Ép con học chưa phải đã hay
Nhiều bậc cha mẹ cho rằng con học dốt vì chúng lười học, thời gian dành cho việc học vẫn ít và chưa đủ nên ép con học thật nhiều. Có những trẻ phải ngồi vào bàn học từ 9 – 10 giờ đồng hồ/ngày. Việc học làm trẻ cảm thấy chán nản, mỏi mệt và ức chế bởi chúng không còn thời gian cho những hoạt động vui chơi, nô đùa theo đúng sở thích của mình. Điều này dẫn đến tình trạng thiếu sức khoẻ và trẻ không theo được nhịp học trên lớp dẫn đến sự chán nản không muốn học.
Với những trẻ quá hiếu động, ham chơi nên không tập trung học hành cha mẹ thường có tâm lý “ép con vào khuôn mẫu”. Điều này không thể thực hiện ngay lập tức mà cần thời gian, từng bước để trẻ làm theo.
Thái độ của cha mẹ đối với việc học tập của con mình là rất quan trọng. Khi cha mẹ đối xử với con bằng thái độ tiêu cực như giận dữ, quát mắng, chửi thề, mất tự chủ… hoặc áp dụng phương pháp trừng phạt như đòn roi, không cho ăn cơm hay doạ cho ra đường, để đi bụi đời… đặc biệt là với những đứa trẻ ngang bướng là phương pháp hoàn toàn sai lầm.
Hành động của cha mẹ như vậy có thể khiến trẻ có thái độ chống đối và những việc làm tiêu cực khác. Nhiều trường hợp trẻ phải nói dối bố mẹ về chuyện điểm số, hay việc đến lớp học thêm.
Đánh con không giải quyết được vấn đề. Chúng sẽ hiểu rằng người ta có thể giải quyết mâu thuẫn bằng vũ lực. Khi bạn quát bé, bé có thể cũng quát lại bạn. Cảm xúc này ngày một mạnh mẽ và khó kiểm soát hơn khi bé lớn lên. Nếu lỡ làm vậy, cha mẹ nên thành thật xin lỗi trẻ và sửa chữa về sau.
Nói vừa đủ, đừng “nhồi nhét” bắt con phải răm rắp nghe và làm theo những gì mình muốn sẽ mang lại tác dụng hơn với trẻ. Đừng để cảnh tan học, trẻ sợ về nhà vì những lời nói của bố mẹ.
Tránh so sánh con với bạn bè
Con đi học về, kiểm tra vở trên lớp con học thấy toàn những lời phê như “tiếp thu chậm, không chú ý nghe giảng, làm việc riêng trong lớp…” và yêu cầu “gia đình cần kèm cháu nhiều hơn” làm cha/mẹ tức giận vô cùng, vì con mình có mỗi việc học mà không xong. Không giữ được bình tĩnh, luôn miệng phàn nàn và so sánh con với người khác là một trong những lỗi hầu như phụ huynh nào cũng mắc phải.
Đừng bao giờ có những kiểu so sánh như: “Cùng cô Nga dạy tại sao con lại không giỏi bằng bạn ấy?”, “Bố mẹ càng hãnh diện vì thành tích học tập của chị con thì càng thấy xấu hổ mỗi lần đi họp phụ huynh cho con về”, “Ngày trước bằng tuổi con, bố phải giúp bà đi lấy hàng rồi đem lên tận chợ huyện bán. Mỗi ngày đi bộ và về hơn 10km, chẳng còn thời gian học. Giờ con đi học, bố mẹ không bắt con làm gì, con có máy tính, có xe vậy mà vẫn học dốt”…
Những kiểu so sánh “khiêu binh khích tướng” như vậy không những không có tác dụng mà còn làm cho trẻ mặc cảm, tự ti, ghen tị và phá vỡ mối quan hệ của con với người được so sánh. Mỗi đứa trẻ đều có những tính cách, phẩm chất, tài năng nhất định và không trẻ nào giống trẻ nào.
Hãy để con có những khoảng riêng dành cho mình. Quan tâm nhưng đừng quản lý theo kiểu “cấm cung” trẻ. Hãy để trẻ được phát triển tự nhiên, theo những quy luật vốn có và một cuộc sống vui tươi, sống động. Học mà chơi, chơi mà học như vậy mới thật sự cần thiết cho trẻ nhỏ.
Luôn động viên trẻ
Con bị điểm 5 thì cuối tuần không được đi siêu thị cùng mẹ và bữa ấy mẹ không kể chuyện cổ tích con nghe trước khi đi ngủ. Nếu điểm thấp hơn, tối sẽ không được ăn cơm… Lúc nào trẻ cũng chỉ thấy những hình phạt đặt ra với mình nếu không làm theo và làm vừa lòng bố mẹ. Trẻ chỉ nghĩ đến cũng đã sợ, dù không muốn vẫn phải làm vì đấy là bố mẹ yêu cầu.
Nhiều học sinh học dốt, sinh ra tâm lý lười học, sợ học và tìm các trò chơi không lành mạnh. Mong muốn đưa con cái sang một đất nước xa lạ, con sẽ không có cơ hội để giao du với những thành phần xấu gần nhà hay ở trường lớp nên các bậc phụ huynh có con hư đang xem du học như một cứu cánh. Theo nhiều chuyên gia, nếu không thay đổi từ bản chất thì dù có ở môi trường nào, cái xấu cũng không thể thay đổi được. Nhiều cha mẹ đã phải “dở khóc dở cười” sau khi đón con đi du học về.
Đi du học, theo đuổi sự nghiệp học hành trong khi không có lòng đam mê, nhiệt huyết và khả năng của bản thân có thể làm hỏng tương lai của một người “không thầy mà cũng chẳng thợ”. Tâm lý có bằng cấp, bằng càng cao càng có thể “đứng trên” nhiều người khiến nhiều học sinh/sinh viên dù không muốn vẫn phải đi học, vì học cho bố mẹ, dòng họ.
Mỗi người đều có những năng khiếu, sở thích riêng của bản thân. Nếu phát hiện và bồi dưỡng kịp thời thì những tài năng ấy sẽ nở rộ và tỏa sáng. Rất nhiều người nổi tiếng (nghệ sỹ, đầu bếp…) với tài năng vượt trội của mình họ đã đóng góp cho sự phát triển của nhân loại mà không theo con đường đại học.