Bệnh viêm phế quản ở trẻ em xảy ra khi đường thở hay cuống phổi của bé bị viêm nhiễm. Bệnh này là hệ quả của việc trẻ thường xuyên hít phải bụi bẩn, khói thuốc, khói xe,…
Nguyên nhân gây bệnh viêm phế quản ở trẻ em
Trẻ em mắc các bệnh viêm hô hấp, cảm cúm, sổ mũi nếu không điều trị triệt để, virus sẽ lây lan xuống hai cuống phổi làm cho khí quản sưng phồng, tiết dịch nhầy trong phổi. Điều này gây kích thích trẻ ho nhiều, thở mệt do đường hô hấp bị viêm. Đây là nguyên nhân chính khiến cho trẻ bị viêm phế quản. Ngoài ra còn một số nguyên nhân khác dẫn đến viêm phế quản như:
- Ô nhiễm không khí: hóa chất, bụi,…
- Khói thuốc lá
- Các vấn đề về sức khỏe như viêm amidan, hen suyễn, dị ứng và bệnh tim
- Do trẻ sinh non, thiếu tháng.
[lo_irp post=’103928′]
Những triệu chứng thường gặp
Triệu chứng đầu tiên của bệnh viêm phế quản ở trẻ em là đường thở của bé bị viêm và tiết dịch nhầy. Vì thế trẻ sẽ có những dấu hiệu như ho nhiều và khó thở. Bên cạnh đó là những triệu chứng như chán ăn, bỏ bú, nôn ói và đau ngực.
Khi những cơn ho kéo dài từ 2-3 tuần, cổ họng trẻ sẽ có cảm giác đau và xuất hiện đờm đục có màu vàng hoặc xanh. Tiếp theo là những dấu hiệu như đau ngực, mệt mỏi và sốt nhẹ. Nếu bệnh nặng hơn, bé sẽ có dấu hiệu thở hổn hển từng nhịp, bú rất kém, tinh thần sa sút và không muốn chơi đùa.
Trường hợp trẻ bị viêm phế quản nặng, da trẻ có thể sẽ tím tái, lồng ngựa bị rút lõm. Từ đó những cơn thở trở nên khó khăn, thậm chí có dấu hiệu ngừng thở. Lúc này, bệnh có triệu chứng tương tự như hen suyễn.
Cách điều trị
Trường hợp bé bị viêm phế quản dạng nhẹ, bạn có thể chăm sóc bé tại nhà bằng việc cho bé bú và ăn uống đầy đủ dinh dưỡng. Bạn nên dùng nước muối sinh lý để làm sạch mũi cho trẻ với liều lượng nhỏ từ 2-3 giọt. Không nên tự ý mua thuốc điều trị cho trẻ. Khi muốn sử dụng thuốc, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ.
Phụ huynh cần hạn chế cho trẻ uống nước lạnh, thay vào đó là nước ấm. Điều này sẽ tránh cho trẻ bị tắc sung huyết, đồng thời giúp làm sạch đờm nhớt ở phế quản để bé hết cảm giác đau rát và cảm thấy dễ thở hơn. Bạn cần cho trẻ tránh khói bụi và thuốc lá, vì chúng có thể làm bệnh của trẻ nặng hơn và trở thành bệnh hen sau này.
Trường hợp trẻ ho bạn cũng không nên lo lắng quá nhiều vì nó sẽ giúp đẩy đờm ra bên ngoài, làm sạch khoang họng và cuống phổi. Tuy nhiên trường hợp trẻ bị nặng và không có phản xạ ho, bạn cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được trị liệu và hút đờm ra ngoài.
Cách phòng bệnh
- Cho trẻ sinh hoạt và vui chơi trong môi trường lành mạnh, không có khói bụi.
- Vệ sinh răng miệng đúng cách. Bạn có thể cho trẻ dùng nước muối sinh lý để súc miệng 2 lần/ ngày.
- Bổ sung đầy đủ dưỡng chất cho trẻ. Với những trẻ từ 2-4 tuổi, bạn nên tăng cường các thực phẩm giàu vitamin C, D. Đồng thời, cho trẻ uống nhiều nước nhằm tăng sức đề kháng, đẩy lùi các vi khuẩn xâm nhập.
- Thường xuyên giữ ấm cho trẻ, đặc biệt là vùng cổ họng và ngực.
- Cho trẻ bú hoàn toàn trong vòng 6 tháng đầu, điều này nhằm tăng sức đề tháng ở trẻ.