Tay, chân, miệng là bệnh khá phổ biến ở trẻ em. Bệnh dễ lây lan và có thể để lại biến chứng nguy hiểm nếu không chữa trị kịp thời.
Một số câu hỏi thông thường về bệnh tay chân miệng ở trẻ em
Bệnh tay chân miệng thường xuất hiện ở trẻ em bao nhiêu tuổi?
Bộ Y tế khẳng định bệnh gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp nhất ở trẻ dưới 5 tuổi. Đặc biệt tập trung ở nhóm dưới 3 tuổi và nhũ nhi.
Có phải bệnh tay chân miệng bùng phát theo mùa?
Mọi người vẫn có thể mắc bệnh vào bất kỳ thời gian nào quanh năm nhưng tập trung vào giai đoạn từ tháng 2 đến tháng 5 và từ tháng 9 đến tháng 12.
Bệnh tay, chân, miệng lây truyền như thế nào?
Bệnh gây nên do vi khuẩn đường ruột của họ Picornaviridae. Người lành lặn bị nhiễm bệnh chủ yếu do hít hoặc nuốt phải những giọt nhỏ chất tiết đường tiêu hóa của người bệnh. Người bệnh phát tán vi rút này qua việc ho hoặc hắt hơi.
Vi rút cũng có thể lây lan khi tiếp xúc trực tiếp với dịch của mụn nước, bọng nước hoặc phân của bệnh nhân.
Như vậy, nguyên nhân gây bệnh ở trẻ em là do chúng vô tình tiếp xúc với nguồn bệnh.
Triệu chứng của bệnh tay, chân, miệng là gì?
Biểu hiện sớm: Mệt mỏi sốt nhẹ, đau họng, sổ mũi diễn ra trong vài ngày
Giai đoạn toàn phát:
Xuất hiện mụn nước trong miệng, má, lợi, mặt bên của lưỡi. Các mụn nước có kích thước từ 2-3 mm nằm trên một nền niêm mạc đỏ.
Các mụn nước trong miệng vỡ nhanh gây đau rát. Trẻ sẽ quấy khóc, bỏ cữ ăn. Mụn nước tiếp tục xuất hiện ở bàn chân, kể cả mông.
Các nốt mụn nước sẽ xẹp và tự mất đi trong 7-10 ngày kể cả khi không được điều trị. Một số trẻ có kèm nôn ói, tiêu chảy ngay khi nổi bóng nước hay khi bóng nước đã xẹp.
Tuy nhiên, trong thời gian ủ và phát bệnh, vi rút đã có thể lây lan sang đối tượng khác.
[lo_irp post=’100858′]
Khoảng thời gian người bệnh có thể phát tán vi rút là khi nào?
Virus khi vào cơ thể người ủ bệnh ở họng và phân trong 3- 6 ngày trước khi có triệu chứng bệnh. Thời kỳ lây nhiễm cao nhất là trong tuần lễ đầu tiên. Virus có thể tìm thấy trong nước bọt, đàm tiết trong 3 – 4 tuần và trong phân của người bệnh trong 6 – 8 tuần.
Hiện nay trên thế giới chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng chưa có loại vắc xin nào phòng ngừa loại virus này.
Biến chứng của bệnh tay chân miệng là gì?
Bệnh có thể tự khỏi và bệnh nhân sẽ được miễn dịch với loại vi rút đó. Tuy nhiên, không loại trừ khả năng xuất hiện những biến chứng nguy hiểm. Lại càng nguy hiểm hơn khi biến chứng này xuất hiện trên trẻ em và trẻ sơ sinh.
Biến chứng của bệnh tay chân miệng là viêm não, màng não, viêm cơ tim, viêm phổi.
Trẻ có biến chứng não thường có những triệu chứng khó nhận biết như:
- Khó ngủ, quấy khóc liên tục, giật mình lúc thức hay lúc bắt đầu thiu thiu ngủ.
- Trẻ có thể biểu hiện hoảng hốt, nói lảm nhảm, chới với, run tay chân, co giật.
- Sốt rất cao, nôn ói nhiều, da nổi bông.
- Mạch nhanh nhưng không sốt cao, yếu tay chân, méo miệng.
Khi trẻ có biến chứng nếu không điều trị đúng và kịp thời trẻ có thể tử vong trong vài giờ.
Phòng ngừa bệnh tay chân miệng như thế nào?
Dùng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa, thường xuyên lau bề mặt của các vật tiếp xúc hàng ngày như :
- Đồ chơi, dụng cụ học tập
- Tay nắm cửa, tay vịn cầu thang
- Mặt bàn, ghế, sàn nhà..
Rửa tay sạch cho trẻ trước và sau khi đi vệ sinh. Không để trẻ dùng chung khăn ăn hay sử dụng các đồ vật chưa được khử khuẩn.
Không móm cơm cho trẻ, không cho trẻ ăn bốc. Các loại quần áo của trẻ lành không nên để giặt chung với quần áo của trẻ bị bệnh.
Nên cho trẻ đi ngoài vào bô, chậu có chất diệt khuẩn. Luôn lau chùi nhà vệ sinh bằng chất sát khuẩn.