần hoàn thiện để thích nghi với môi trường sau khi sinh.
1. Thai nhi 32 tuần tuổi phát triển như thế nào?
1.1. Cân nặng và kích thước của thai nhi 32 tuần tuổi
Vào thời điểm này, thai nhi nặng khoảng 1,8 kg, chiều dài đạt khoảng 42,4 cm. Lúc này, bé có kích thước giống như một quả bí ngô vàng. Thai nhi đang phát triển mạnh với sự hình thành lớp mỡ phủ khắp cơ thể tới các chi.
Đường kính đầu của bé lúc này khoảng 10 cm. Thai nhi sẽ tiếp tục phát triển vượt bậc trong vài tuần tiếp theo, thậm chí có thể tăng từ 1/2 số cân nặng hiện tại.
1.2. Những chuyển động của thai nhi
Lúc này, người mẹ có thể cảm thấy rõ những cử động của thai nhi. Bạn sẽ hình dung ra bé qua các thói quen hằng ngày và biết lúc nào bé trở nên hiếu động. Tuy nhiên, khi không gian tử cung trở nên chật chội, thai phi đang phát triển tứ chi nên chuyển động của bé có nhiều thay đổi và trở nên chậm lại.
Thai 32 tuần tuổi có thể nhắm mở mắt, nhấp nháy, nheo mắt và luyện tập điều tiết mắt. Khi có một luồng ánh sáng mạnh xuyên qua thành bụng mẹ, thai nhi có thể phản ứng bằng cách tránh đi hoặc nhắm mắt lại để hạn chế lượng ánh sáng chiếu vào mắt.
[lo_irp post=’104054′]
1.3. Sự phát triển của các bộ phận quan trọng
Lớp màng bảo vệ da thai nhi tiếp tục phát huy chức năng của mình. Lớp lông tơ bao quanh da bé đã bắt đầu biến mất. Nhờ sự phát triển của lớp mỡ dưới da, da bé không còn bị nhăn nheo nữa.
Hệ thống thần kinh, hệ tiêu hóa, bài tiết của bé liên tục phát triển. Bên cạnh đó, xương trên hộp sọ của thai nhi vẫn chưa cố định, có thể dịch chuyển, hơi chồng lên nhau để bé có thể lọt qua đường sinh khi ra đời. Ngoại trừ xương hộp sọ, hệ thống xương thai nhi lúc này đã cứng cáp hơn rất nhiều.
Trường hợp thai nhi là con trai, dương vật của bé sẽ di chuyển từ bụng xuống phía bìu. Hormone thai kỳ thường khiến cho phần bìu của bé bị sưng lên khi mới sinh. Tương tự, nếu thai nhi là bé gái, âm hộ của bé có biểu hiện hơi sưng và phù. Những dấu hiệu này sẽ biến mất trong vài tuần đầu sau sinh.
2. Để thai nhi 32 tuần tuổi phát triển khỏe mạnh, người mẹ nên ăn gì?
Vào thời điểm này, thai phụ tăng cân rất nhanh. Điều này do em bé đang phát triển mạnh, hơn nữa nhau thai và lượng nước ối bao quanh em bé cũng tăng lên. Vì thế nhu cầu về dinh dưỡng cho thai nhi 32 tuần tuổi rất quan trọng.
Việc bổ sung dinh dưỡng để chăm sóc sức khỏe thai nhi trong giai đoạn này cần tuân thủ các nguyên tắc sau:
- Chú ý việc hấp thụ sắt, canxi, protein, vitamin,…
- Ăn nhiều rau, uống nhiều nước để tránh tình trạng táo bón
- Chia nhỏ các bữa ăn trong ngày thành từ 5-6 bữa
- Ăn thêm một số món ăn nhẹ như súp, hoa quả,…
- Tránh những thực phẩm chứa nhiều muối, natri hoặc các đồ ăn nguội, chứa nhiều dầu mỡ như xúc xích, thịt nướng,…