Tiêu chảy cấp khiến trẻ mất sức do mất nước rất nhiều. Nếu không điều trị kip thời, tiêu chảy cấp có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng cho trẻ.
Nhận biết tính nguy hiểm và dấu hiệu tiêu chảy cấp ở trẻ nhỏ
Có thể khẳng định trẻ bị tiêu chảy cấp khi phát hiện trẻ cho ra phân lỏng hoặc tóe nước nhiều hơn 3 lần trong vòng 24 tiếng.
Tiêu chảy có thể xảy ra theo từng đợt. Thời gian mỗi đợt được tính kể từ khi bị tiêu chảy cho đến lúc trẻ đi phân bình thường trong 2 ngày. Sau 2 ngày, nếu trẻ bị tiêu chảy trở lại thì xem như bắt đầu một đợt tiêu chảy mới.
Khi thấy trẻ có những dấu hiệu sau, cần đưa trẻ đến khám ngay:
- Sốt cao.
- Ăn uống kém.
- Khát nhiều.
- Ói nhiều.
- Có máu trong phân.
80% trẻ tử vong do tiêu chảy xảy ra ở nhóm trẻ dưới 2 tuổi. Tiêu chảy cũng là nguyên nhân đứng thứ hai trong những trường hợp đưa trẻ đến thăm khám ở bệnh viện.
Trẻ bị tiêu chảy bị giảm khả năng hấp thu chất dinh dưỡng. Trong khi đó, nhu cầu dinh dưỡng của trẻ lúc này lại tăng cao do cơ thể bị nhiễm trùng. Đây là nguyên nhân hàng đầu gây suy dinh dưỡng ở trẻ.
Nghiêm trọng hơn, tiêu chảy có thể khiến trẻ bị mất nước và chất điện giải nhiều đến mức độ có thể tử vong.
[lo_irp post=’103821′]
Những thói quen có thể dẫn đến tiêu chảy cấp ở trẻ
- Việc cho trẻ ngưng sữa mẹ trước 1 tuổi hoặc cho trẻ bú bình làm tăng nguy cơ mắc tiêu chảy cấp ở trẻ
- Tiêu chảy cấp còn có thể xảy ra trên trẻ bị thiếu hụt kẽm và vitamin A
- Thức ăn không được nấu chín và nguồn nước bị ô nhiễm là tác nhân gây tiêu chảy cấp ở trẻ.
- Trẻ không được giữ vệ sinh cơ thể và xử lý phân một cách hợp lý.
Một số trẻ có nguy cơ mắc tiêu chảy cao hơn những trẻ khác như:
- Nguy cơ mắc tiêu chảy cấp ở trẻ không được bú sữa mẹ cao gấp 30 lần so với trẻ được bú hoàn toàn bằng sữa mẹ.
- Trẻ trong độ tuổi từ 0 đến 24 tháng tuổi. Trẻ từ 6 đến 11 tháng tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao nhất.
- Tiêu chảy cấp dễ xảy ra trên trẻ bị suy dinh dưỡng, sởi, HIV, lao. Khả năng tử vong đối với những trẻ này cũng cao hơn.
Chế độ dinh dưỡng cho trẻ bị tiêu chảy cấp
Vẫn để bé tiếp tục bú mẹ. Cho trẻ uống thêm 100 – 200 ml nước chín/ ngày đối với trẻ bú sữa bò.
Bổ sung thức ăn giàu dinh dưỡng, dễ tiêu hóa cho trẻ ít nhất 6 lần/ ngày để đảm bảo cung cấp đủ chất dinh dưỡng. Không nên bắt kiêng nhịn ăn, kiêng sữa trong thời gian trẻ bị tiêu chảy.
Khi trẻ đã khỏi bệnh, vẫn bổ sung dinh dưỡng bằng cách cho trẻ ăn thêm 1 bữa 1 ngày, ít nhất trong 2 tuần.
Đề phòng tiêu chảy cấp ở trẻ như thế nào?
- Nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu. Chỉ nên cho trẻ thôi bú khi được 24 tháng tuổi.
- Chỉ nên cho trẻ ăn dặm sau 6 tháng. Sử dụng nguồn nước sạch và giữ vệ sinh trong ăn uống
- Có thói quen rửa tay sạch bằng xà phòng trước khi chế biến thức ăn cho trẻ và sau khi đi ngoài.
- Xử lý an toàn phân của trẻ nhỏ bị tiêu chảy. Giữ sạch nhà vệ sinh.
- Tiêm phòng tiêu chảy và ngừa sởi cho trẻ