Không bị sếp giám sát, làm gì để chứng tỏ khả năng?

Theo lời khuyên của Trưởng phòng Nhân sự CareerLink, bạn hoàn toàn vẫn có thể làm tốt nhiệm vụ dù không làm việc trực tiếp cùng sếp, nếu như tuân thủ những điều dưới dây.

Kỷ luật bản thân chặt chẽ

Chúng ta đều quen với những câu hỏi về kỹ năng quản lý thời gian, kỹ năng làm việc độc lập khi đi phỏng vấn… Ai cũng thấy được tầm quan trọng của những điều này nhưng không phải ai cũng làm được. Quản lý bản thân vốn là việc không dễ khi xung quanh chúng ta luôn có những thông tin hấp dẫn bủa vây. Với nhiều người, đi làm không chỉ là thời gian làm việc, mà còn là thời gian tranh thủ cập nhật tin tức, đọc báo, lướt mạng xã hội, trả lời tin nhắn của bạn bè… Điều này hiện nay đang trở nên bình thường ở các công ty, nhưng nếu bạn để bản thân cuốn theo những luồng thông tin đó thì vô tình, bạn đang đánh mất sự kỷ luật trong công việc. Ngược lại, nếu bạn có thể quản lý được thời gian, lịch trình, cuộc sống của chính mình thật tốt thì làm việc gần hay xa “mặt trời” cũng không quá quan trọng.

Bạn có thể quy định lịch trình làm việc của mình như buổi sáng thức dậy lúc 6 giờ. Sau đó tập thể dục, ăn sáng và chuẩn bị đi làm. 7 giờ rưỡi bạn bắt đầu tới công ty và đúng 8 giờ có mặt. Hãy luôn ghi chú kế hoạch công việc chi tiết và sắp xếp thời gian thực hiện theo ngày, theo tuần và theo tháng… Dành thời gian phù hợp để rà soát lại công việc cũ, check email và lên danh sách công việc mới. Như vậy, bạn sẽ luôn biết được mình cần làm gì, vào thời điểm nào.

Một lịch trình được lặp đi lặp lại sẽ trở thành thói quen, khiến bạn trở thành một người có kỷ luật và có thể lên những kế hoạch lớn hơn cho cuộc sống của mình. Chỉ khi bạn tạo được những thói quen tốt, có kỷ luật thì xác suất làm việc hiệu quả mới cao hơn, con đường sự nghiệp cũng sẽ rộng mở.

Thường xuyên báo cáo công việc với sếp

Nếu không muốn thường xuyên bị hỏi những câu như: “Em đang làm hạng mục nào vậy? Khi nào sẽ hoàn thành kế hoạch? Anh/chị không nắm được những đầu mục công việc của em…” thì tốt nhất, bạn nên báo cáo công việc và tiến độ thực hiện cho sếp bạn hàng tuần. Điều này không chỉ thể hiện thái độ nghiêm túc, mà còn cho thấy bạn là người chuyên nghiệp, có kỹ năng làm việc và quản lý bản thân tốt. Đây cũng sẽ là cơ sở để cấp trên ghi nhận công sức và đặt niềm tin ở bạn.

Nhờ cậy sự giúp đỡ từ đồng nghiệp

Khi làm việc xa mặt trời, những đồng nghiệp có thâm niên hơn bạn tại công ty sẽ là người cho bạn hiểu rõ hơn về tính cách của cấp trên, quy trình làm việc và văn hóa doanh nghiệp. Nếu chịu khó, khiêm tốn học hỏi, bạn sẽ nhận được những lời chỉ dẫn quý giá.

Bạn cần tạo ra những cuộc trao đổi hiệu quả bằng cách sử dụng kỹ năng giao tiếp khéo léo, nhờ hỗ trợ và chia sẻ những khó khăn của mình để xin lời khuyên. Sẽ chẳng ai từ chối giúp đỡ người mới nếu bạn tỏ ra cầu thị, chân thành.

Đề xuất những ý tưởng

Chủ động tìm kiếm ý tưởng và khi có bất kỳ ý tưởng nào liên quan đến công việc, bạn hãy chia sẻ với cấp trên. Đây là điều rất quan trọng bởi nó chính là thước đo về khả năng làm việc cũng khẳng định giá trị bản thân của bạn đối với công ty.

Nhiều người làm việc xa sếp thường ỷ lại, vì không chịu sự giám sát trực tiếp nên hay trì hoãn công việc hoặc tỏ ra thụ động. Tuy nhiên, bạn cần nhớ rằng, dù ở gần hay xa sếp, thì những người làm việc năng động, sáng tạo và chủ động sẽ luôn ghi điểm trong mắt nhà quản lý. Ngoài ra, những đức tính này sẽ mang đến cho bạn các cơ hội rộng mở hơn cho tương lai.

Thực hiện: Huyền Nguyễn

Facebook
Twitter
LinkedIn