Nghệ thuật giải quyết xung đột giữa cha mẹ và con cái

Nhường con hay giành phần thắng về mình?

Với quan niệm không để cho con trèo lên đầu, lên cổ, trong mọi cuộc xung đột nhiều cha mẹ luôn là người đưa ra mệnh lệnh. Những câu mệnh lệnh phủ đầu có ý sai khiến và đòi hỏi trẻ giống như giọt nước tràn ly, làm vỡ oà những căng thẳng trong người trẻ. Ấm ức, bức bối, các cô bé, cậu bé mới lớn, sẵn sàng đáp trả ngay bằng thái độ phản ứng và xem cha mẹ là “mẫu người” ít quan tâm đến sở thích của người khác.

Ngược lại với quan niệm trên, nhiều cha mẹ lại luôn dùng phương pháp: “Chỉ có trẻ là người chiến thắng”. Phần vì ngại nảy ra xung đột hoặc vì sẵn sàng hy sinh bản thân, và đôi khi là vì cả hai nên luôn làm theo yêu cầu trẻ. Cách này cũng không tốt, dù giữ cho không khí gia đình hoà thuận nhưng lại khiến trẻ trở nên ích kỷ, không biết sống nề nếp và không biết cách tự sắp xếp cuộc sống của mình. Điều này sẽ khiến trẻ khó khăn khi bước ra khỏi cánh cửa gia đình, khi phải làm việc chung với người khác. Trẻ dễ bị cô độc, bị chế giễu và thậm chí bị hắt hủi.

Lối thoát cần làm 

Theo các nhà tâm lý, cách tốt nhất trong mỗi cuộc xung đột giữa cha mẹ và con cái là phương pháp cha mẹ và con cái cùng thắng cuộc. Để thực hiện được điều này, trước hết bạn cần lắng nghe trẻ nói để hiểu rõ vấn đề mà trẻ đang gặp phải, từ đó đưa ra những định hướng đúng đắn.

Một khi trẻ đã biết chắc cha mẹ quan tâm đến vấn đề của mình và chia sẻ ý kiến, trẻ sẽ sẵn sàng lắng nghe và cùng tham gia giải quyết vấn đề chung. Hãy nhớ, khi trẻ đưa ra ý kiến của mình, dù đúng dù sai bạn phải bình tĩnh phân tích hơn thiệt, đánh giá hiệu quả của những ý kiến đó và tìm ra lựa chọn tối ưu nhất. Bằng cách này không ai trong cuộc xung đột có cảm giác thua cuộc. Ngược lại, nó khiến cho mọi người cùng nhau hợp tác. Trẻ sẽ có bài học về cách giải quyết xung đột một cách hoà thuận.

Tuổi dậy thì thường có những cảm xúc đột ngột, thoắt ẩn thoắt hiện, ngay chính trẻ cũng không hiểu nổi mình. Bạn có thể sống hòa bình với con là sự tôn trọng với trẻ và đặc biệt thay vì áp dụng kỷ luật thép hãy mở lòng mình để xem con như một người lớn có khả năng sống độc lập. Trong thế giới được “tự quyết” ấy, trẻ sẽ tự uốn mình biết dằn cảm xúc mình để sống trưởng thành hơn.

Cách mạng tuổi dậy thì

Theo Thạc sĩ tâm lý Khắc Hiếu, ĐH Sư phạm TP.HCM, tuổi dậy thì được quen gọi là tuổi ô mai hội đủ các dư vị mặn, ngọt, đắng, cay phản ánh đúng tâm lý tuổi teen. Ở tuổi phức tạp này, teen đang có sự chuyển biến về cơ thể, tâm lý từ “kỷ nguyên trẻ con” sang “kỷ nguyên người trưởng thành”. Trẻ có tâm thế muốn “vùng” lên làm người lớn, và trong mắt bố mẹ, cô thầy, sự vùng lên nổi loạn của trẻ lại là một gì đó khá… hốt hoảng, và hai bên dễ xảy ra sự xung đột do suy nghĩ lệch nhau.

Thảo Nguyên

Facebook
Twitter
LinkedIn