Cho bé uống đủ nước
Đủ nước giúp làn da bé khỏe mạnh từ bên trong. Những bé chưa vào tuổi ăn dặm có thể lấy nước từ sữa mẹ hoặc bé dùng sữa công thức, có thể bổ sung thêm chút nước lọc. Khi bé lớn hơn, nước lọc hoặc nước quả là đồ uống hợp lý hàng ngày.
Kem dưỡng da
Nên thoa kem dưỡng da không gây dị ứng lên toàn bộ cơ thể bé sau khi bé tắm (khi da còn ẩm). Với những bé có làn da khô, bé cần được bôi kem giữ ẩm 2 lần mỗi ngày.
Cách ‘thông minh’ để mua sắm kem dưỡng da cho con: Kem dưỡng da dành cho bé dạng sữa đi kèm một loạt các thành phần. Hãy tìm mua loại kem có các nguyên liệu tự nhiên (không hóa chất) để an toàn cho da cũng như các cơ quan trên cơ thể. Một số loại kem cho bé đi kèm với hương thơm nhẹ nhàng như hoa oải hương, vani hoặc cam. Thành phần sữa và mật ong là tốt nhất cho làn da khô.
Hãy chắc chắn kem dưỡng da chọn cho bé không đính kèm các chất phụ gia. Các loại kem dành cho bé thường khác nhau về thành phần. Một số được hấp thụ dễ dàng hơn những loại kem khác. Hãy tìm công thức không gây nhờn và cố gắng mua những mẫu kem dưỡng da nhỏ để thử nghiệm trên da của bé trước khi gắn bó với một thương hiệu. Mỗi bé có phản ứng khác nhau với một loại kem dưỡng da; vì thế, mỗi bé cũng phù hợp với một nhãn hiệu kem dưỡng da khác nhau.
‘Cạm bẫy’ thường gặp: Cảnh giác với những mùi hương mạnh khi mua kem dưỡng da cho bé. Có khi, kem dưỡng da dành cho bé không tốt như lời quảng cáo. Mẹ không cần phải chi rất nhiều tiền để chọn loại kem dưỡng da “hảo hạng” cho con. Tốt nhất là đừng để bị rơi vào “bẫy” tiếp thị. Hãy kiểm tra trên nhãn xem loại kem bôi da đó có nước hoa hay paraben – hai chất không tốt cho làn da của bé không nhưng cũng đừng để bao bì đánh lừa mẹ. Đôi khi, một loại kem dưỡng da cho bé có chất hữu cơ (organic) nhưng vẫn được thêm vào các thành phần không cần thiết.
Các thành phần trong kem dưỡng da của bé cần tinh khiết và không chứa cồn (pure and alcohol-free). Tránh dùng kem dưỡng da cho bé sơ sinh vì làn da của bé vẫn còn đang trong giai đoạn hoàn thiện, vì thế, tốt nhất là chỉ cần lau sạch da bé với nước ấm và bông y tế hay khăn cotton.
Tạo độ ẩm khi trời hanh khô
Chạy máy tạo độ ẩm trong phòng của bé vào ban đêm giúp nâng cao độ ẩm trong không khí. Điều này đặc biệt cần trong thời tiết hanh của mùa đông và nắng nóng mùa hè, phải chạy máy điều hòa không khí trong phòng.
Tránh các chất kích thích
Chất kích thích như muối, clo từ hồ bơi hoặc nước biển khiến da bị khô thêm. Tốt nhất là tráng người cho bé sau khi tiếp xúc với nguồn nước này. Ngoài ra, các chất kích thích cần tránh khác bao gồm chất tẩy quần áo, nước hoa, tiếp xúc với trời nắng hoặc lạnh trên da trần.
Lưu ý dùng sữa tắm, dầu gội
Sử dụng sữa tắm cho bé, dù là loại dịu nhẹ cũng nên dùng càng ít càng tốt. Sữa tắm có thể làm khô làn da mỏng manh của bé. Hơn nữa, bé chưa bẩn hoặc có mùi hôi trên cơ thể mà cần đến sữa tắm tạo mùi thơm như của người lớn.
Lưu ý với dầu gội đầu: Tóc của bé dù thưa hay dày cũng chưa thể dính bẩn. Vì thế, nước ấm là đủ để gội đầu cho con thật sạch. Nếu mẹ muốn dùng dầu gội cho bé, chỉ nên dùng loại dầu gội dịu nhẹ. Có thể dùng lược chải tóc cho con, nếu bé bị “cứt trâu”.
Tinh dầu thơm dành cho bé: Nếu thích, mẹ có thể nhỏ vài giọt tinh dầu thơm vào nước tắm của bé. Nhớ là không được dùng nhiều vì bé có thể bị trơn. Nên thử sử dụng tinh dầu hữu cơ dành cho bé (organic baby oil). Loại này có mùi nhẹ và chứa nhiều thành phần hữu cơ tự nhiên.
Tránh mỹ phẩm dạng bột (bụi)
Mỹ phẩm dạng bột (như phấn rôm) có thể kích thích phổi khi bé hít phải. Cách chăm sóc da bé tốt nhất là tránh bôi lên da nhiều mỹ phẩm, hóa chất khác nhau bởi điều đó là hoàn toàn không cần thiết.
Sữa mẹ giúp ngừa da khô
Sữa mẹ là chất dưỡng da đáng kinh ngạc dành cho bé. Trong tháng đầu tiên, có vài thời điểm, mẹ nhận thấy con như bắt đầu đổi da. Dấu hiệu đặc trưng là da bé như khô đi và bong tróc nhiều. Mẹ có thể nhỏ vài giọt sữa mẹ vào vùng da khô của bé rồi massage. Cuối cùng, mẹ hãy lau rửa cho bé bằng nước ấm sạch.
Massage cũng giúp ngừa khô da
Massage đúng cách và thường xuyên giúp bé có làn da khỏe mạnh và mịn màng.