Ngày Tết Nguyên Đán thường rơi vào khoảng cuối tháng 1 đến giữa tháng 2 Dương lịch, kéo dài từ 5-7 ngày. Tết Nguyên Đán là từ gốc Hán, “nguyên” có nghĩa là khởi đầu, sơ khai, “đán” là buổi sáng sớm. Theo người Trung Quốc ngày nay, Tết Nguyên Đán được gọi là xuân tiết hoặc tân niên. Đây cũng là tiết khởi đầu của một chu kỳ canh tác, gieo trồng.
1. Lịch sử về ngày Tết cổ truyền
1.1. Theo lịch sử Trung Quốc
Dựa theo lịch sử Trung Quốc, Tết Nguyên Đán có nguồn gốc từ đời Tam Hoàng Ngũ Đế. Ngày Tết có sự thay đổi theo từng thời kỳ. Đến đời Tam Vương, nhà Hạ chọn tháng Giêng (tức tháng Dần) làm tháng Tết. Nhà Thương lấy tháng Chạp (tháng Sửu) làm tháng khởi đầu. Nhà Chu chọn tháng Tý (tháng 11) làm tháng Tết.
Theo đó, các vua chúa quan niệm ngày giờ khai thiên lập địa dựa theo nguyên tắc: giờ Tý có trời, giờ Sửu có đất, giờ Dần sinh loài người. Vì thế, ở mỗi thời kỳ, các vua chúa đặt ra ngày Tết khác nhau.
Đến thời Đông Chu, Khổng Tử đổi ngày Tết bắt đầu từ tháng Dần. Tần Thủy Hoàng ở thời Tần (thế kỷ 3 TCN) đổi qua tháng Hợi (tức tháng 10). Hán Vũ Đế (140 TCN) lại đặt ngày Tết vào tháng Dần (tức tháng Giêng). Từ giai đoạn này trở đi, không triều đại nào thay đổi về tháng Tết nữa. Đây là những chi tiết được sử sách Trung Quốc lưu lại, không có tài liệu để kiểm chứng.
[lo_irp post=’106877′]
1.2. Theo lịch sử Việt Nam
Qua sự tích “Bánh chưng bánh giầy”, hai loại bánh này biểu trưng cho quan niệm “Trời tròn – Đất vuông” của người dân Việt trong nền văn minh lúa nước. Sự tích đã chứng minh Tết Nguyên Đán có nguồn gốc từ Việt Nam, trước cả thời Tam Hoàng Ngũ Đế ở Trung Quốc.
Theo người Việt, nhu cầu canh tác nông nghiệp đã phân chia thời gian thành 24 tiết khác nhau. Ứng với mỗi tiết có một thời khắc gọi là “giao thời”. Theo đó, tiết khởi đầu của một mùa vụ, một chu kỳ canh tác gieo trồng gọi là Tiết Nguyên Đán, sau này được biết đến với tên gọi là Tết Nguyên Đán.
Trong sách Kinh Lễ, Khổng Tử khẳng định không biết Tết là gì. Sử sách của Trung Quốc cũng ghi lại phong tục tết của người Việt như một hoạt động mà họ không can dự vào.
Như vậy, Tết Nguyên Đán của người Việt không bắt nguồn từ Trung Quốc. Tuy nhiên, do đã từng có thời gian dài chúng ta bị ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc nên đến giờ vẫn còn nhiều tranh cãi về lịch sử ngày Tết Nguyên Đán. Dù tết của hai nước Việt Nam và Trung Quốc có sự ảnh hưởng lẫn nhau nhưng vẫn mang đặc trưng riêng của mỗi quốc gia.
2. Ý nghĩ của ngày Tết cổ truyền
Ngày Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam mang đậm nét văn hóa dân tộc, phản ánh sự đồng điệu của con người và thiên nhiên theo sự vận hành của vũ trụ. Đồng thời, đây cũng là dịp để các thành viên trong gia đình sum họp, đoàn tụ, nấu những món ngon ngày Tết và tổ chức các hoạt động đón tết cùng nhau.
Tết cổ truyền cũng là dịp tổng kết các hoạt động trong một năm đã qua, chào đón một năm mới với những hy vọng tốt đẹp. Trong ngày Tết, mọi người thường thực hiện những lễ nghi để dâng hương lên các vị thần, ban phúc cho gia đình luôn đạt nhiều thành tựu, sức khỏe, may mắn và hạnh phúc.