Tết của người Việt trở nên đặc biệt bởi có những phong tục mang đậm bản sắc dân tộc. Các phong tục này đã tồn tại lâu đời và trở thành thói quen không thể thiếu của các gia đình mỗi khi tết đến.
1. Đưa ông Táo về trời
Vào ngày 23 tháng Chạp âm lịch, người Việt Nam có tục đưa ông táo lên thiên đình. Theo quan niệm dân gian, ông Táo được gọi là Thần Bếp, có trách nhiệm theo dõi những việc xảy ra trong gia đình. Vào ngày 23 tháng Chạp, ông Táo lên trời để trình báo mọi việc xảy ra trong gia đình với Ngọc Hoàng.
Vì thế, vài ngày này, các gia đình Việt sẽ dọn dẹp nhà cửa, bếp núc sạch sẽ, mua cá chép về cúng tiễn ông Táo về trời. Họ mong ông báo cáo những điều tốt để đón chào một năm mới nhiều bình an và may mắn. Theo truyền thống, ông Táo sẽ cưỡi cá chép để lên trời.
2. Gói bánh chưng
Đây là một trong những nét đẹp truyền thống không thể thiếu vào dịp Tết cổ truyền. Tục gói bánh chưng đã tồn tại ở nước ta từ thời vua Hùng. Đến nay, giá trị truyền thống này vẫn trường tồn cùng thời gian.
Bánh chưng là lễ vật không thể thiếu trong các nghi thức thờ cúng tổ tiên. Lễ vật này thể hiện tinh thần uống nước nhớ nguồn đối với cha ông. Bánh chưng có hình vuông, được gói bằng lá có màu xanh tượng trưng cho đất.
Nguyên liệu chính làm nên bánh chưng là gạo nếp. Phần nhân của bánh được làm từ thịt heo mềm đã tẩm ướp gia vị kèm với đậu xanh. Bánh được gói bằng lá dong hoặc lá chuối. Lạt buộc bánh cần phải chặt, chắc tay.
3. Mâm ngũ quả
Đặt mâm ngũ quả lên bàn thờ là phong tục không thể thiếu trong ngày Tết để cầu mong một năm mới bình an và hạnh phúc. Theo truyền thống, 5 loại quả tượng trưng cho 5 yếu tố ngũ hành là Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Đây là những yếu tố cấu thành nên vũ trụ.
Số 5 tượng trưng cho sự sống, theo quan niệm xa xưa, ngũ hành ứng với mệnh của con người. Bên cạnh đó, số 5 còn tượng trưng cho sự phát triển, sinh sôi và nảy nở.
Theo từng vùng miền, truyền thống văn hóa này có những đặc điểm khác nhau. Chẳng hạn như người miền Nam, họ trưng bày mâm ngũ quả với mong muốn “cầu sung vừa đủ xài” tức là cầu ước sung túc, đủ đầy. 5 loại quả tương ứng là: mãng cầu, sung, dừa, đu đủ, xoài. Bên cạnh đó, ở miền Bắc, mâm ngũ quả được phối theo 5 màu: trắng (Kim), xanh (Mộc), đen (Thủy), đỏ (Hỏa), vàng (Thổ).
4. Xông đất
Nguyên Đán có nghĩa là buổi sáng đầu tiên của một năm. Theo quan niệm của người Việt, người khách đầu tiền đến thăm nhà được gọi là người “xông đất”. Người này có ảnh hưởng đến sự may mắn của cả nhà trong một năm mới.
Vì vậy, một số gia đình còn nhờ người mang may mắn đến xông đất cho gia đình vào đầu năm
[lo_irp post=’105673′]
5. Chơi hoa dịp Tết
Người miền Bắc thường chọn cành đào đỏ để trang trí trong nhà. Theo quan niệm của họ, đào có thể trừ ma quỷ và những điều xấu xa. Màu đỏ của hoa đào chứa đựng sinh khí mạnh. Bên cạnh đó, màu đỏ còn là màu may mắn, như lời cầu nguyện đầu xuân.
Bên cạnh đó, người miền Trung và miền Nam thường chọn mai vàng làm biểu trưng cho sự an khang, thịnh vượng. Màu vàng thuộc hành Thổ trong ngũ Hành, tượng trưng cho sự phát triển nòi giống.
Ngoài hai loại hoa đặc trưng trên, các gia đình Việt còn trang trí thêm một số loại hoa các để thờ cúng và trang trí. Đó là những loại hoa mang tài lộc về cho gia chủ như vạn thọ, cúc, huệ, thủy tiên,…
6. Lì xì đầu năm
Nét đẹp văn hóa này được gìn giữ ở Việt Nam và nhiều nước trong khu vực. Mọi người lì xì nhau với mong muốn cho đối phương những điều tốt đẹp và may mắn.
Phong bao lì xì cũng sở hữu những ý nghĩa tốt đẹp. Chúng thường có màu đỏ vì màu sắc này tượng trưng cho sự cát tường. Phong bao lì xì mang ý nghĩa tài lộc. Việc cho đi hoặc nhận được càng nhiều bao lì xì khiến mọi người tin rằng họ đã phát tài phát lộc.