7 yếu tố giúp cha mẹ rèn luyện tính kỷ luật cho con

Trẻ em từ 2 tuổi trở lên đã thể hiện được cá tính và học hỏi hành vi từ người khác. Khi bé ở độ tuổi này, bạn không thể sử dụng bạo lực để đưa trẻ vào kỷ luật. Bất kỳ hành vi nào gây ấn tượng không tốt cho trẻ cũng có thể trở thành một trở ngại tâm lý lâu dài cho trẻ. Vậy phải làm thế nào để có thể khéo léo đưa trẻ vào một kỷ luật tích cực. Có 7 cách để làm điều đó.

1.Cách nói “Không” với con

Khi không đồng ý với điều gì của con, các bậc phụ huynh thường nói với con rằng: “ Con không nên làm thế này” “Không”, “Không được”. Việc liên tục nói “Không” với con không những không mang lại kết quả như mong muốn mà còn khiến trẻ có xu hướng chống đối lại những gì mà bạn cảnh báo.

Thay vì liên tục nói “không” với con, hãy đặt ra cho con một giới hạn nhất định trong các hoạt động của chúng. Đồng thời hướng dẫn chúng làm theo giới hạn đó một cách thật tự nhiên.

Không nói với trẻ theo hướng tiêu cực
Nói “Không” với trẻ là một nghệ thuật (Ảnh internet)

Lấy trường hợp khi bạn muốn trẻ dọn rác trong phòng trước khi đi ngủ. Bạn không nên cứ nói với con rằng “Con không được xả rác”. Hãy làm gương, dọn phòng cho bé một vài lần và bảo rằng “Trước khi đi ngủ, con hãy dọn phòng thật sạch sẽ”. Sự góp ý tích cực bao giờ cũng tốt hơn là một quy tắc khắt khe mang tính tiêu cực.

2. Biết cách giới hạn tầm hoạt động của trẻ

Ví dụ với trường hợp một đứa trẻ mới biết đi. Ở giai đoạn này, việc kéo giấy vệ sinh vun vãi để chạy khắp nhà thực sự là một điều thú vị không thể cưỡng lại được. Những cố gắng của bạn trong việc nói “Không” sẽ hoàn toàn vô vọng trong trường hợp này.

Thay vào đó, hãy chủ động đặt cuộn giấy vệ sinh xa tầm tay của trẻ để tránh được trường hợp trẻ ngây ngô vô tình gây rối như vậy.

Hạn chế những tranh cãi không cần thiết với trẻ nhỏ
Giới hạn hoạt động của trẻ sẽ tránh được những tranh cãi không cần thiết (ảnh internet)

Đối với không gian hoạt động của bé cũng vậy. Nếu bạn lo lắng bé có thể bày bừa đồ chơi ở khắp mọi nơi, hãy tạo cho bé một không gian riêng mà ở đó bé có thể tự do sử dụng đồ chơi của mình. Ngoài khu vực này, bé sẽ không được tự do như thế nữa.

Việc vẽ lên tường cũng vậy. Đây là hoạt động khiến trẻ rất thích thú. Trẻ sẽ rất vô tư dùng bút màu, bút sáp để tô lên tường. Thay vì đợi đến khi bắt gặp trẻ vẽ lên tường rồi mới cảnh báo trẻ không nên làm việc này, bạn hãy để xa bút màu, bút sáp khỏi tầm tay của trẻ. Chỉ nên cho trẻ tiếp xúc với các loại bút này khi có sự giám sát và hướng dẫn của bạn.

3. Cần nhất quán trong mọi mệnh lệnh

Từ 2 đến 3 tuổi, trẻ em sẽ vận dụng mọi giác quan để nhận biết cách cư xử của mình có ảnh hưởng đến những người xung quanh như thế nào. Vì vậy, nếu cùng một tình huống nhưng bạn lại cho bé những phản ứng khác nhau, bé sẽ không biết phải nên làm như thế nào là đúng.

Ví dụ, thời điểm này bé rất thích cắn bạn. Có những khi bạn cảm thấy đau và bảo bé không nên làm như thế. Vào một lần khác, bé lại cắn bạn. Nhưng lần này bạn lại tỏ ra vui vẻ với hành động ấy. Như vậy, bạn đã vô tình khiến trẻ không biết đâu là giới hạn nên dừng lại cho hành động của mình.

