Nỗi ám ảnh rạn da

Chị em sợ béo vì hậu quả nhãn tiền của nó chưa hẳn đã là huyết áp cao hay những căn bệnh nguy hiểm khác mà vì béo trước hết là da sẽ rạn, eo phình to. Phụ nữ bây giờ ngại sinh nở cũng một phần vì sau khi làm tròn thiên chức người mẹ thì thân hình thon thả thời con gái không còn, và da khắp nơi đều… rạn. Béo thì có thể giảm cân chứ rạn da thì coi như suốt đời chị em phải sống chung với nó. Đến cả các chuyên gia thẩm mỹ cũng chưa ai dám khẳng định mình có thể chữa khỏi “nỗi ám ảnh” này cho phái đẹp. Và đương nhiên, chị em vẫn cứ phải khắc phục dần dần tình trạng nứt nở của da bằng đủ mọi biện pháp. Vấn đề là, nếu hiểu về nó, thì chẳng phải chị em mà cả cánh mày râu cũng có thể tránh được tình trạng này.

 

 

 

Vì sao da “vỡ”?

Do bị kéo giãn quá mức: Da bạn cũng như một sợi dây chun, nếu cứ kéo căng, dây chun sẽ dão dần. Thực chất rạn da chính là những vết sẹo để lại sau khi da bị kéo giãn không thể trở lại trạng thái ban đầu.

Gia tăng hormone: Vào thời kỳ dậy thì, mang thai, hoặc do tăng cân quá nhanh, lượng hormone glucocorticoid tăng cao và được các mao mạch vận chuyển đi khắp cơ thể, gây ra các vết rạn trên những vùng da mỏng và yếu. Các hormone này ngăn chặn sự hình thành collagen và elastin- sợi đàn hồi, phá vỡ cấu trúc của da, hình thành các vết rạn nhỏ. Tích tiểu thành đại, lâu dần, các vết rạn này càng lộ rõ.

Sử dụng thuốc và hoá chất: các vết rạn da có thể xuất hiện khi quá trình sản xuất collagen bị gián đoạn do cơ thể hấp thụ một số loại thuốc hoặc hoá chất.

Loại da: Di truyền không phải là một nguyên nhân gây rạn da nhưng nếu tình trạng này xuất hịên ở mẹ của bạn thì nguy cơ với bạn sẽ cao hơn. Ngoài ra, khả năng da rạn cũng sẽ ít hơn ở những người có da dầu hoặc trên da có nhiều hắc sắc tố melanin.

Chế độ dinh dưỡng không hợp lý: Ăn uống không đủ chất cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến da mất đi độ đàn hồi, trở nên khô và dễ tổn thương.

Thay đổi môi trường sống đột ngột: ở những nơi khí hậu khắc nghiệt như quá lạnh hoặc quá nóng, da của bạn sẽ dễ xuất hiện nhiều vết rạn hơn bình thường.

 

Đối tượng rạn da

Phụ nữ mang thai khó tránh được tình trạng này. Nhưng không phải vì thế mà các chị em không mang bầu hoàn toàn miễn dịch với nó. ở độ tuổi dậy thì, 70% phái nữ và 40% phái nam có nguy cơ bị rạn da. Đàn ông luyện tập các môn thể thao nặng như cử tạ hoặc sử dụng các chất làm tăng cơ bắp cũng có nguy cơ rạn da rất cao. Rạn da còn là nguy cơ của bất cứ ai tăng cân quá nhiều và quá nhanh.

Dấu hiệu nhận biết

Các vết rạn thường xuất hiện chủ yếu trên đùi, mông, bụng và ngực. Màu sắc của chúng phụ thuộc vào màu da, có thể là hồng, nâu đỏ hoặc nâu sẫm xuất hiện dưới dạng các vết sọc chạy trên da. Trên nền da sáng màu, vết rạn sẽ có màu hồng nhạt. Với làn da tối màu thì vùng da rạn sẽ trở nên sáng hơn các vùng da xung quanh. Sự co giãn của da có thể gây ra cảm giác ngứa ngáy, khởi đầu của dấu hiệu rạn. Vết da bị rạn được hình thành qua hai thời kỳ. Biểu hiện lúc đầu là những vệt đỏ, đỏ tím, có hoặc không kèm theo ngứa, hoặc dấm dứt nhẹ tại chỗ. Thời kỳ thứ 2, da chuyển sang màu trắng có ánh như­ xà cừ và hình thành các đ­ường rạch lõm (là lúc tạo vết rạn) tạo nên sự tương phản khá rõ giữa làn da bình thường và vết rạn.

 

Chống rạn tại nhà

Trước khi đến thẩm mỹ viện, hãy tự giảm thiểu những nguy cơ khiến da không còn được nguyên vẹn như ban đầu.

