Nhớ về mùa nước nổi

Đến hẹn lại lên, từ tháng 9 – 11 hàng năm, lũ từ thượng nguồn sông Mekong đổ về miền Tây tạo nên những cánh đồng trắng xóa. Nước lũ tràn về không chỉ mang theo tôm cá mà còn chở nặng nỗi nhớ của người địa phương và du khách khi được trải nghiệm nét sinh hoạt độc đáo, đặc sản riêng có của vùng châu thổ hào sảng.

VÀM NAO – “VỰA CÁ” ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

Người miền Tây có câu: “6 tháng đạp đất đồng khô, nửa năm đi trên mặt nước” để nói về chu kỳ con nước của sông Cửu Long. Theo thời gian, do khí hậu và thủy văn thay đổi nên khái niệm “nửa năm đi trên mặt nước” ngày nay tuy chỉ tượng trưng nhưng vẫn vẹn nguyên sức cuốn hút với người dân lẫn khách thập phương. Đặc biệt là tại một trong những tỉnh đầu nguồn sông Mekong như An Giang – nơi mùa nước nổi rõ nét nhất.

Hãy dành hẳn một ngày để ngao du trên sông Vàm Nao (huyện Phú Tân, An Giang), được mệnh danh là vựa cá bông lau, cá hô quý hiếm của miền Tây. Chiếc xuồng máy lướt băng băng trên mặt sông, đôi bờ là những ngôi nhà sàn nép bên hàng dừa nước thật mát mẻ. Đến đoạn có hàng bông điên điển trổ vàng rực, người lái thuyền đi chậm lại, rồi tấp hẳn vào, tắt máy để mọi người trổ tài thu hoạch. Những chùm điên điển vàng ươm màu nắng, treo lúc lỉu trên cành như mặt trăng tí hon thật đẹp. Vừa hái bông, lữ khách vừa cười đùa rộn rã, thoải mái tận hưởng thiên nhiên trong lành. Dưới mặt nước lung linh, rừng bông súng đồng màu trắng, màu tím thi nhau khoe sắc cũng nhanh chóng được hái đầy xuồng. Những cọng bông súng vừa dài, vừa mập khiến ta mường tượng ngay những món ngon hấp dẫn không thể chối từ của mùa nước nổi.

Những ngư dân thực thụ sẽ bày cho bạn cách giăng lưới, dỡ chà, cất vó, đổ lợp rồi bắt cua, bắt ốc… Mỗi cách có một đặc điểm riêng và thu về những loại thủy sản khác nhau. Vì đây là mùa tôm cá từ thượng nguồn đổ về nhiều không kể xiết nên chẳng mấy chốc, chiếc giỏ tre đã đầy ắp cá linh non, cá rô, cá lóc, cá trê, cá sặc, tép đồng…

Trời trưa đứng bóng, chiếc xuồng máy di chuyển đến nhà dân gần đó để chuẩn bị bữa cơm trưa cho cả đoàn. Những chiến lợi phẩm qua bàn tay khéo léo của cô chủ nhà miệt sông nước nhanh chóng trở thành bữa cơm vô cùng hấp dẫn. Ấn tượng nhất món lẩu mắm thơm nức mũi nấu với cá rô đồng, cá linh tươi rói, nhúng bông súng, bông điên điển và các loại rau đồng tươi, sạch mới hái trong vườn. Rồi đến cá linh kho tiêu, cá rô chiên xù, cá lóc nướng trui hay món chuột đồng rô ti, gỏi tép bông súng đồng … tuy dân dã nhưng mỗi lần nhớ đến lại thấy cồn cào bao tử.

XANH BIẾC RỪNG TRÀM TRÀ SƯ

Thuộc huyện Tịnh Biên (An Giang), Trà Sư lại mang đến cảm giác khoan khoái, dễ chịu khi được hòa mình giữa thiên nhiên xanh biếc mùa nước nổi. Dưới bóng mát của rừng tràm, chiếc xuồng lướt nhẹ trên thảm bèo xanh ngút ngàn giữa không gian hoang sơ và trong lành hiếm thấy.

Thoang thoảng trong gió là hương thơm dịu nhẹ của bông tràm, mùi tinh dầu từ lá tràm thật sảng khoái. Những loài chim quý đậu san sát trên tán tràm cổ thụ như: chích cồ, cò ma, dòng dọc hay giang sen, điêng điểng có trong sách đỏ Việt Nam chẳng mảy may quan tâm đến vị khách lạ. Chúng vẫn ung dung mớm mồi cho chim non, rỉa cánh, chuyền cành rồi đập cánh vang động một góc rừng.

Lúc chiều buông, đừng quên lên vọng gác giữa rừng để ngắm toàn cảnh khu rừng tràm trải rộng giữa đồng nước mênh mông. Dưới ánh hoàng hôn đỏ rực, từng đàn chim lao xao kéo nhau về tổ mang nhiều cảm xúc trong lòng lữ khách. Xa xa là ngọn Thất Sơn hùng vĩ, những cánh đồng thốt nốt cổ thụ thẳng tắp cứ trải dài trước mắt.

Chuyến đi kết thúc, trong hành trang mang về của bạn của chúng tôi không chỉ có những đặc sản nổi tiếng: dưa bông điên điển, mắm cá linh, mắm cá lóc, đường thốt nốt… mà còn có cả những bức ảnh đẹp và dư âm về một vùng đất trù phú. Làm sao quên những buổi đi xuồng trên cánh đồng bao la cùng hái bông điên điển và bắt cá đồng. Làm sao quên bữa cơm ấm tình người, nhấp ly rượu nếp thơm nồng, gắp con cá linh non béo ngậy trong tiếng xàng xê vọng cổ. Miền Tây mùa nước nổi, nơi đầy ắp những nỗi nhớ niềm thương sẽ tràn đầy trong ký ức của mỗi người, luôn đón đợi bước chân trở lại của bạn, không chỉ một lần.

Facebook
Twitter
LinkedIn