Những cách đơn giản để giảm đau cho trẻ khi tiêm phòng

Các ông bố, bà mẹ đưa con đi tiêm phòng mà cũng không khỏi đau lòng xót dạ. Sau đây sẽ là một số cách giúp bé giảm đau để vượt qua những kỳ tiêm phòng.

1. Bế vào lòng và vỗ về bé

Được ôm ấp vào lòng sẽ khiến bé cảm thấy an tâm hơn. Sự vỗ về và hơi ấm từ bạn sẽ là liều thuốc giảm đau cho bé trong lúc này.

Bé sẽ dễ dàng nhận thấy bạn luôn bên cạnh và là chỗ dựa vững chắc để xoa dịu cơn đau cho bé.

Trẻ sẽ bớt đau hơn khi được vỗ về
Ôm ấp và vỗ về sẽ giúp bé giảm đau (ảnh minh họa)

2. Cho bé bú trong khi tiêm phòng

Những trẻ được bú mẹ trong khi tiêm phòng có xu hướng ít khóc hơn những trẻ khác. Chỉ nên cho bé bú trong và sau khi tiêm như một cách giảm đau. Để bé bú no trước khi tiêm có thể khiến bé bị nôn trớ trong lúc tiêm.

Cho bé bú khi tiêm phòng
Cho bé bú khi tiêm phòng là liều thuốc giảm đau cho bé (ảnh minh họa)

3. Phân tán tư tưởng của bé

Đây là cách mà các bác sĩ cũng hay áp dụng và khá hiệu quả. Phân tán tư tưởng của bé bằng đồ chơi, những câu nói vui hay một trò ảo thuật nào đó.

Các hoạt động khác sẽ làm cho bé không quá chú tâm vào cơn đau khi tiêm.

Áp dụng phương pháp phân tán tư tưởng khi tiêm phòng cho trẻ
Phân tán tư tưởng của bé sẽ giúp bé giảm đau khi tiêm phòng (ảnh minh họa)

4. Xoa dịu chỗ đau của bé

Việc xoa nhẹ lên vùng da xung quanh chỗ đau sẽ khiến bé cảm thấy thư giãn và dễ chịu hơn. Thực hiện động tác xoa nhẹ trong khoảng 10 giây sẽ giúp giảm đau cho bé.

Một số nghiên cứu cho thấy, việc ấn mạnh lên da trước khi tiêm cũng có tác dụng giảm đau khi tiêm.

5. Giữ cho bản thân được bình tĩnh

Hành vi của bố mẹ cũng sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ. Nếu trong lúc bé tiêm phòng, bạn tỏ ra lúng túng và mất bình tĩnh, bé cũng sẽ vì thế mà cảm thấy bất an.

Hãy giữ cho mình được bình tĩnh và khiến bé tin rằng có thể hoàn toàn dựa vào bạn. Như vậy, bé cũng sẽ không vì sự lan truyền của cảm xúc mà trở nên sợ hãi hơn.

Giữ bình tĩnh để bé an tâm
Phụ huynh bình tĩnh thì trẻ nhỏ cũng sẽ bình tĩnh (ảnh minh họa)

6. Cho bé ngậm một ít đường

Theo nghiên cứu, đường có thể làm giảm cảm giác đau nhói. Đường sẽ có tác dụng giảm đau tốt đối với trẻ dưới 6 tháng tuổi.

Nhúng núm vú vào dung dịch nước đường và cho bé ngậm trong khi tiêm. Kết hợp với các biện pháp khác, bạn có thể làm giảm cảm giác đau cho bé yêu của mình.

Facebook
Twitter
LinkedIn