Các bệnh về tai ở trẻ sơ sinh thường rất phổ biến và có thể tái phát nhiều lần. Điều này do hệ miễn dịch của trẻ sơ sinh chưa hoàn thiện nên khả năng kháng lại các vi khuẩn gây viêm còn yếu. Vì thế, các bậc phụ huynh cần có những bí quyết chăm sóc trẻ sơ sinh đúng cách để bé khỏe hơn mỗi ngày.
1. Nhiễm trùng tai ngoài
Khi bé bị nhiễm trùng tai ngoài, lớp da lót đường ống tai ngoài trở nên sưng tấy. Trường hợp này xảy ra do tai bé bị ướt khi bơi, tắm gội bằng các chất hóa học như xà phòng.
Ngoài ra, bệnh còn xảy ra do bé tác động mạnh đến tai gây trầy xước dẫn đến nhiễm trùng. Những bé bị chàm eczema rất dễ mắc bệnh nhiễm trùng này khi bị nước vào tai.
Các triệu chứng thường gặp
- Đau bên tai, cảm giác đau trở nên nhiều hơn khi bé động vào tai hoặc nằm lên tai
- Tấy đỏ ở đường ống tai
- Chảy nước dịch ở đường ống tai
- Ngứa bên trong tai
Cách xử lý
- Cho bé uống một liều paracetamol theo chỉ định của bác sĩ để giảm đau
- Cẩn thận không nên để nước vào tai khi tắm và chỉ nên lau đầu cho sạch
- Không nên cho bé bơi lội khi bệnh nhiễm trùng chưa khỏi hẳn
- Trường hợp đau nặng bạn nên đưa bé đến bác sĩ để kịp thời chữa trị. Lúc này bác sĩ sẽ cho thuốc nhỏ tai chống nhiễm trùng hoặc chống viêm để làm sạch chỗ viêm.
[lo_irp post=’267′]
2. Nhiễm trùng tai giữa
Các bệnh đau tai thường xảy ra do trường hợp nhiễm trùng tai giữa. Lúc này, xoang sau màng nhĩ trở nên nhiễm trùng hoặc sưng tấy.
Ở trẻ nhỏ, ống vòi dẫn từ cổ họng lên tai rất ngắn và hẹp khiến tình trạng nhiễm trùng dễ lây lan từ đường cổ họng. Ở trẻ sơ sinh 7 tháng tuổi trở lên, ống dẫn này sẽ rộng hơn giúp cho trẻ ít bị mắc phải bệnh nhiễm trùng tai giữa hơn.
Các triệu chứng thường gặp
- Tai rất đau khiến bé không thể ngủ được
- Khóc và ôm lấy tai nếu bé chưa biết nói
- Chán ăn, khó chịu
- Sốt, lãng tai một phần.
Cách xử lý
- Dùng túi chườm nóng rồi đặt bé nằm áp tai vào túi chườm (nhiệt độ của nước trong túi chườm vừa phải, không quá nóng). Đối với những bé còn nhỏ, bạn có thể hơ nóng một mảnh vải mềm để áp lên tai đau của bé.
- Nếu tai bé quá đau, bạn nên cho bé uống paracetamol theo chỉ dẫn của bác sĩ để giảm đau
- Khi tai bé bị chảy mủ, không thể lau chùi và ngoáy tai, bạn cần đặt một chiếc khăn lau sạch trên tai bé, cho bé nằm nghiêng về phía tai bị viêm để mủ có thể chảy ra.
Bạn nên hỏi ý kiến của bác sĩ nếu tai của bé có biểu hiện nhiễm trùng hoặc chảy nước. Lúc này bác sĩ sẽ khám hai tai của bé và có thể cho uống thuốc kháng sinh. Nếu xảy ra tình trạng mủ tích sau màng nhĩ, bác sĩ có thể kê toa thuốc làm cho mủ thoát ra. Ở trường hợp uống thuốc theo toa của bác sĩ vẫn không mang lại hiệu quả, bé có thể cần đến một phẫu thuật nhỏ để hết bệnh.
3. Tai đóng mủ
Bệnh nhiễm trùng tai giữa xảy ra thường xuyên có thể dẫn đến tình trạng tai đóng mủ. Đây là hiện tượng tụ dịch dính đặc trong tai giữa. Lúc này, trẻ có thể bị lãng tai một phần.
Trường hợp này khá nguy hiểm, bạn cần hỏi ý kiến của bác sĩ sớm nếu phát hiện tai bé đang bị đóng mủ. Bác sĩ có thể cho bé uống một loại thuốc chống viêm hoặc thực hiện một cuộc tiểu phẩu. Khi được gây mê, bác sĩ sẽ tạo một lỗ nhỏ ở màng nhĩ và đặt một cái khoen nhỏ vào.
Cái khoen được đặt vào màng nhĩ để điều hòa áp lực không khí ở hai bên màng nhĩ và giữ cho tai được khô ráo. Khoen không gây khó chịu và tác động xấu đến thính giác của bé. Tuy nhiên bé không nên đi bơi trong hồ khi còn mang ống này trong tai. Vài tháng sau, khoen này sẽ rớt ra, lỗ nhỏ ở màng nhĩ sẽ liền lại. Lúc này thích giác của bé có thể trở lại bình thường.