Những chợ có một không hai

Chợ kết bạn, cầu may
Ấy là chợ Viềng chỉ họp duy nhất một lần trong năm vào ngày 8 tháng Giêng âm lịch. Cái chợ mà dân gian truyền khẩu là “làm cho trai gái tốn tiền trầu cau” đó bán thứ mà chẳng ai nhìn thấy: sự may mắn. Ngày trước, người ta mang đến chợ đủ thứ đồ cũ, bán không cốt lấy lãi mà chỉ cốt lấy may cho năm mới. Người mua cũng chỉ mong được may chứ không mong được hàng. Thế nên ở chợ Viềng chẳng ai nói thách hay mặc cả. Thời đó, không ít đồ cũ được chào bán ở chợ Viềng là đồ cổ. Thế nên cái chợ bé con ở xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, Nam Định này lại là một địa chỉ được nhiều tay buôn và chơi đồ cổ lai vãng.

Bây giờ, đồ cổ chẳng còn mà đồ cũ cũng hiếm. Thay vào đó, chợ Viềng chuyển sang bán cây cảnh. Nhưng mục đích vẫn không phải để kiếm lời mà là để lấy duyên, lấy bạn. Chợ Viềng giờ là nơi hò hẹn của cây thế xứ Bắc với mai vàng xứ Nam. Đi chợ, cứ nhìn cung cách thưởng cây là biết tài của dân chơi. Rồi từ đó mà họ phục nhau rồi kết bạn với nhau. Cái duyên của chợ Viềng đến lạ.

Bác Đinh Hậu ở Cần Thơ vừa nhấp chén trà nóng ở chợ Viềng vừa dốc bầu tâm sự: “Nhờ phiên chợ này mà tôi kết thân  được với một người bạn chơi Thiên Tuế ở gần đây.” Lần này ra chợ Viềng, bác mang theo một cây mai vàng có nụ để tặng bạn. “Tôi đã hãm cho cây mai này nở đúng Tết Nguyên Tiêu (rằm tháng riêng),” bác Hậu nói, hy vọng cái may mắn sẽ đến với bạn mình. Người chơi cây thường cầu may theo mỗi đận cây nở hoa. Đây cũng là cách bác Hậu trả nghĩa bạn, người mà năm ngoái đã tặng bác một cây thiên tuế và cả năm vừa qua bác may vô cùng.
Thì ra phía sau phiên chợ cầu may còn là tình bằng hữu. ở chợ phiên cầu may, tôi lại may hơn người nghe được một tình bạn qua cây mai vàng nở vào Tết Nguyên Tiêu.

Chợ giải đen
Đó là chợ Âm Phủ (giờ đồi thành chợ 19.12), ngắn nhất Hà Nội. Toàn bộ chợ nằm trên nền của một bãi tha ma từ thời Pháp thuộc nên chẳng có gì lạ khi giữa chợ có cả một ban thờ rất linh thiêng để thờ cúng người âm. Cái tên của chợ ngắn nhất Hà Nội này cũng từ đó mà ra.

Chợ thực ra chỉ thành hình mãi sau này, khi một số người buôn bán dạt từ chợ Hàng Da và Hàng Bè về để tránh bom Mỹ. Ban đầu, nó là chợ tạm, người mua người bán đều nhanh. Thời chiến cái gì cũng gấp gáp, mà cũng chẳng ai muốn nhấn nhá lâu bên những đống mả làm gì. Rồi chợ tạm đông dần lên. Rồi năm 1982, người ta dựng chợ trên bãi tha ma, lại đặt cho tên mới là 19/12 để kỷ niệm ngày toàn quốc kháng chiến. Nhưng dân Hà Nội thì vẫn quen gọi theo tên cũ: Chợ Âm Phủ.
Chợ âm phủ chẳng bán gì liên quan đến đồ âm. Hai thứ nổi tiếng nhất của chợ là thịt chó sống và rau sạch. Thịt chó thì bán cho người muốn giải đen, còn rau sạch thì bán cho Tây và những quý bà dư dả. Mỗi ngày khoảng 5 đến 10 tạ thịt chó sống theo đường từ Trôi, Nhổn, Phùng về đây, rồi nằm phơi trong các mẹt và rổ xảo chờ người đi chợ. Càng về cuối năm, các quầy thịt chó ở chợ Âm Phủ càng đông khách. Nhiều người quan niệm ăn thịt chó ở chợ Âm Phủ sẽ giải được hết đen đủi. Trời se lạnh ra chợ Âm Phủ nhấp ly rượu với miếng dồi chó, nghe tiếng các bà các cô đi chợ, cảm nhận phảng phất mùi hương trầm cầu siêu cho những linh hồn vảng vất đâu đây, thấy những đen bạc trong cuộc đời chẳng có gì là ghê gớm cả.

