Mỗi giai đoạn của thai kỳ, con của bạn sẽ có những nhu cầu dinh dưỡng khác nhau. Để con được phát triển một cách toàn diện nhất, mẹ nên chú ý bổ sung dưỡng chất thích hợp theo nhu cầu từng thời kỳ của bé.
Dinh dưỡng cho thai nhi tuần 1 – 4
Trong những ngày đầu, các tế bào lớp trong của phôi sẽ phát triển thành cơ thể bé. Các lớp tế bào bên ngoài sẽ phát triển thành nhau thai.
Nhau thai được xem như đường truyền dinh dưỡng giữa bạn và em bé. Sự phát triển của nhau thai có liên quan trực tiếp với thức ăn của mẹ. Các phụ nữ có dinh dưỡng tốt sẽ xây dựng được một nhau thai khoẻ mạnh hơn.
Lúc này, bạn nên sử dụng thức ăn tươi và kiêng thực phẩm đóng hộp. Ngoài ra, đây là thời gian để bỏ tất cả các chất có hại như rượu, thuốc lá và càphê, cũng như những độc tố có thể đi qua nhau thai.
Axit folic là chất cần thiết trong thời kỳ này. Lý tưởng nhất là được bổ sung từ sáu tuần trước khi bạn thụ thai. Rất nhiều sự phân chia tế bào trong phôi thai diễn ra trong 28 ngày đầu của thai kỳ.

Lúc này ống thần kinh của bé cũng đang phát triển. Axit folic sẽ làm giảm nguy cơ nứt đốt sống, dị tật bẩm sinh, sẩy thai và sinh thiếu cân.
Hãy ăn các loại thực phẩm dồi dào axit folic bao gồm: bánh mì, ngũ cốc, súp lơ xanh, rau bina, măng tây, đậu lăng, đậu đen, các loại hạt (như vừng, đậu phộng), thịt gà, vịt, thịt bò, gan, cam (hoặc bưởi)…
Bên cạnh đó, bạn vẫn cần bổ sung ít nhất 400 mcg mỗi ngày bằng thuốc viên trong suốt thời kỳ mang thai. Axit folic rất khó có đủ trong thức ăn tự nhiên.
[lo_irp post=’397′]
Dinh dưỡng cho thai nhi tuần 5 – 12
Trong tháng thứ hai, bạn có thể bắt đầu cảm thấy buồn nôn, nghén hoặc thèm những loại thức ăn nhất định. Hãy tin tưởng bản năng của mình, bạn chỉ thèm những gì em bé của mình đang cần
Nếu bạn thèm thịt bò, có thể bé cần chất sắt. Thèm sữa nghĩa là bé cần canxi. Bạn có thể làm giảm bớt những ảnh hưởng của ốm nghén bằng cách tăng cường kẽm và vitamin B6. Hãy nhấm nháp trà gừng và ăn lai rai các loại hạt.
Không có gì đáng ngạc nhiên khi bạn thường xuyên thấy kiệt sức trong thời gian này. Để giảm bớt cảm giác mệt mỏi, hãy chuyển thực đơn sang bánh mì nguyên cám, và gạo nguyên cám.
Thực phẩm nguyên cám có hàm lượng chất xơ cao và vẫn còn nguyên vitamin B. Chúng sẽ giúp cân bằng lượng đường trong máu.

Tránh các loại thực phẩm ngọt và thức uống có caffeine. Nên ăn vào mỗi bốn tiếng đồng hồ. Uống nhiều chất lỏng, nước rau quả ép. Ngủ đủ giấc và nghỉ ngơi buổi trưa để giúp cơ thể lấy lại năng lượng cần thiết.
Dinh dưỡng cho thai nhi tuần 13 – 16
Bé lớn lên rất nhanh chóng trong 3 tháng tiếp theo. Bạn phải ăn thêm khoảng 300 calo mỗi ngày để hỗ trợ cho bé.
300 calo = 1 quả táo + 1 mẫu bánh mì nguyên cám + 1 ly sữa.
Thời kỳ này, một số bà mẹ có thể tăng trung bình 0,5 kg/ tuần. Những kích thích tố làm chậm sự chuyển động của thức ăn trong ruột để có thể hấp thụ nhiều chất dinh dưỡng hơn. Các mẹ có thể bị táo bón bất cứ lúc nào trong thai kỳ.
Em bé phát triển nhanh trong giai đoạn này sẽ đầu gây áp lực lên ruột của bạn. Vì vậy bạn cần:
- Ăn nhiều loại thực phẩm có chất xơ.
- Uống ít nhất tám ly nước mỗi ngày,
- Tập thể dục nhẹ nhàng như bơi lội hoặc đi bộ
- Tránh caffeine vì nó khử nước trong cơ thể.
- Nếu tình trạng táo bón không cải thiện, hãy ngâm một thìa hạt lanh trong nước, để qua đêm và uống nước đó mỗi sáng cho đến khi các triệu chứng trôi qua.

