Sắt là nguyên tố vô cùng cần thiết trong sự phát triển của trẻ. Trẻ em thường hay mắc chứng thiếu sắt do không hấp thụ được lượng sắt cần thiết qua thức ăn. Một số trường hợp thiếu sắt do chịu tác động ngay khi còn trong bụng mẹ.
Thế nào là chứng thiếu sắt ở trẻ nhỏ?
Thiếu sắt là một loại thiếu chất dinh dưỡng thường gặp nhất ở trẻ em. Thiếu sắt có thể làm chậm phát triển tâm thần vận động và ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng miễn dịch của cơ thể trẻ do giảm chức năng bạch cầu.
Đây là loại bệnh thường gặp nhất ở trẻ nhũ nhi từ tháng thứ 6 đến 2 tuổi. Cần chẩn đoán khả năng thiếu sắt và điều trị kịp thời đối với những nhóm trẻ có nguy cơ thiếu sắt.
Trẻ bị thiếu sắt có những biểu hiện như thế nào?
Quá trình thiếu sắt diễn ra theo thời gian và không kèm theo triệu chứng nào khác trong một thời gian dài lúc ban đầu. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh có thể nghi ngờ con mình đang mắc chứng thiếu sắt thông qua một số biểu hiện sau:
- Xanh xao kéo dài và thấy rõ ở lòng bàn tay, gan bàn tay, vành tai.
- Niêm mạc họng và kết mạc mắt nhạt
- Chứng thiếu sắt kéo dài có thể dẫn đến rối loạn tiêu hóa, biếng ăn, sốt nhẹ, sụt cân.
- Thiếu sắt sẽ làm giảm chức năng bạch cầu khiến trẻ dễ bị mắc các bệnh nhiễm trùng tái đi tái lại.
- Hiện tượng ăn đất ở trẻ cũng là dấu hiệu cho thấy trẻ bị thiếu sắt.
Dù vậy, bệnh thiếu máu ở trẻ cũng khó nhận biết vì bên cạnh dấu hiệu xanh xao kéo dài, trẻ vẫn hoạt động bình thường. Hiếm gặp các trường hợp thiếu máu nặng như bứt rứt, nhịp tim nhanh, tim to. Để phát hiện bệnh thiếu máu ở trẻ, phụ huynh cần quan sát cả những dấu hiệu còi xương đi kèm.
[lo_irp post=’103884′]
Nguyên nhân gây thiếu sắt ở trẻ nhỏ
Một số nguyên nhân bắt nguồn do bẩm sinh như: trẻ bị sanh non, sanh đôi, mẹ bị xuất huyết thai kỳ
Cung cấp không đủ sắt cho trẻ trong quá trình trẻ đang lớn: chế độ ăn thiếu đạm động vật nhưng lại có nhiều đường và bột.
Trường hợp trẻ bị tiêu chảy cũng khiến rối loạn hấp thu sắt ở ruột. Một số nguyên nhân gây mất lượng máu trong thời gian dài như: viêm thực quản, u máu thành ruột, nhiễm giun móc.
Một số tình trạng viêm nhiễm kéo dài như nhiễm trùng tai , mũi, họng, đường hô hấp, nhiễm trùng tiểu… cũng khiến trẻ mất nhiều chất sắt. Bé gái lớn lên sẽ mất sắt qua kinh nguyệt.
Một số phương pháp điều trị thiếu sắt ở trẻ em
Trẻ sơ sinh hấp thụ sắt qua sữa mẹ. Trong 1 lít sữa mẹ có chứa 1mg sắt. Trẻ thực sự hấp thụ được 50% lượng chất sắt có trong sữa mẹ. Trong khi 1 lít sữa bò và sữa công nghiệp chứa 0,5mg – 1,4mg, trẻ chỉ hấp thu được 10 – 20% số lượng này.
Sắt nguồn gốc thực vật ít được hấp thu hơn sắt từ nguồn gốc động vật. Biết được khả năng hấp thu sắt này của trẻ đề điều chỉnh chế độ ăn hợp lý, giúp cung cấp đầy đủ chất sắt cho trẻ.
Trường hợp trẻ đã mắc chứng thiếu sắt, việc bổ sung thêm sắt là vô cùng cần thiết. Bạn nên đưa trẻ đến bác sĩ và nhận sự tư vấn về liều lượng cũng như loại sắt bổ sung hợp lý.
Bên cạnh đó, bổ sung chất dinh dưỡng cho trẻ qua các loại thức ăn phong phú. Vitamin C có thể làm tăng hấp thụ sắt ở trẻ.