Còn nói đến rau thì phải nói đến chuyện nhà vợ chồng cô Sáu. Cách đây mấy năm, hai vợ chồng lần đầu đặt chân lên đất Hà Nội, ngày mang gánh rau ra chợ Âm Phủ bán, tối về ngủ trọ ở Láng Hạ, 1000đ/1 đêm. Thương cảnh vợ chồng nghèo, anh Bắc, phụ trách chợ cho họ lợp cái lều trong chợ vừa trú mưa gió vừa bán rau. Bây giờ thì cửa hàng rau sạch của họ đã khá bề thế, đủ nguồn từ Đà Lạt, Sapa đến tận Sài Gòn. Khách mua đa số là người nước ngoài, thậm chí họ còn bán rau sạch qua điện thoại cho các khách sạn, nhà hàng lớn. Hỏi cô Sáu vì sao khấm khá lên nhanh vậy, cô cười: “Chồng tôi lái xe ôm đứng ở đầu đường tôi bán rau ở xó chợ. Tôi khấn ông bà ở chợ Âm Phủ cho chúng tôi bán rau, kiếm chút lộc rơi, lộc vãi nuôi con học hành đến nơi đến chốn. Đời tôi gắn với chợ, chỉ mơ con có chữ nghĩa cho đỡ khổ.” Trong tiềm thức của cô Sáu cũng như của rất nhiều người Hà Nội, chợ Âm Phủ luôn mang lại điềm lành.

Chợ phá máy

Có lẽ đây là chợ đồng nát lớn nhất Việt Nam. ở đây người ta mua về xác máy bay, xe tăng, các loại máy thông tin cũ do quân đội thải ra, các loại tàu thủy thanh lý. Một đội quân chuyên nghiệp sẽ tháo gỡ máy, phân loại thành nhôm, đồng sắt, bóng đèn điện tử, dây dẫn, thùng gỗ, giấy gói, cao su… rồi bán theo cân cho các làng nghề. Ví như nhiều lái buôn nhôm ở làng Thanh trì thường tới đây cất hàng về, tái sản xuất ra các mâm, ấm, xoong, chảo… bán ra thị trường.

Chợ đồng nát cũng rất nổi tiếng với những đồ điện thanh lý, những thứ mà chỉ cần khéo sửa là lại “chạy tốt” và các loại phụ tùng cho đồ điện tử cao cấp như tivi, lò vi sóng, máy giặt… Một máy điều hoà của Liên Xô cũ giá chừng 200.000đ, một tấm sưởi dầu chỉ vài chục ngàn, bóng đèn điện tử thì 1500-2000đ/ cái. Nói chung, giá ở đây rẻ gấp 4 đến 5 lần ở Hà Nội, mà chủng loại thì phong phú gấp cả chục lần. Thế nên cũng chẳng ngạc nhiên khi nhiều thợ điện tử cao cấp từ Hà Nội sang đây tìm phụ tùng, nhìêu thương nhân đến chợ mua đồ cũ về “mông má” thành hàng “hai hơi” bán lại cho người nghèo.

Tiếng là đồng nát nhưng luật chợ rất nghiêm. Hàng bán theo cân và nhiều khi trả tiền theo cọc, nhưng không ai đếm thiếu bao giờ. Chợ tên là Quan Độ, thuộc xã Văn Môn, huyện Yê n Phong, tỉnh Bắc Ninh, cách Hà Nội 29km. Đi qua làng gỗ chạm khảm Đồng Kỵ 7km là tới.

Chợ không dùng tiền

Chợ Na Sầm nằm ngay cạnh suối cùng tên ở Lạng Sơn. Đi chợ này, người ta hầu như không dùng tiền mặt, nếu có thì chủ yếu chỉ là tiền lẻ. Đa phần hàng hoá được mua bán bằng cách trao đổi. Các loại hoa quả rừng, măng rừng được đổi lấy rượu và gạo. Một người Mông vui tính chỉ vào cái đài nhỏ của tôi và nói: “Mày có đổi cái máy nói lấy cái giỏ đồng hồ của tao không à?” “Cái giỏ đồng hồ” chính là những con gà trống choai, con nào cũng đang đập cánh gân cổ lên gáy. Tôi chẳng biết làm gì với những chiếc đồng hồ có lông đó nên quyết định đổi cái đài lấy đôi vòng bạc đeo tay.
Ở chợ Na Sầm, xà phòng và muối luôn là hai thứ được người Mông tìm đổi nhiều nhất. Thế nhưng với người Kinh, món độc đáo nhất ở đây là đậu dị – một loại đậu có màu giống nếp cẩm, chuyên dùng để kho với thịt. Điều lạ là người khoẻ ăn đậu dị thì cả ngày chưa hết tiếng khen, nhưng người yếu nhỡ ăn vào thì có khi bị liệt cả người luôn. Ngoài đậu dị, chợ Na Sầm còn bán rất nhiều quế chi và nấm mèo. Nấm mèo nhỏ bằng ngón tay út trẻ con, bán theo gùi. Quế chi thì bán theo bó.

Đường đến chợ Na Sầm không dễ chút nào. Nhiều người Mông muốn đến chợ Na Sầm phải đi từ đêm hôm trước, quãng đường dài 7 – 8 con dao quăng (nghĩa là đi đến khi nào cái tay cầm dao thấy mỏi thì quăng nó một cái rồi đổi tay nhặt lên đi tiếp.) Đến được chợ thì cũng vừa sáng. Nếu đi đường bộ từ Đồng Đăng, bạn sẽ phải transit qua mấy chặng. Nhưng mùa này đường đến chợ rất đẹp, hai bên đường, những dẻo lúa nương chỗ thì chín vàng, chỗ thì xanh mạ mới cấy. Chợ chỉ họp đến trưa là vãn để người đi chợ còn kịp ngược đèo ngược suối về nhà. Nến muốn đến chợ Na Sầm thì bạn đừng ngại dậy sớm đi sương.

Lộc Vừng

 

Facebook
Twitter
LinkedIn