Khi con nhút nhát

Khi nhà có khách

Cuối tuần, nhà chị Hồng Nga có tiệc đãi mấy gia đình người bạn. Nhà nào cũng mang theo 1, 2 đứa con nhỏ tầm tuổi con chị. Khác hẳn với vẻ rụt rè, ít nói của bé Nhím chị Nga, những đứa trẻ làm khách lại không lạ chỗ lạ người. Chúng cười nói vui vẻ, xin bạn cho xem đồ chơi, và nhanh chóng bắt chuyện với bé Nhím. Dù là gia chủ nhỏ nhưng bé Nhím vẫn không thể thoát khỏi vỏ bọc thường ngày: lặng lẽ, chơi khép mình và chỉ lí nhí nói 1, 2 câu làm quen với bạn đồng trang lứa. Nhìn con, chị Nga không khỏi thở dài vì nếu so với con người ta, con chị có lẽ nhút nhát quá mức.

Câu chuyện lo lắng của người mẹ trẻ như chị Nga không hiếm. Là một người mẹ, bạn có thể phát hiện ra ưu điểm và khuyết điểm của con dễ dàng. Trước một sự việc, trẻ thường phản xạ kém và co mình lại bằng sự sợ hãi, lo lắng thay vì tìm một phương án xử lý nhanh nhạy khác. Rất nhiều lần, bé Nhím trở thành nạn nhân bị bắt nạt của những bạn trong xóm. Thấy Nhím hiền lành, không thích cãi nhau, nhẫn nhịn nên bạn bè thường dành lấy phần hơn, còn phần “cùi bắp” lại treo cho bé. Bé có ít bạn, và những bạn này nếu có thường bắt nạt bé. Do đó, bé cũng ít có cơ hội tham gia vào các hoạt động vui chơi đồng trang lứa vì luôn sợ bị bạn bè chê bai, thiếu tự tin vào chính bản thân mình. Nhiều lần chị Nga cho bé Nhím đến những nơi đông người nhưng bé cứ co rúm mình lại bắt mẹ bế, ai hỏi gì cũng không nói.

Bài học vỡ lòng

Dẹp bỏ hết những lo ngại trong lòng, chị Nga bắt đầu tìm hiểu tận bên trong sâu thẳm của con mình. Con chị ngoại hình hoàn toàn bình thường, tâm hồn cũng biết yêu thương, nhớ nhung như ai. Đặc biệt dù là con trai nhưng Nhím rất quấn mẹ, hai mẹ con luôn ở bên nhau. Nhờ đó mẹ nói gì Nhím cũng im lặng lắng nghe, bé có những biểu hiện rất ngoan mà đôi khi bố mẹ của những đứa trẻ hiếu động khác phải thèm muốn. Đó là sự ngoan ngoãn, lắng nghe và lễ phép. Tính cách nhã nhặn, ôn hòa của một đứa trẻ lên 5 như Nhím dù có phần hơi rụt rè song lại chiếm được nhiều cảm tình với những ai từng tiếp xúc lần đầu tiên với bé.

Từ đó chị Nga cho rằng con mình chỉ là đứa trẻ nhút nhát nhất thời, hoàn toàn không phải do tự kỷ gây ra. Suy từ mình ra, chị Nga thấy ngày xưa bản thân mình cũng là một cô bé nhút nhát, sợ sệt trước đám đông và không thích có quá nhiều người chú ý đến mình. Sự nhút nhát đó đeo bám chị đến khi 12 tuổi, vì bị bạn bè ức hiếp nên chị “vùng” dậy, thoát khỏi sự sợ hãi, cô đơn bấy lâu nay. Chị dần trưởng thành hơn qua sự việc và năm tháng, để ngày hôm nay chị giữ một vị trí cao trong xã hội và có một mái ấm nhỏ hạnh phúc. Sự nhút nhát, không dạn dĩ ở cậu con trai 5 tuổi của chị cũng có thể bắt nguồn từ cá tính ôn hòa, không thích lớn tiếng với ai. Cũng có thể bé học gen di truyền của mẹ hồi nhỏ. Sau khi phân tích mổ xẻ vấn đề, chị Nga khá yên tâm về chú thỏ đế nhà mình. Là một người mẹ yêu con, chị bắt đầu bên bé, động viên những cá tính và việc tốt của con. Bằng những lời khen đúng lúc, những việc bé nhỏ giúp con dạn dĩ như cho con đi siêu thị chọn đồ, trước người lạ thủ thỉ với bé hãy chào ông bà, cô bác, giúp con giao tiếp bình thường với một người lạ…., chị Nga đã vun bồi sự tự tin cho con trai mỗi ngày. Cậu bé khi lên 8 tuổi đã thể hiện sự mạnh mẽ lên trông thấy, và đó như một món quà tuyệt vời khó quên trong đời với chị.

Vì sao bé nhút nhát

Những đứa trẻ thiếu sự tự tin thường rất rụt rè và lo sợ trước một sự việc hay đám đông. Đó có thể là do:

– Yếu tố gia đình: Trẻ sinh ra trong một gia đình không được đầy đủ, sự thiếu vắng hụt hẫng khuyết trong tâm hồn trẻ sẽ dễ khiến con mất tự tin trong cuộc đời. Ngược lại, sống trong một gia đình gấm nhung được bảo bọc quá đầy đủ cũng dễ tạo ra tính cách mỏng manh, rụt rè ở bé. Trẻ thường có xu hướng bám lấy bố mẹ, coi đó là nơi vững tin nhất và nếu có làm sai, trẻ cũng đã được cha mẹ che chở.

– Khiếm khuyết đầu đời: Trong những năm tháng đầu đời, nếu trẻ bị cách biệt với mọi người, đặc biệt là những trẻ bị ba mẹ, người thân bỏ rơi sẽ dễ bị cướp mất đi kỹ năng giao tiếp xã hội. Tự trong mỗi đứa trẻ cô đơn ấy hình thành một phản xạ yếu ớt, tự ti và khép mình tội nghiệp.

– Bị quở trách: Vì vốn dĩ chậm chạp và phản ứng không nhanh nên trẻ thường bị ba mẹ, bạn bè quở trách, la mắng. Điều này lại khiến trẻ mất phương hướng và không dám thử nghiệm thêm điều mới. Trẻ đã nhút nhát lại càng nhút nhát hơn.

– Sợ thất bại: Đối mặt với những việc khó khăn, quá sức, trẻ cũng dễ bị choáng ngợp, áp lực trước thử thách phải hoàn thành. Bé sợ sệt bạn phản ánh không đúng bản chất của trẻ nên càng tự ti, nhút nhát hơn.

 

Facebook
Twitter
LinkedIn