Lợi ích ít biết về việc đọc truyện cho con

Đọc truyện cho con nghe càng sớm càng tốt, không chỉ có tác dụng làm phong phú khả năng ngôn ngữ, khả năng liên tưởng, khả năng biểu đạt cảm xúc… mà còn bồi dưỡng và vun đắp cho các bé về mặt tâm hồn – Một yếu tố được coi là kim chỉ nam đối với sự phát triển của trẻ.

Truyện dành cho thiếu nhi hiện nay có rất nhiều. Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, những câu chuyện có tác dụng thực sự đối với sự phát triển của trẻ không phải là dạng truyện tranh với những từ ngữ ngắn cụt lủn mà đó là những cuốn truyện ngắn có sử dụng từ ngữ phong phú được diễn đạt một cách dễ hiểu có kèm theo tranh vẽ minh hoạ, nội dung về giáo dục đạo đức, tri thức, lịch sử…

Truyện giúp tăng khả năng ngôn ngữ, biểu đạt cảm xúc và khả năng liên tưởng

Theo nghiên cứu của giáo sư Taira Masato ở trường Đại học Y Tokyo thì quá trình mà mẹ đọc truyện cho con nghe sẽ giúp cho “hệ viền” – Nơi điều khiển ký ức, tạo ra động lực và sinh ra nhiều cảm xúc phát triển. Chính vì thế việc cha mẹ đọc truyện cho con nghe hàng ngày sẽ giúp khả năng ngôn ngữ, khả năng biểu đạt cảm xúc và khả năng liên tưởng của con được hình thành và phát triển một cách tốt nhất.

Những câu chuyện mà cha mẹ đọc hàng ngày sẽ giúp bé xây dựng thế giới của riêng mình – một thế giới thông qua trí tưởng tượng và liên tưởng phong phú dựa vào nội dung của từng cuốn truyện.

Trẻ sẽ đi từ hết liên tưởng này đến liên tưởng khác, từ sự tưởng tượng này đến sự tưởng tượng khác thông qua những ngôn ngữ giàu cảm xúc được diễn đạt một cách sinh động và dễ hiểu cùng sự hấp dẫn của những hình vẽ minh hoạ đi kèm.

Hình thành nhu cầu biết chữ sớm

Ngoài ra, nếu cha mẹ thường xuyên đọc truyện cho con nghe, con sẽ hình thành được nhu cầu và mong muốn biết đọc sớm. Từ việc chỉ chơi với cuốn sách cùng những hình mình hoạ, trẻ sẽ dần dần có ham muốn tự nhiên là được đọc nội dung trong những cuốn sách đó. Điều này sẽ xây dựng được mong muốn biết đọc sớm một cách tự nhiên ở trẻ.

Cô Lan Anh (Thanh Xuân, Hà Nội) có cậu con trai Hoàng Dương hơn 3 tuổi nhưng rất thích đọc và thường lấy bảng chữ cái cùng sách của các anh chị ra và bắt mẹ phải dạy. Và thật ngạc nhiên là cậu bé biết đọc rất nhanh, chỉ sau gần 1 tháng được mẹ dạy, cậu đã đọc báo được vanh vách cho cả nhà nghe. Nhưng cô Lan Anh lại tin rằng: Điều đó không nói lên được gì vì anh của cậu bé cũng biết đọc từ trước khi vào lớp 1 nhưng đến khi đi học thì trẻ biết đọc cũng như trẻ chưa biết đọc, không có gì khác nhau cả.

Các bậc phụ huynh nên hiểu rằng, dạy cho con biết đọc sớm không phải là để so sánh con tài giỏi hay thông minh hơn bạn cùng lứa. Các nhà khoa học đã chỉ ra rằng: Thời kỳ từ 0 – 3 tuổi là giai đoạn vàng cho sự phát triển não bộ của trẻ. Đó là thời kỳ mà đứa trẻ có thể tiếp thu một cách kỳ diệu tất cả những kích ứng từ bên ngoài. Nếu bố mẹ không biết khả năng tuyệt vời này mà bỏ qua thì càng lớn, khả năng này sẽ tự nhiên giảm dần và đến 6 tuổi là biến mất hoàn toàn.

Vì vậy, nếu con có hứng thú với việc học chữ thì hãy dạy cho trẻ càng sớm càng tốt nhằm kích ứng cho não bộ của trẻ phát triển và tận dụng thời điểm vàng như đã nói ở trên.

Phát hiện và định hướng những sở thích, đam mê của con

Việc đọc các cuốn truyện hàng ngày cho con nghe còn giúp cha mẹ phát hiện ra những sở thích, sự hứng thú của con ở mỗi một lĩnh vực nhất định. Từ đó, cha mẹ có thể hiểu để định hướng cho con dựa trên những mong muốn và sở thích của trẻ.