Dinh dưỡng cho thai nhi tuần 17 – 24
Lúc này, các giác quan của bé đang phát triển. Cấu trúc tai và thính giác phát triển ở tuần thứ 16 kéo dài đến tuần thứ 24. Cuối giai đoạn này mắt bé bắt đầu hé mở.
Vitamin A có vai trò quan trọng trong phát triển thị giác và thính giác. Các nguồn thực vật của vitamin A, được gọi là betacarotene, là an toàn nhất.
Vì vậy, lúc này cần thêm cà rốt và ớt vàng vào thực đơn của bạn.
Dinh dưỡng cho thai nhi tuần 25 – 28
Cuối quý thứ hai, tử cung của bạn mở rộng không gian và lấn chỗ hệ thống tiêu hoá, ép lên dạ dày. Đây là lý do khiến 80% phụ nữ mang thai bị ợ nóng.
Thông thường, các loại thực phẩm được tiêu hoá bởi axit trong dạ dày rồi di chuyển xuống ruột. Giờ đây, do áp lực của thai nhi nên dịch axit có thể di chuyển lên thực quản. Chúng gây ra cảm giác bỏng rát trong lồng ngực của bạn.
Để tránh tình trạng nặng thêm, hãy chia nhỏ các bữa ăn và ăn thường xuyên hơn. Tránh những món cay hoặc béo, đồ uống có gas, thịt hộp, rượu và cà phê.

Cố gắng ăn bữa tối ít nhất ba tiếng trước khi đi ngủ và nhai chậm. Kê đầu cao khi ngủ cũng giúp ngăn ngừa các chất tiêu hoá trong dạ dày di chuyển về phía thực quản.
Dinh dưỡng cho thai nhi tuần 29 – 34
Càng ngày bạn càng phải chuyển nhiều hơn các chất dinh dưỡng cho bé:
- Axit béo cần thiết cho não của bé phát triển,
- Nhiều canxi cho xương, răng
- Nhiều sắt hơn để bảo vệ bé chống lại bệnh thiếu máu sau khi sinh.
Điều quan trọng trong thời gian này là tiếp tục một chế độ ăn uống dinh dưỡng cao. Nếu không cơ thể sẽ chuyển tất cả cho em bé, khiến bạn cảm thấy kiệt sức.
Bổ sung vào thực đơn dầu cá, các loại hạt, thịt nạc đỏ, đậu, rau lá màu xanh đậm và sữa chua tự nhiên.
Em bé của bạn sẽ tăng gấp đôi kích thước và sẽ đòi hỏi thêm calo từ bạn. Vì vậy, bạn nên tiếp tục ăn thêm khoảng 300 calo mỗi ngày.
Duy trì trọng lượng ổn định cho mẹ là điều cần thiết. Nhưng tăng cân quá ít có thể dẫn đến rủi ro là em bé bị sinh thiếu tháng.

Mẹ cũng không nên tăng cân quá nhiều. Đây là thời gian các tế bào mỡ được hình thành. Nếu phải hấp thu quá nhiều chất béo dư thừa từ mẹ, em bé có thể sẽ phải chiến đấu với những vấn đề sức khoẻ sau này.
Hãy coi chừng chất béo trong bánh kem cũng như bánh quy. Đường cũng sẽ chuyển thành chất béo. Vì vậy, bạn nên lựa chọn trái cây tươi, các loại hạt, và ngũ cốc.
Dinh dưỡng cho thai nhi tuần 35 – 40
Sự tiêu hao năng lượng trong quá trình sinh nở được so sánh với một cuộc chạy marathon. Hãy chuẩn bị từ hai tuần trước ngày dự sinh bằng cách bổ sung nguồn carbohydrates với gạo nguyên cám, bánh mì nguyên cám và rau củ. Đây là những nguồn năng lượng chính của cơ thể.