Trẻ bị ngược đãi và những hệ lụy khôn lường

Bạo hành trẻ em gây ra những hậu quả đáng kể đến sức khỏe của trẻ trong quá khứ, hiện tại và cả tương lai. Không những thế, tình trạng ngược đãi còn dẫn đến những vấn đề về phát triển thể chất và tâm lý.

Những biểu hiện cho thấy trẻ đang rơi vào trạng thái bị người giúp việc bạo hành

Trẻ bị ngược đãi và những hệ lụy khôn lường
Tình trạng ngược đãi sẽ dẫn đến những vấn đề về phát triển thể chất và tâm lý. (ảnh minh họa)

Trẻ em thường quấn quýt và gần gũi với những người hay bên cạnh chúng. Thế nhưng, khi trẻ bị người giúp việc ngược đãi, trẻ sẽ xuất hiện những biểu hiện sau đây:

  • Trẻ không hợp tác với người giúp việc trong nhiều hoạt động như ăn uống, thay quần áo,…
  • Khóc thét khi ở riêng với người giúp việc
  • Khi đề cập tới người giúp việc, bé thường cảm thấy không vui và lảng đi chỗ khác
  • Khi bố mẹ đi làm về, trẻ sợ sệt co rúm người lại, ánh mắt nhìn xuống hoặc không dám nhìn vào người giúp việc
  • Trẻ có những biểu hiện phản kháng khi thấy người giúp việc như cào, ném đồ vào người giúp việc.

Khi thấy trẻ có những hành vi như vậy, cha mẹ cần tìm hiểu cặn kẽ nguyên nhân. Có thể con bạn đang bị ngược đãi khi không có bạn bên cạnh. Nuôi dưỡng tâm hồn trẻ không phải là việc dễ dàng, đừng để tâm hồn ấy bị tổn thương

Ảnh hưởng đến sự phát triển của con trẻ

Việc người giúp việc lặp lại những hành vi không tốt có thể ảnh hưởng đến phản ứng của não.
Trẻ em khi bị ngược đãi thường mất lòng tin vào người lớn. (ảnh minh họa)

Ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ

Người giúp việc lặp lại những hành vi không tốt sẽ ảnh hưởng đến phản ứng của não của trẻ, khiến não phản ứng mạnh hơn và giảm đi khả năng thích ứng. Nghiên cứu cho thấy, việc ngược đãi có thể gây ra các tình trạng sau:

  • Mất cân bằng giữa các kỹ năng xã hội, tình cảm và nhận thức
  • Khả năng ngôn ngữ suy giảm
  • Suy giảm về thị giác và thính giác
  • Chậm phát triển não bộ
  • Tăng nguy cơ bệnh tim, ung thư, bệnh gan, bệnh phổi, huyết áp cao, nồng độ protein C-reative cao
  • Dễ dẫn tới hút thuốc, nghiện rượu và ma túy sau này.

Ảnh hưởng đến tâm lý

Trẻ em khi bị ngược đãi thường mất lòng tin vào người lớn. Trẻ sẽ mất khả năng thể hiện những cảm xúc vốn có (vui, buồn, giận hờn, xấu hổ,…). Từ đó, trẻ bắt đầu hình thành những vấn đề trong việc kiểm soát cảm xúc. Việc ngược đãi kéo dài sẽ gây ra những tác hại vô cùng nặng nề. Sau đây là một số ảnh hưởng đến đời sống tinh thần của trẻ:

  • Trẻ thường cảm thấy lo âu, trầm cảm.
  • Luôn hồi tưởng về những điều kinh hoàng
  • Khó khăn trong việc tập trung vào một điều gì đó
  • Rối loạn trong việc ăn uống
  • Cảm thấy bức bối khi có người chạm vào cơ thể mình
  • Tự gây những vết thương cho cơ thể của mình
  • Khi ngủ thường hay mê man và gặp ác mộng
  • Thiếu tự tin vào bản thân mình và không tin vào người khác

Ảnh hưởng đến thể chất

Khi trẻ bị ngược đãi về mặt thể chất, đây là những dấu hiệu dễ thấy nhất trên cơ thể bé:

  • Xuất hiện những vết sưng và bầm tím
  • Khó khăn trong việc ngồi hoặc đi lại
  • Bong gân hoặc gãy xương
  • Bị bỏng
  • Vệ sinh kém.

Tuy nhiên không phải tổn thương nào cũng là dấu hiệu chứng tỏ trẻ đang bị người giúp việc ngược đãi. Vì vậy, những bậc cha mẹ nên gần gũi với bé hơn và bình tĩnh tìm ra nguyên nhân.

Lời khuyên cho những bậc cha mẹ

Cha mẹ nên an ủi, động viên khi thấy con có những biểu hiện tâm lý bất thường.
Bạn nên dành nhiều thời gian cho con hơn là việc kiếm tiền. (ảnh minh họa)
  • Cha mẹ nên an ủi, động viên khi thấy con có những biểu hiện tâm lý bất thường. Đây là một trong những cách hiệu quả giúp ổn định tâm lý của trẻ. Ngoài ra, điều này còn tạo cảm giác an toàn cho con, giảm những chấn thương tâm lý có thể ám ảnh con suốt đời.
  • Với những trẻ đã biết nói, cha mẹ cần nói chuyện riêng với con. Bạn cần đặt ra những câu hỏi gợi mở để hiểu hơn những điều đang xảy ra. Mặt khác, đối với những trẻ chưa biết nói, bạn cần theo dõi bé thông qua những cử chỉ, ánh mắt.
  • Cần khéo léo quan sát những hành động của người giúp việc. Bạn có thể giao cho người giúp việc cùng con tham gia một số hoạt động sau đó cẩn thận quan sát. Việc thực hiện nhiều lần như thế trong ngày bạn sẽ có kết luận sơ bộ về khả năng con có bị ngược đãi hay không.
  • Đưa ra những lời góp ý chân thành và thẳng thẳn với người giúp việc nếu thấy họ có biểu hiện của hành vi ngược đãi. Điều này nhằm dò xét phản ứng của họ. Từ đó có thể đưa ra quyết định an toàn cho con em của mình.

Cuối cùng, cha mẹ cần đề cao cảnh giác, không nên quá tin tưởng, trông cậy hoàn toàn vào người giúp việc. Bạn nên dành nhiều thời gian cho con hơn là việc kiếm tiền. Bởi vì trong những lúc bạn mải miết mưu sinh, bạn không thể biết được con đang phải gánh chịu những gì. Thay vì thuê người giúp việc, bạn hãy là người trực tiếp chăm sóc con trẻ. Điều này không những cho con một sự phát triển toàn diện về mặt thể chất mà còn nâng cao sự gắn bó, yêu thương giữa bạn với con.

Facebook
Twitter
LinkedIn