Trong rất nhiều những cuốn truyện mà mẹ mua về, mặc dù có thể chưa biết đọc để phân biệt các cuốn sách nhưng trẻ sẽ có khuynh hướng yêu thích cuốn này hơn cuốn kia, yêu thích câu chuyện này hơn câu chuyện kia. Trẻ sẽ nhìn ngắm hay thích thú một hình vẽ, một nhân vật trong truyện lâu hơn…

Tất cả những hành động và cảm xúc mà bé thể hiện đó sẽ giúp cha mẹ dần dần biết được sở thích và sự hứng thú của bé để nuôi dưỡng cho những hứng thú đó lớn dần lên tạo thành niềm đam mê sau này của con.

Hình thành văn hoá đọc cho trẻ

Con được tiếp xúc với một môi trường với sách, với truyện ngay từ khi còn bé do bố mẹ tạo ra. Sau này khi lớn lên, con sẽ có khuynh hướng thích thú với việc đọc sách. Từ đó xây dựng và hình thành cho trẻ thói quen đọc sách hay tình yêu đối với văn hoá đọc – Một trong những văn hoá rất quan trọng trong xã hội hiện đại ngày nay.

Muốn trẻ yêu thích việc đọc sách từ nhỏ, cha mẹ phải chú ý tạo ra một môi trường tốt nhất để hướng trẻ vào đó. Hãy để những cuốn truyện ở nơi bé dễ nhìn, dễ lấy nhất. Duy trì thói quen đọc truyện hàng ngày cho con. Đọc lặp đi lặp lại một cuốn truyện mà bé thích.

Khiến cho tình cảm của cha mẹ với con thêm bền chặt

Quá trình đọc truyện cho con nghe cũng là một quá trình giao tiếp, trò chuyện giữa cha mẹ với con cái.

Thời kỳ ấu thơ là thời kỳ quan trọng để nuôi dưỡng cảm xúc và trí tuệ. Giọng nói, cách đọc hàng ngày của cha mẹ sẽ được in sâu vào trong tâm trí trẻ. Khi đã được lý giải đầy đủ rồi thì sẽ biểu hiện ra bên ngoài. Chính vì vậy khi nghe được tiếng cha mẹ càng nhiều thì ấn tượng của trẻ càng lớn và sợi dây liên kết giữa trẻ đối với cha mẹ càng bền chặt.

Sau khi đọc xong một cuốn truyện cha mẹ có thể hỏi con những câu hỏi xoay quanh câu chuyện đó. Cũng tương tự như vậy, con sẽ hồn nhiên nói lên những suy nghĩ của mình về những tình huống, những câu chuyện hay những nhân vật mà bé gặp trong truyện.

Điều này, sẽ giúp cho quá trình giao tiếp giữa cha mẹ và bé trở nên đáng nhớ và có ý nghĩa hơn đối với con. Cũng từ đó mà tình cảm giữa bố mẹ với con thêm gắn bó.

Tốt cho cả cha mẹ

Ngoài những tác dụng ở trên thì việc đọc truyện cho con nghe đã được chứng mình không chỉ tốt đối với con trẻ mà còn tốt đối với các bậc phụ huynh. Cụ thể: theo một số nghiên cứu khoa học thì quá trình mà mẹ đọc truyện cho con nghe, bộ não ở phần trước của mẹ hoạt động rất tích cực. Đây là nơi điều khiển cảm xúc, năng lực tư duy, sáng tạo của mẹ.

Một vài lưu ý về phương pháp đọc truyện cho con

Không có một phương pháp rõ ràng cho việc đọc sách ở trẻ. Phương pháp quan trọng nhất là dựa trên hứng thú của con. Trẻ có hứng thú đọc cuốn nào nhất thì nên đọc cho trẻ nghe. Quan trọng không phải là đọc bao nhiêu cuốn mà là đọc cho con cuốn mà con thích.

Khi đọc cho con, cha mẹ không nên dừng lại để hỏi con các vấn đề liên quan trong câu chuyện bé đang nghe. Nguyên tắc là nên đọc hết cuốn truyện sau đó mới hỏi con vì như vậy sẽ không làm mất hứng thú nghe ở trẻ.

Nếu mẹ muốn đọc liền hai cuốn truyện cho con nghe một lúc thì hãy cho bé nghỉ giải lao, kết hợp với độ dài ngắn về mặt nội dung của hai cuốn truyện để lần sau bé có hứng thú hơn.

Hãy quan tâm đến thái độ và tâm trạng của con. Nếu mẹ đang đọc cho con nghe mà thấy con không tập trung vào câu chuyện thì cũng đừng vội hỏi con tại sao con không nghe mẹ đọc mà hãy ưu tiên đến tâm trạng của con, xem con thích làm gì vào lúc đó để hai mẹ con có thể chơi cùng với nhau.

Facebook
Twitter
LinkedIn