Gần gũi bên con
Những biểu hiện lạ của con như ít nói, khép kín, không còn chia sẻ gần gũi với mẹ như còn nhỏ khiến bạn lo lắng và bắt đầu ngầm quan sát con. “Tôi thấy con tuy gần mà xa quá, dù vẫn thủ thỉ trò chuyện với con nhưng hình như bé vẫn muốn thoát khỏi vòng tay của tôi”, một người mẹ có con gái 14 tuổi bộc bạch tâm sự. Chị cho rằng, với đà này, trước sau khi con mình cũng sẽ “vỗ cánh bay mất”, và điều này khiến chị mất ăn mất ngủ. Thật ra, không phải đứa trẻ nào ở tuổi dậy thì cũng khó hiểu. Con vẫn rất cần bạn bên cạnh để chia sẻ những mối quan hệ ở trường lớp, bạn bè…. Vì thế, dù bận rộn đến đâu, bạn vẫn cố gắng dành thời gian để gặp gỡ, hỏi thăm và trò chuyện với con. Qua đó, những đồng cảm và định hướng từ bạn sẽ giúp con có hướng mở giải quyết tốt đẹp hơn.
Săn sóc nho nhỏ
Nếu ngày xưa, bạn thích vuốt yêu đôi má bầu bĩnh của con, thì thầm vào tai bé những lời ngọt ngào yêu thương, mua kẹp tóc, băng đô và tết tóc duyên dáng cho cô gái bé bỏng thì vì sao ngày nay bạn lại không tiếp tục hành trình yêu thương đó? Những săn sóc nhỏ của mẹ hẳn sẽ làm cô bé “trưởng thành” cảm động và tin tưởng mẹ. Dù có tâm lý thoát ra khỏi vỏ bọc săn sóc của đấng sinh thành, nhưng trẻ sẽ không bao giờ xem thường hay bỏ qua những yêu thương của bạn. Nếu được, khi chuyện trò, bạn hãy nắm lấy tay bé đặt vào tay mình, hoặc vuốt khẽ tóc con, đó là những cử chỉ nhẹ nhàng mà bất cứ cô bé nào cũng mong muốn đón nhận rõ ràng.
Lắng nghe
Dù có vẻ khó khăn vì mất thời gian, đôi khi việc lắng nghe những tâm tư mây trời của con thực sự thử thách lòng kiên nhẫn của bạn. Nhưng lắng nghe luôn là bí quyết vàng tháo gỡ mọi vấn đề nan giải của câu chuyện. Trẻ rất thích bạn lắng nghe với thái độ nhiệt tình và thực sự buồn chán thất vọng nếu bạn hời hợt, không nhìn vào mắt trẻ, không “ừ hử” gật đầu, không mỉm cười cảm thông khi nghe trẻ nói. Hãy đặt mình vào hoàn cảnh của con, tìm cách giải quyết vấn đề thay vì chỉ trích, quở mắng. Đừng bỏ qua cảm xúc lo lắng nhất thời của trẻ, vì nếu không tháo gỡ triệt để rất có thể nó sẽ tiếp tục bùng nổ lần sau với con.
Người bạn lớn sâu lắng
Nói nhiều, hay ca thán, kết luận “chụp mũ” vội vàng… là những điểm ở mẹ khiến trẻ muốn “bỏ chạy”. Vì vậy hãy lắng nghe và từ từ giải thích hơn là chiếm lấy diễn đàn của con. Xử lý tinh tế của bạn sẽ giúp mẹ hiểu những gì đang xảy ra với con gái và đặc biệt trẻ thấy mình được tôn trọng trong mắt người lớn. Sự tự tin ở con là điều kiện lý tưởng để trẻ không hoảng sợ khi đối mặt với khó khăn.
Nghiêm khắc cần không?
Dĩ nhiên hành trình nuôi dạy con cái rất cần sự nghiêm khắc ở các bậc làm cha mẹ. Sự nghiêm khắc sẽ giúp trẻ rèn lại trật tự kỷ cương và những thói quen xấu khó bỏ. Tuy nhiên bạn cần tránh xa sự nghiêm khắc máy móc, sách vở. Tùy từng tình huống khi bạn xử lý, nếu trẻ vẫn phản kháng, ấm ức trước quyết định của bạn, hãy ngồi lại với “cô bạn nhỏ” để tìm ra tiếng nói chung tốt nhất.