Mình bé ăn, cả nhà cùng… hiến kế
Đã thành thông lệ, hàng ngày cứ đến 6 giờ chiều là cả nhà tôi, không hẹn mà tất thảy đều như một, vội vã trở về quây quanh đĩa bột của bé Bi. Một người đút còn những người khác thì có nhiệm vụ… bày trò để bé há miệng. Hôm thì bố cầm cái vợt muỗi chạy lung tung săm soi khắp các ngõ ngách trong nhà để phát ra tiếng kêu tách tách. Chớp cơ hội lúc bé há miệng cười là mẹ đút ngay một miếng. Hôm thì bố thổi kèn tò tí te, mẹ giấm giúi thìa bột sau lưng thừa cơ nhét ngay vô miệng bé khi có thể.
Trong lúc đó, bà một mực kề bên để giữ đầu cháu sao cho khỏi va vào thành ghế. Còn căn phòng khách giờ bé ăn thì khỏi phải bàn, ngập ngụa trong các loại đồ chơi, nồi niêu, xong chảo hay bất cứ thứ gì có thể tạo ra tiếng kêu sôi động. Vậy nên bao giờ xong bữa ăn của Bi, cả nhà cũng mệt rã rời. Vậy nhưng, hôm nào bé ăn hết bát bột còn mừng, còn có hôm cả nhà ra tay nhưng bột vẫn còn nguyên đằng bột.
Mỗi lần nghĩ đến chuyện cả nhà tập kết lại để dụ Bi ăn, thấy sao mình nuôi con vất vả. Nhưng rồi nếu nhìn đi nhìn lại sang các nhà khác ngay trong con ngõ Vạn Kiếp (Hoàn Kiếm, Hà Nội) này, thì đôi lúc tôi lại thấy mình vẫn còn may. Vì dẫu vòi vĩnh đến mấy Bi vẫn chỉ quẩn quanh trong nhà. Chứ còn như Bé Lâm, 4 tuổi, nhà bên cạnh thì chỉ chịu ăn trong trạng thái chuyển động. Vậy nên hôm nào cứ đến giờ ăn của con là bố bé cũng mang xe ra nổ sẵn. Và sau mỗi muỗng cơm mẹ hoặc bà đút là bố con lại lượn một vòng quanh ngõ. Xong bữa ăn nào của con đảm bảo cũng đi tiêu cả gần lít xăng. Nếu không muốn vậy thì chỉ còn cách, hai mẹ con leo lên xích lô đi lòng vòng, mất chừng chục nghìn thì may chăng mới hết một bát cơm.
Bé biếng ăn, chuyện không của riêng nhà nào
Ngày nay, dường như chuyện bé biếng ăn không còn là chuyện của riêng nhà nào. Cứ chỉ cần nhìn vào cảnh người lớn vất vả bày trò để dụ trẻ ăn ở các sân chung cư hay vườn hoa mỗi chiều thôi là đủ thấy. Có nhà mang theo cả bịch bóng bay, bố phùng miệng lên thổi rồi đập bộp thật to. Bé toét miệng cười, nuốt luôn miếng cháo. Có nhà, ông vừa đẩy xe, tay vừa lăm lăm thìa cơm, bà cầm gậy dài treo toòng teng cái áo làm cờ đi đằng trước vừa đi vừa nghêu ngao hát. Rồi thì bà tuổi thất thập cổ lai hy đeo bờm xanh đỏ lên trông cho khác người. Cô giúp việc tay ôm đàn, tay gõ trống còn miệng bù lu bù loa như thể đang lên đồng… hòng bé há miệng cười mà thừa cơ đút cháo.
Theo nghiên cứu của Viện Dinh Dưỡng Quốc Gia Việt Nam, từ năm 2004 đến nay, tỷ lệ bà mẹ mang con đến viện khám vì lý do biếng ăn đang ở mức rất cao (45,9-57,7%). Đứng trước thực trạng bé biếng ăn, cha mẹ lo lắng là điều dễ hiểu.
Tuy nhiên, dù trẻ biếng ăn vì lý do gì đi chăng nữa, để loại bỏ tận gốc tình trạng này, nhất thiết cha mẹ cũng cần đến sự hiểu biết cùng các phương pháp điều trị khoa học.
Một số nguyên nhân gây biếng ăn ở trẻ
1. Biếng ăn do tâm lý: Đây là nguyên nhân thường gặp nhất. Trẻ biếng ăn khi có cảm giác bị ép buộc, bỏ rơi, bị gò bó hoặc bị đánh lừa.
2. Biếng ăn do sai lầm trong chế biến thức ăn và thời gian chuyển tiếp chế độ ăn. Cho trẻ ăn hết ngày này qua ngày nọ cùng một món khiến bé có cảm giác ngán là một lý do. Không cho trẻ ăn chất xơ, lâu ngày dẫn đến tình trạng thiếu các chất dinh dưỡng. Thời gian chuyển tiếp chế độ ăn không phù hợp cũng là lý do đáng kể khác.
3. Biếng ăn do bệnh lý: Nhiều trẻ biếng ăn khi suy dinh dưỡng, nhiễm ký sinh trùng; nhiễm trùng (viêm mũi, viêm họng, viêm amiđan…), bệnh lý răng miệng, khuẩn đường ruột và virus.
4. Biếng ăn sinh lý: Trẻ vẫn khỏe mạnh nhưng tự nhiên ăn ít đi trong vài ngày đến vài tuần. Các thời điểm này thường trùng với lúc bé biết lẫy, ngồi, đứng, đi… Sau đó, trẻ trở lại ăn uống bình thường.
5. Biếng ăn do thuốc: Do dùng quá nhiều vitamin, kháng sinh hoặc “thuốc kích thích ăn’’.
6. Biếng ăn “của cha mẹ”: Do cha mẹ quá lo lắng về sự tăng trưởng của con. Khi thấy con ăn ít hơn các trẻ cùng lứa tuổi, nhiều người nghĩ rằng con biếng ăn mặc dù trẻ vẫn tăng cân và tăng chiều cao tốt.
7. Biếng ăn bẩm sinh: Có khoảng dưới 5% trẻ sinh ra chỉ ngủ, chơi mà không bao giờ đòi bú.
Ngoài ra, trẻ còn có thể bị biếng ăn như sau khi tiêm phòng hoặc sau chấn thương.