Mọi đứa trẻ đều tài năng

Mọi đứa trẻ đều tài năng

Đó là phát biểu của Ken Robinson, chuyên gia sáng tạo người Anh khi ông nói về khả năng sáng tạo đặc biệt của trẻ em. Tuy nhiên, ông cũng lại nhấn mạnh rằng: Chính người lớn chúng ta đã phung phí điều đó một cách không thương tiếc.

Quan điểm của Ken Robinson là ngày nay tính sáng tạo trong giáo dục cũng quan trọng như khả năng biết đọc, biết viết. Ta cần quan tâm tới chúng ở mức độ ngang nhau. Ông kể câu chuyện thú vị về một cô bé trong giờ học hội họa. Cô bé 6 tuổi và ngồi ở cuối lớp, hí hoáy vẽ. Giáo viên của bé nói rằng em hiếm khi chịu tập trung chú ý, nhưng trong giờ học hôm nay thì lại khác hẳn.

Thấy tò mò, cô đã đến hỏi: “Em vẽ gì thế?”. “Em đang vẽ chúa trời ạ”. Cô giáo thắc mắc: “Nhưng không ai biết chúa trời trông như thế nào cả”. Và bé đã thản nhiên “Họ sẽ biết trong một phút nữa thôi ạ”.

Ken Robinson lý luận: Câu chuyện này cho thấy trẻ con sẽ luôn làm điều chúng nghĩ. Nếu không biết, chúng vẫn cứ làm mà không sợ sai. Tôi không có ý nói rằng sai đồng nghĩa với sáng tạo. Nhưng điều mà chúng ta biết đó là, nếu không sẵn sàng mắc lỗi, bạn sẽ không bao giờ có thể sáng tạo ra cái gì đó lần đầu tiên.

Và đến khi trở thành người lớn, phần lớn lũ trẻ mất đi khả năng đó. Chúng trở nên sợ bị mắc lỗi. Picasso đã từng nói rằng tất cả mọi đứa trẻ khi sinh ra đều là nghệ sĩ. Nhưng làm thế nào để vẫn là một nghệ sĩ khi ta trưởng thành mới là vấn đề.

Hiện nay, tất cả mọi hệ thống giáo dục trên trái đất đều có chung một thứ tự ưu tiên các môn học. Các môn đầu bảng sẽ là toán và ngôn ngữ, sau đó là khoa học nhân văn, và cuối cùng là các môn nghệ thuật.

Hệ thống giáo dục hiện nay dựa trên quan niệm về khả năng học thuật. Đừng theo âm nhạc, con sẽ không trở thành nhạc sĩ đâu. Đừng vẽ gì cả, bởi rốt cuộc con cũng sẽ chẳng là một họa sĩ. Những lời khuyên ấy đã tạo nên những sai lầm nghiêm trọng.

Làm sao để phát hiện?

Câu chuyện về Gillian Lynne, nghệ sĩ múa nổi tiếng người Anh được phát hiện tài năng ra sao khiến nhiều người ngỡ ngàng. Vào những năm 30, khi còn học ở trường, cô thấy vô cùng tuyệt vọng. Trường đã gửi thư cho bố mẹ cô phàn nàn: “Chúng tôi nghĩ Gillian bị rối loạn trong chuyện học hành”. Gillian không thể tập trung và luôn bồn chồn, đứng ngồi không yên. Triệu chứng bây giờ gọi là rối loạn tăng động giảm chú ý.

Cô được mẹ dẫn đi gặp bác sĩ chuyên khoa. Gillian đã nhấp nhổm suốt 20 phút trong khi bác sĩ nói chuyện với mẹ cô. Cuối cùng, bác sĩ tới ngồi cạnh Gillian và nói: “Gillian, ta đã nghe mọi chuyện mà mẹ cháu kể, và ta cần nói chuyện riêng với bà ấy. Cháu hãy đợi ở đây, chúng ta sẽ quay lại”. Trước khi rời khỏi phòng, ông bật chiếc đài đặt trên bàn rồi để cô bé ở lại một mình. Khi đã ra ngoài, bác sĩ nói với mẹ cô “Hãy đứng và xem con bé”. Và Gillian kể rằng: Giây phút họ rời khỏi phòng, cô ấy đứng dậy, di chuyển theo nhạc. Hai người theo dõi vài phút, rồi bác sĩ quay sang mẹ cô và nói “Bà Lynne, Gillian không bị bệnh, cô bé là một nghệ sĩ múa. Hãy để bé học trường múa”.

