Chúc mừng bạn, con bạn đã lớn thêm chút nữa rồi đấy. Thế nhưng lúc này trẻ vẫn còn phụ thuộc hoàn toàn vào cha mẹ. Hãy hiểu đặc điểm của trẻ lúc này để chăm sóc bé thật tốt nhé.
Cơ cổ đã được tập luyện để cứng cáp hơn.
Bằng cách bò bằng bụng, các cơ cổ, tay, bụng của bé sẽ được thúc đẩy để trở nên mạnh mẽ hơn. Ở tuần thứ 5, bé có thể ngẩng đầu lên trong một khoảng thời gian ngắn. Đồng thời, bé cũng có thể xoay đầu sang 2 bên khi nằm trên bụng.
Giấc ngủ của trẻ sơ sinh tuần thứ 5 như thế nào?
Từ tuần thứ 5, trẻ bắt đầu ngủ lâu hơn vào ban đêm (4-6 tiếng) cho đến tháng thứ 6. Điều này sẽ thuận lợi cho bố mẹ huấn luyện con ngủ theo đồng hồ sinh học của mình.
Hầu hết các chuyên gia đều khuyên nên đưa bé vào giường ngay khi bé có dấu hiệu buồn ngủ. Như vậy sẽ giúp bé tập được thói quen ngủ một mình. Kỹ năng này rất cần thiết cho cuộc sống của cả gia đình.
Trẻ sơ sinh 5 tuần tuổi bắt đầu để ý tới các vật thể phức tạp hơn.
Ở những tuần trước, bé bị thu hút bởi những màu sắc tương phản và những chuyển động. Đến tuần này, bé sẽ tập trung chú ý vào những vật có màu sắc, hình dạng phức tạp hơn.
Vì vậy, bạn nên cho bé tập làm quen với các vật thể có tính chất chi tiết hơn như thú nhồi bông, quả bóng mềm…
Sự phát triển của thính giác.
Lúc này, trẻ có thể phân biệt được giữa giọng nói quen thuộc và những giọng nói lạ. Đây là thời điểm trẻ lắng nghe tốt nhất. Nếu chú ý, bạn có thể thấy được cách trẻ nghe ngóng nguồn gốc của những âm thanh lạ.
Việc trò chuyện với trẻ thường xuyên sẽ phát triển ý thức của trẻ về xã hội xung quanh. Thời điểm này, bé thực sự bị thu hút bởi những cử động khi nói của bạn. Có khi, bạn sẽ thấy bé chăm chú ngắm nhìn bạn đấy.
Nếu bạn không thấy những dấu hiệu là trẻ đang lắng nghe, có thể trẻ đang gặp vấn đền về thính giác. Hãy đưa trẻ kiểm tra và điều trị ngay. Mặc dầu trẻ đã được kiểm tra thính giác nhưng vấn đề mới có thể xuất hiện bất cứ lúc nào.
Chăm sóc trẻ sơ sinh 5 tuần tuổi.
Có một điều quan trọng ảnh hưởng đến cuộc sống xã hội của trẻ sau này chính là nhận được sự chăm sóc của cả cha lẫn mẹ và những người thân xung quanh.
Cha và mẹ nên chia nhau nhiệm vụ chăm sóc con. Không nên để chỉ một người làm tất cả mọi thứ. Cho con bú, vệ sinh, thay tã cho con, ru con ngủ…tất cả đều nên được thực hiện từ 2 người trở lên. Đây là cách để người thân góp phần vào việc chăm sóc trẻ và gắn bó với trẻ hơn.
Nếu bạn là cha hoặc mẹ đơn thân, bạn cũng nên nhờ sự hỗ trợ từ người gia đình để cùng chăm sóc trẻ. Việc này sẽ giúp bé kết nối mạnh mẽ với xã hội và không bị cảm giác thiếu thốn tình thương.