Khi nào nên cho con học ngoại ngữ?
Có nhiều quan điểm khác nhau của các bậc phụ huynh về thời điểm cho con học ngoại ngữ. Nhiều bố mẹ cho con học ngoại ngữ khi bé đã nói sõi tiếng Việt (khoảng 3-4 tuổi). Số khác muốn chờ con lên cấp một để con biết nhận thức hơn. Một số để con lên cấp hai mới tập trung cho ngoại ngữ vì thời điểm này con tiếp thu được nhiều kiến thức hơn.
Theo nhận định của các chuyên gia thì giai đoạn học ngoại ngữ tốt nhất là trước khi trẻ dậy thì (khoảng trước 15 tuổi). Bởi học ngoại ngữ là một loại học hỏi bằng bản năng là chủ yếu. Trẻ dưới 15 tuổi vận dụng tốt bản năng này giống như khi trẻ tập nói tiếng mẹ đẻ. Trong khi trẻ trên 15 tuổi lại tiếp thu kiến thức chủ yếu bằng phương pháp, kĩ năng và kinh nghiệm. Chính vì thế càng lớn tuổi chúng ta càng gặp nhiều khó khăn hơn trong việc học ngoại ngữ. Vì thế bố mẹ nên cho con học ngoại ngữ trước 15 tuổi.
Giai đoạn vàng để trẻ học ngoại ngữ
Tuy nhiên, có một thời điểm được các chuyên gia đánh giá là giai đoạn để học ngoại ngữ. Đó là giai đoạn từ 3-4 tuổi. Khi trẻ nói sõi tiếng mẹ đẻ, bố mẹ có thể cho con làm quen với ngôn ngữ mới. Thời điểm này các bé không cần phải phát triển từ vựng mà chỉ cần làm quen với tiếng anh. Nhận ra cách phát âm với ngữ điệu, trọng âm, cách nối đuôi hay âm gió. Thực tế người lớn thường gặp khó khăn trong việc này trong khi trẻ càng nhỏ thì làm càng tốt. Bởi nghe và bắt chước là bản năng của trẻ, giống như khi các bé học tiếng mẹ đẻ.
Bố mẹ có thể cho bé nghe và xem các chương trình TV dành cho thiếu nhi của người bản ngữ, Gameshow truyền hình nước ngoài. Nghe nhạc tiếng Anh, hoặc học một số từ đơn giản trong giao tiếp hằng ngày để bé có cơ hội được nói. Như cảm ơn, xin lỗi, chào buổi sáng, chúc ngủ ngon…
Giai đoạn này trẻ sẽ học ngoại ngữ rất nhanh. Theo nghiên cứu cho thấy, trong những năm đầu đời trẻ tiếp thu bằng các cách: Nhìn, nếm, ngửi, nghe, chạm và làm. 50% kĩ năng chúng ta học được và phát triển trong 3 năm đầu đời, 30% kĩ năng còn lại được phát triển ở tuổi thứ 4. Vì thế 3-4 tuổi là thời điểm vàng để bé được tiếp thu ngôn ngữ mới.
Lưu ý, tiếp cận với ngôn ngữ thứ hai quá sớm có ảnh hưởng đến tiếng mẹ đẻ của trẻ. Bố mẹ cần lưu ý về thời lượng nghe, giao tiếp, vui chơi bằng tiếng anh của con. Nên cân nhắc việc gửi con vào trường mầm non quốc tế. Có nhiều trường hợp các bé nói tiếng Anh còn giỏi hơn tiếng Việt, ảnh hưởng đến sự giao tiếp.
Các giai đoạn tiếp theo
Bước vào giai đoạn thứ hai học ngoại ngữ là khi trẻ được 6-7 tuổi. Đây là thời điểm trẻ học cách phát âm chuẩn, học từ đơn giản và câu ngắn trong giao tiếp. Thực tế cho thấy không có phương pháp cụ thể nào đối với trẻ 6-7 tuổi để trẻ học ngoại ngữ tốt nhất. Vì mỗi trẻ có khả năng ngoại ngữ, môi trường sống, sinh hoạt khác nhau. Ngoài phương pháp học thì trẻ phải có hứng thú với việc học ngoại ngữ.
Các giai đoạn tiếp theo, tùy theo khả năng của trẻ để có phương pháp học tập phù hợp. Cần tăng dần lượng kiến thức theo thời gian. Vì trẻ đã có những phương pháp, kĩ năng và kinh nghiệm để trẻ học ngoại ngữ hiệu quả.
Học ngoại ngữ cần có năng khiếu, vì đây là 1 trong 8 loại thông minh ở trẻ không phải ai cũng có. Nên bố mẹ không nên đặt quá nhiều kì vọng vào con, dễ gây áp lực cho trẻ. Bố mẹ nên kiên nhẫn và tìm ra phương pháp học phù hợp cho con.
Nguồn: Dạy con