Cân nặng của thai nhi là một trong những vấn đề được phụ nữ mang thai rất quan tâm. Chỉ số này chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố. Ngoài chế độ dinh dưỡng, sức khỏe của thai phụ, cân nặng của thai nhi còn phụ thuộc vào thứ tự sinh em bé, giới tính thai nhi,…
1. Các yếu tố ảnh hưởng đến cân nặng thai nhi
1.1. Yếu tố di truyền, chủng tộc, độ tuổi mang thai
Theo các nghiên cứu khoa học, đây là yếu tố quyết định 23% vóc dáng của thai nhi. Bên cạnh đó, những thai phụ mang thai ở độ tuổi dưới 18 hoặc trên 40 sẽ sinh con nhẹ cân hơn những người mẹ bình thường.
1.2. Sức khỏe của người mẹ trong giai đoạn thai kỳ
Nếu thai phụ bị béo phì hoặc tiểu đường thai kỳ, cân nặng của thai nhi thường lớn hơn bình thường. Bên cạnh đó, người mẹ bị căng thẳng, áp lực, mắc chứng cao huyết áp, thường xuyên sử dụng các chất kích thích như thuốc lá, rượu, bia, café sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển cân nặng của thai nhi.
1.3. Thứ tự sinh em bé
Con đầu lòng thường có xu hướng nhỏ hơn so với các bé sinh sau này. Tuy nhiên, nếu khoảng cách giữa hai lần sinh quá ngắn, cơ thể người mẹ chưa kịp hồi phục, thai nhi ở lần sinh sau có thể bị nhẹ cân.
1.4. Người mẹ mang đa thai
Nếu thai phụ mang đa thai thì cân nặng của em bé sẽ nhẹ hơn bình thường. Lúc này, các bé phải chia sẻ không gian phát triển trong tử cung và nguồn dinh dưỡng người mẹ cung cấp qua nhau thai nên cân nặng sẽ nhỏ hơn các bé sinh đơn.
1.5. Giới tính và sức khỏe của thai nhi
Bé trai thường có cân nặng và chiều cao lớn hơn so với bé gái. Ngoài ra, sức khỏe của thai nhi cũng ảnh hưởng đến sự phát triển cân nặng. Khi mắc các chứng như nhiễm trùng, dị tật bẩm sinh, thai nhi sẽ kém phát triển và tăng trưởng chậm.
1.6. Dinh dưỡng trong giai đoạn mang thai
Khi người mẹ không bổ sung một chế độ ăn uống đầy đủ dưỡng chất, thai nhi sẽ chậm phát triển. Thai phụ nhẹ cân cũng gây ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của thai nhi. Bên cạnh đó, thai phụ ăn nhiều nhưng không cung cấp đủ dinh dưỡng cũng dẫn đến tình trạng thai nhi nhẹ cân.
2. Thai nhi quá nhỏ ảnh hưởng như thế nào?
Thai nhi quá nhỏ sẽ dẫn đến nguy cơ em bé sinh ra bị suy dinh dưỡng, cơ thể yếu ớt, dễ mắc các chứng như viêm phổi, sức đề kháng yếu. Bên cạnh đó, chỉ số thông minh của bé cũng thấp hơn so với bạn đồng trang lứa, bé dễ bị kích động, khó tập trung.
Khi khám thai đưa ra kết quả thai nhi có cân nặng nhỏ hơn mức bình thường, bác sĩ sẽ làm xét nghiệm để tìm ra nguyên nhân. Đó có thể do chức năng nhau thai hoạt động kém nên không vận chuyển đủ chất dinh dưỡng đến thai nhi, dây rốn gặp vấn đề, chế độ dinh dưỡng của người mẹ thiếu khoa học, thai phụ thường xuyên gặp căng thẳng, lo lắng.
Việc xác định được những nguyên nhân trên sẽ giúp thai phụ điều chỉnh chế độ ăn uống theo tuổi thai, xây dựng giờ giấc sinh hoạt ổn định, có kế hoạch nghỉ ngơi và điều trị hợp lý.
[lo_irp post=’101202′]
3. Các cách giữ cân nặng thai nhi đạt chuẩn
- Xây dựng thực đơn đa dạng, đầy đủ các nhóm chất: đạm, đường bột, chất xơ, chất béo thực vật, vitamin và khoáng chất.
- Hạn chế những thực phẩm chiên xào, thức ăn nhanh, không nên hút thuốc lá, uống rượu bia trong giai đoạn mang thai
- Điều chỉnh cường độ làm việc và nghỉ ngơi phù hợp
- Luyện tập những bài thể dục dành cho phụ nữ mang thai để đảm bảo sức khỏe
- Khám thai theo đúng lịch hẹn của bác sĩ, kiểm soát các bệnh có thể tác động xấu đến cân nặng của thai nhi như tiểu đường thai kỳ.