[lo_irp post=’101025′]

Để thiết lập kỷ luật cho trẻ, các bậc cha mẹ nên thống nhất với nhau và thống nhất trong cách phản ứng của mình với con. Có như vậy, trẻ sẽ biết rõ hành động của mình có ảnh hưởng đến người xung quanh như thế nào và giới hạn của mình ở đâu.

4. Không nên thể hiện cảm xúc quá đáng

Sẽ rất khó để kiềm chế cảm giác tức giận khi con của bạn từ chối việc đánh răng trước khi đi ngủ hết lần này đến lần khác. Nhưng nếu bạn hét lên giận dữ thì thông điệp mà bạn muốn gởi đến bé sẽ bị che lấp bởi cảm xúc này. Ngay khi bạn tỏ thái độ giận dữ với con, bé chỉ chú ý đến thái độ của bạn mà không hề nhận được thông điệp từ bạn.

Không thể hiện cảm xúc quá giận dữ với trẻ
Thể hiện cảm xúc giận dữ một cách quá đáng sẽ khiến việc dạy trẻ mất tác dụng (ảnh internet)

Cảm giác tức giận chỉ khiến trẻ rời xa khỏi thông điệp mà bạn muốn gởi đến bé. Vì thế, hãy hít một hơi thật sâu, vững vàng, nghiêm túc và nghiêm khắc nhưng đừng lên giọng giận dữ khi khiển trách trẻ.

5. Truyền tải thông điệp ngắn gọn và dễ hiểu cho trẻ.

Có thể các bậc cha mẹ rất muốn giải thích tường tận cho con về mọi trường hợp. Tuy nhiên, trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo tạm thời vẫn chưa thể hiểu được những câu phức tạp. Những lời phân trần và giải thích quá dài của bạn sẽ chẳng thể ghi được vào trí nhớ và sự hiểu biết của trẻ.

 Trẻ nhỏ chỉ có thể hiểu những thông điệp ngắn gọn
Thông điệp càng ngắn gọn dễ hiểu càng tốt (ảnh internet)

Với bé con 18 tháng tuổi, chúng chỉ có thể hiểu những câu như: “Con không được đánh em” “Không được đánh, không được đánh”. Lên 2 tuổi, trẻ có thể hiểu thêm một ít như: “Đừng nhảy lên ghế sofa, nguy hiểm”.

Chỉ nên nhắn nhủ những thông điệp ngắn gọn và dể hiểu đến trẻ.

6. Đặt cho trẻ một khoảng thời gian để thực hiện mệnh lệnh

Nếu sau khi đã đưa ra mệnh lệnh, bạn yêu cầu trẻ phải thực hiện ngay thì sẽ khiến trẻ vụt mất cơ hội được tự giác sửa sai. Hãy cho bé một khoảng thời gian nhất định, trong vòng 3 tiếng đếm chẳng hạn.

Trẻ cần thời gian để điều chỉnh hoạt động
Cho trẻ thời gian để điều chỉnh hoạt động (ảnh internet)

“Mẹ đếm đến 3 để con dừng lại nhé”. Sau khoảng thời gian này, nếu bé vẫn chưa thay đổi hành vi, bạn có thể dắt bé đến một nơi yên tĩnh để nói lại thông điệp của bạn một lần nữa và yêu cầu được nghe lời xin lỗi.

7. Đừng tỏ thái độ tiêu cực với trẻ

Dù trẻ có làm sai nhiều lần thì các bậc phụ huynh cũng đừng nên tỏ thái độ tiêu cực và nói những lời không hay với trẻ. Đặt trường hợp nếu bạn làm điều gì đó không tốt và sếp của bạn đã nói những lời không hay về bạn thì bạn sẽ cảm thấy thế nào? Trẻ em cũng như thế đấy. Bạn sẽ vô tình làm xấu đi hình ảnh của mình trong mắt trẻ khi nói những lời tiêu cực và tỏ thái độ vô vọng về trẻ.
Hãy đồng thời áp dụng những cách trên để xây dựng tính kỷ luật cho trẻ bằng một thái độ tích cực nhất.

Facebook
Twitter
LinkedIn