Mẹ cô đã làm theo lời bác sĩ. Sau đó, cô đã đạt được những thành tích tuyệt vời. Cô chịu trách nhiệm sản xuất những vở nhạc kịch thành công nhất trong lịch sử, đem lại niềm vui cho hàng triệu người và cô còn là một triệu phú.

Ở Việt Nam, quan niệm giáo dục truyền thống thường nặng về học thuật. Và lí do này khiến cho nhiều tài năng suýt bị bỏ quên. Giành vị trí quán quân của VietNam Idol 2010 đầy thuyết phục, Uyên Linh đã từng làm cả giới chuyên môn lẫn công chúng xuýt xoa, mãn nguyện vì đã tìm được một thần tượng âm nhạc xứng đáng. Thế nhưng bản thân Uyên Linh và gia đình lại có phần ngỡ ngàng. Bởi trước đó, họ chưa ý thức được nhiều về năng khiếu này của Linh và càng chưa bao giờ có ý định nuôi dưỡng, phát triển nó.

Uyên Linh kể, ngay từ nhỏ, cô đã rất mê nhạc, Khi ấy, có thể nghe và thuộc hàng trăm ca khúc. Tuy nhiên, “thích nghe vậy thôi, chứ nào có dám đi hát”, Linh chia sẻ. Hơn nữa, mẹ Linh là giáo viên, nên bà chỉ đôn đốc con gái chú trọng tới việc học các môn văn hóa hơn là mấy chuyện hát hò. Thế nên, bản thân Linh và gia đình không hề nhận ra là cô có năng khiếu về âm nhạc.

Hay như câu chuyện về chàng cầu thủ trẻ Nguyễn Công Phượng ở Nghệ An đã vinh dự trở thành một trong ba chân sút của Việt Nam lần đầu tiên được mời sang thử việc tại đội bóng Arsenal. Đó là giấc mơ quá lớn đối với một gia đình nghèo khó. Tuy nhiên, điều đáng nể phục là bố mẹ Phượng đã biết ủng hộ niềm đam mê của con mình. Thậm chí có lúc họ còn bán hai con lợn là tài sản lớn nhất trong nhà để làm lộ phí cho con theo đuổi giấc mơ.

Hiện nay, nhiều ông bố bà mẹ trẻ cũng đã quan tâm hơn đến việc cho con theo học năng khiếu, kỹ năng. Chị Nguyễn Khánh Loan (Linh Đàm, Hà Nội) có con gái 4 tuổi đang học múa. Chị tâm sự: “Thấy con thích tạo dáng, hay điệu đà, tôi cho con học múa. Tôi không tham vọng con sẽ trở thành nghệ sĩ múa hay gì cả, bởi điều đó tùy vào con. Nhưng ít ra tôi có thể cho con thực hiện niềm đam mê của mình”.

Cũng có một công chúa, chị Thùy Trang (Nhà Bè, TP.HCM) tâm sự: “Tôi cho bé Misa đi học múa từ 2 tuổi. Dù nhà xa, đi lại vất vả, nhưng tôi muốn con được phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn tâm hồn. Tuy nhiên hình như càng lớn, Misa càng không thích học múa, mà chỉ thích nhảy tưng tưng thôi. Bởi vậy tôi đăng ký lớp học Aerobic cho bé. Tôi sẽ để bé phát triển tự nhiên và học những gì bé thích”

Không khó để nhận thấy, ở những thành phố lớn, các trung tâm, lớp học về năng khiếu, nghệ thuật cho các bé ngày càng nở rộ. Những cuộc thi truyền hình có quy mô rộng lớn như: Giọng hát Việt nhí, Đồ rê mí, Vietnam’s got talent… cũng có sự xuất hiện đông đảo của những tài năng nhí. Dường như trẻ con thời hiện đại ngày càng được bố mẹ chú trọng phát triển toàn diện, đa năng hơn

Facebook
Twitter
LinkedIn