Hệ thần kinh trung ương và phổi của thai nhi 33 tuần tuổi đang dần trưởng thành và hoàn thiện. Thời điểm này, thai phụ nên đi khám thai 2 tuần/ lần để kiểm tra sức khỏe nhằm chuẩn bị sẵn sàng cho quá trình vượt cạn sắp tới.
1. Sự phát triển của thai nhi 33 tuần tuổi
Đến giai đoạn này, thai nhi nặng khoảng 2,15kg, chiều dài đạt khoảng 46 cm. Xương của bé trở cứng cáp hơn. Bộ não cùng hệ thống thần kinh của thai nhi đã phát triển đầy đủ, sẵn sàng cho ngày chào đời. Phổi của bé đang dần trưởng thành. Hầu hết các em bé được sinh ra trong khoảng từ tuần thai thứ 33-37 đều có thể phát triển bình thường và khỏe mạnh.
Thai nhi 33 tuần tuổi bắt đầu xoay đầu trở xuống để chuẩn bị chào đời. Ngôi thai được cố định vào khoảng từ tuần thai 34-37. Trong thời gian này, thai nhi đã lớn khiến chiếm gần hết không gian trong tử cung mẹ, bé sẽ nằm một vị trí cố định đến lúc sinh.
Tất cả 5 giác quan của thai nhi đã hoạt động. Cơ quan sinh dục cũng đã hình thành. Da của thai 33 tuần tuổi đã hết nhăn nheo, lượng mỡ trên cơ thể bé đang được bồi đắp mỗi ngày.
[lo_irp post=’101973′]
2. Sức khỏe người mẹ như thế nào?
Đây là thời điểm thai phụ có thể tăng cân khá nhanh. Điều này do sự phát triển của thai nhi đang có sự phát triển vượt bậc trong bụng mẹ. Mọi hoạt động của thai phụ trở nên nặng nề, không còn linh hoạt như trước. Vì thế thai phụ luôn cần sự giúp đỡ của người thân.
Mặt khác, sự tăng lên của trọng lượng thai nhi còn gây sức ép lên dạ dày của người mẹ. Điều này làm cản trở quá trình tiêu hóa chứng ợ nóng trở nên nặng hơn. Hormone progesterone gia tăng trong suốt giai đoạn thai kỳ khiến các mạch máu giãn nở. Bên cạnh đó, sức ép từ tử cung cũng khiến lượng máu tuần hoàn trong cơ thể bị giảm. Tĩnh mạch ở chân nở ra dẫn đến hiện tượng giãn tĩnh mạch khi mang thai.
Giai đoạn này xuất hiện tình trạng rò rỉ sữa non. Đây là một dung dịch có màu vàng trắng được tiết ra từ đầu vú người mẹ. Bạn có thể đặt một miếng lót vào trong áo ngực để thấm chất ẩm.
3. Chăm sóc sức khỏe thai 33 tuần tuổi
Lúc này, tử cung của người mẹ đã cao hơn khoảng 12,5cm so với vùng rốn. Để đảm bảo cho sự phát triển trong giai đoạn này, thai nhi có nhu cầu dinh dưỡng rất cao.
Bạn nên bổ sung đầy đủ các thực phẩm giàu dinh dưỡng, đặc biệt là những thực phẩm chứa canxi. Điều này do xương thai nhi 33 tuần tuổi đang phát triển nên cần đủ canxi để trở nên cứng cáp và chắc chắn.
Bạn nên đảm bảo đầy đủ dưỡng chất cho thai nhi ngay cả trong những bữa ăn nhỏ. Ngoài ra, nên hạn chế một số thức ăn mặn, khó tiêu khiến bạn rơi vào tình trạng phù nề, ợ nóng hoặc những triệu chứng khó chịu khác.
Đây là lúc người mẹ chỉ nên làm những việc nhẹ nhàng, cần theo dõi kỹ những dấu hiệu chuyển dạ. Bên cạnh đó, bạn cần tránh ngồi hoặc nằm quá lâu rồi bật dậy nhanh chóng. Máu có thể dồn xuống chân gây tình trạng giảm huyết áp tạm thời khiến bạn dễ chóng mặt.
Bạn nên đi khám thai 2 tuần/ lần. Thời điểm này, bạn cần bắt đầu kiểm tra ngôi sinh của thai nhi cho quá trình vượt cạn sắp tới. Đây cũng là khoảng thời gian thích hợp để bạn thực hiện các thủ tục đăng ký bệnh viện nhằm sẵn sàng trước những dấu hiệu chuyển dạ.