 Ăn uống: uống ít nhất là tám cốc nước một ngày, ăn nhiều rau xanh, hoa quả, ăn các loại thức ăn có các thành phần vitamin E, C, selen và alpha lipoic acid cao cũng như đủ các chất béo với monounsaturated (dầu olive) và gamma lineolic acid (dầu borage.) Tất cả các dưỡng chất này rất cần thiết để giữ cho da chắc, khỏe và chóng hồi phục.

Tẩy da chết: Các vết rạn có thể trở thành những đốm sẹo khiến da tổn thương trông thấy. Việc của bạn là tẩy bớt đi lớp da chết để kích thích sự phát triển của lớp da mới bên dưới. Hãy kết hợp với các sản phẩm lột da chứa alpha hydroxy như retinol, glycolic hoặc lactic acid được xem là rất hữu ích cho việc cải thiện ra dạn.

Bảo vệ da: Sau khi tẩy da chết, hãy cung cấp vitamin A, E, C và acid alpha lipoic để bảo vệ cho những tế bào da mới khỏi bị tổn thương. Nhớ thoa cho da kem chống nắng để ngăn cản tia tử ngoại phá vỡ những tế bào da mới hình thành.

Dưỡng ẩm: Nếu bạn đã nhìn thấy trước xu hướng nứt vỡ của da thì hãy ngăn chặn ngay bằng cách dưỡng ẩm hàng ngày. Nên chọn những sản phẩm đặc trị cho hiện tượng rạn da, có chứa vitamin E, vitamin A, emu oil, cocoa butter, dầu mầm lúa mỳ và mỡ lông cừu. Tất nhiên đây chỉ là những biện pháp cải thiện sự co giãn của da chứ không phải là liều thuốc ngăn chặn hoàn toàn nguy cơ da bị rạn.

Ngủ: ngủ đủ giấc sẽ giúp cho da được phục hồi nhanh hơn.

Tắm bằng sữa: thêm một hoặc hai cốc bột sữa dành cho da vào bồn tắm và ngâm mình từ 15 đến 20 phút, vài lần một tuần. Tráng sạch thân thể dưới vòi hoa sen chứ đừng dùng tới xà phòng hay sữa tắm.

Điều chỉnh trọng lượng: tự lên cho mình một chế độ ăn uống và sinh hoạt hợp lý để không bị tăng cân quá nhanh hay quá nhiều.

Cuối cùng, hãy nhớ việc chống rạn da là cả một quá trình phải tiến hành theo từng bước được hiểu nôm na là phá rỡ trước khi phục hồi. Chính vì vậy nó đòi hỏi sự kiên nhẫn hết sức ở bạn.

Hỏi đáp về da khi mang bầu

Nếu lần sinh đầu tiên tôi không bị rạn da thì lần sinh sau tôi có bị hiện tượng này không?

Khi mang thai, trọng l­ượng cơ thể tăng đột ngột, mô liên kết ở lớp hạ bì bị lỏng lẻo, các sợi collagen không duy trì đư­ợc tính đàn hồi. Những lần sinh sau thì cơ chế bảo vệ da tự nhiên càng suy yếu, nguy cơ rạn da tăng gấp đôi.

Da tôi bị rạn rất tệ trong lần sinh đầu. Làm thế nào để tôi hạn chế hiện tượng này ở lần sinh tiếp theo?

Bạn nên cung cấp đầy đủ Vitamin và khoáng chất, đặc biệt là vitamin A, C và E, kẽm để da khoẻ mạnh, đàn hồi tốt hơn (xem phần Chữa rạn da tại nhà.)

Nên dùng kem chống rạn vào thời điểm nào là phù hợp nhất?

Việc massage cho da bằng loại kem phù hợp nên được thực hiện ngay từ ba tháng đầu mang thai. Thoa ngay sau khi tắm hoặc trước khi đi ngủ. Luôn nhớ phải làm sạch da trư­ớc khi bôi kem.

Có nên sử dụng kem chống rạn cho da nhạy cảm?

Da nhạy cảm rất dễ kích ứng với các thành phần lạ. Nếu dùng phải xem kỹ các thành phần của kem. Tốt nhất nên dùng tinh dầu nguyên chất chống rạn bởi nó không có hoá chất bảo quản cũng như­ các thành phần có hại cho sức khoẻ.

Thoa kem chống rạn có ảnh hưởng tới em bé không?

Có một số loại thuốc chống rạn được khuyến cáo là không dùng khi mang thai và cho con bú. Trước khi trả tiền cho một sản phẩm, bạn hãy đọc kỹ phần hướng dẫn sử dụng.

Gia Đình Trẻ
Facebook
Twitter
LinkedIn