1. Con học theo gương bố mẹ
Bố mẹ khảnh ăn là một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến con biếng ăn. Ví dụ, có thể bạn không thích ăn cà rốt và thường phàn nàn về sự xuất hiện của loại củ này trên bàn ăn. Mỗi lần nhìn thấy bố hoặc mẹ gạt bỏ cà rốt sang một bên hoặc từ chối những món ăn nấu từ cà rốt, con sẽ bị chú ý. Lâu dần, sự chú ý đó sẽ chuyển thành thói quen. Con cũng vô tình có phản ứng không thích ăn cà rốt.
Biết cà rốt rất giàu vitamin A và tốt cho con, các mẹ lại ép con phải ăn thật nhiều cà rốt và tỏ ra bực bội khi thấy con cương quyết không chịu ăn với lý do “Bố mẹ cũng đâu có ăn cà rốt”.
Rõ ràng, người lớn đã đánh giá sai khả năng bắt chước của những đứa trẻ và các bậc phụ huynh đã không làm gương tốt cho con. Bạn nên nhớ rằng, trong gia đình, bố hoặc mẹ chính là những người thầy hoặc là tấm gương phản chiếu cho con. Nếu bạn không tự ý thức được điều này thì con sẽ nhiễm những thói quen của bố mẹ ngay cả trong việc ăn uống.
Lời khuyên lúc này chính là hãy làm gương cho con. Có thể bạn không thích cà rốt nhưng trước mặt con, hãy nói về lợi ích của cà rốt và ăn một miếng để trẻ làm theo. Thậm chí ngay cả trong trường hợp bạn không hề thích món ăn nào đó thì ít nhất cũng hãy cố gắng để trẻ hiểu rằng, món ăn này không hề chán.
2. Chế biến bữa ăn quá đơn giản
Bận bịu với công việc và xem nhẹ bữa ăn gia đình là nhược điểm và sai lầm lớn nhất của các bà mẹ công sở. Bạn cho rằng, chỉ cần con được ăn no và bữa ăn có đầy đủ thịt cá trứng sữa là con sẽ có đủ chất. Suy nghĩ này thật sai lầm bởi trẻ sẽ không thích ăn nếu đó không phải là bữa ăn hấp dẫn và nhiều màu sắc.
Những món ăn được chế biến đơn giản với màu sắc đơn điệu sẽ làm giảm đi cảm giác thèm ăn ở trẻ. Thậm chí nếu bạn thường xuyên kéo dài tình trạng này thì trẻ sẽ có suy nghĩ “ghét” những món ăn đó, dần đần trở thành biếng ăn.
Lời khuyên được đưa ra lúc này chính là dù bận rộn đến mấy thì các mẹ cũng vẫn nên chuẩn bị nhiều món ăn và hạn chế tần suất lặp lại của các món bởi điều này sẽ dẫn đến “sự mệt mỏi” về vị giác, hương vị và mùi.
Các mẹ hãy thu thập các công thức nấu ăn để cùng một nguyên liệu có thể chế biến thành nhiều món. Hãy chú ý đến hương vị, màu sắc, độ dinh dưỡng để tăng cường sự thèm ăn ở trẻ.
3. Cho trẻ dùng đồ ăn nhẹ trước bữa chính
Trước mỗi bữa ăn, con lại có thói quen dùng bánh quy, uống cốc sữa hay ăn kẹo, bim bim. Chính điều này khiến con khó kiểm soát cân nặng và gây ảnh hưởng đến bữa chính, khiến con biếng ăn.
Tốt nhất là không nên cho con ăn vặt trước bữa chính. Hãy đưa con tham gia các hoạt động ngoài trời để giúp con tiêu hóa tốt hơn.
4. Cha mẹ thiếu kiến thức dinh dưỡng
Bin mặc dù đã 4 tuổi nhưng trông bé nhẹ cân hơn hẳn các bạn bè đồng lứa. Mẹ của Bin thì cảm thấy rất lạ bởi hầu như bữa ăn nào của con cũng có nhiều thịt. Lên các trang web tìm hiểu, mẹ Bin mới biết rằng, các bữa ăn của bé ngày nào cũng giống nhau và có sự thiên lệch trong nguyên liệu chế biến.
Các chuyên gia cho biết rằng ăn thịt nhiều cũng không hẳn là tốt. Bữa ăn của trẻ cần phải có nhiều thực phẩm khác nhau như rau, củ quả, chất đạm, chất béo. Nhiều bậc cha mẹ đôi khi chỉ dựa trên những suy nghĩ thông thường, trực giác và kinh nghiệm của họ để cho bé ăn thì điều này có thể gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng khiến con biếng ăn và mất cân bằng dinh dưỡng.
5. Dọa dẫm để con ăn
Mỗi lần cho con ăn, Chị Lan đều phải dùng đến những từ ngữ dọa dẫm hay hứa hẹn để con chịu ăn hết bát cơm. Đôi khi chị phải dùng đến cả vũ lực để ép con ăn được một miếng. Chính vì điều này mà cứ đến bữa ăn, hai mẹ con chị Lan một người thì hậm hực, tức giận, một người thì la khóc.
Thực tế là khi bị ép ăn sẽ mang đến sự ác cảm với đồ ăn ở trẻ nhỏ. Đối với những em bé không thích ăn một món gì đó thì việc bị cưỡng chế sẽ càng khiến trẻ ghét không muốn ăn.
Thay vì dọa dẫm hay quá nạt con, các phụ huynh nên trích dẫn các câu chuyện liên quan đến món ăn để giúp các bé loại bỏ sự ác cảm, tăng sự hứng thú với việc ăn uống.