1.Như đã thành thông lệ, năm nào cũng vậy, cứ đến dịp khai giảng hay khi tổng kết năm học, trên facebook lại ngập tràn những lời khoe mẽ của các bậc phụ huynh trước bản “lý lịch” đẹp mà con em họ có được. Nào bé đỗ vào trường chuyên, bé thi đạt 3 điểm 10, bé được làm lớp trưởng, thậm chí bé tránh không lọt vào lớp có cô giáo khó ưa. Khai giảng năm nay cũng không là ngoại lệ. Vẫn còn đó rất nhiều những phụ huynh xem điểm số, thành tích học hành hay danh tiếng trường học của con là lẽ vui duy nhất.
Tuy vậy, đâu đó trên các diễn đàn, người ta bắt gặp những nhóm phụ huynh mà mối quan tâm của họ với con sau mỗi ngày ở trường đơn giản chỉ là chuyện cảm xúc. Con vui hay buồn, con thoải mái hay áp lực, con thích thú hay sợ đến lớp. Tinh thần chung của những phụ huynh này rất rõ ràng: Đến trường là phải vui.
Và nhìn vào cách họ lựa chọn và nỗ lực mang lại niềm vui cho con mỗi ngày, hẳn nhiều người không khỏi bất ngờ. Thậm chí nhiều người còn cho là… dở hơi. Có ông bố, nhà trên phố cổ, và có con học trong ngôi trường trên phố nổi danh nhưng lại một mực chuyển con ra học trường làng cách đó đến cả chục cây số chỉ vì ở đó có sân bóng chầy rộng. Có bà mẹ mất cả mấy năm đưa đón con đến lớp ôn luyện gà nòi nhưng khi bé đỗ vào trường chuyên rồi thì lại nằng nặc xin con chuyển sang các trường tư thục vì lý do… cho con thêm chút tuổi thơ. Có những ông bố lương công chức ba cọc ba đồng nhưng mạnh tay chi cả nghìn đô để sắm máy ảnh và luôn để trong ba lô mang theo người hàng ngày. Anh làm vậy chỉ đơn giản vì muốn sẵn sàng ghi lại những khoảnh khắc đẹp cho hai cô con gái vốn thích chụp ảnh. Anh mong sẽ đem lại niềm vui cho hai con gái mỗi ngày trong những khoảng thời gian hiếm hoi ba bố con bên nhau.
Có thể ai đó cho rằng trẻ đến trường là để học hỏi, để đạt những dấu mốc thành tích cho bản thân, cho sự nghiệp mai sau, niềm vui do đó phải đứng sau tất cả. Tuy nhiên, những cha mẹ đề cao việc mang lại niềm vui cho con trẻ lại có lý thuyết khác: Cứ vui sống vui đi, rồi mọi việc sẽ thành.
Và điều này ắt hẳn không phải phi thực tế.
2.Sáng Hà Nội, dù là ngày hè nóng oi ả hay sớm đông lạnh cóng, dưới gốc cây bàng trước ngôi trường tiểu học thâm nghiêm trên phố Kim Liên, người ta luôn bắt gặp hình ảnh người mẹ trẻ ân cần ôm hôn cô con gái bé bỏng. Ngày hè, cô tỉ mỉ lấy khăn chấm từng giọt mồ hôi trên mặt, trên tóc của con, trước khi thả vào đó chi chít những nụ hôn trong giây phút chia tay trước cổng trường. Còn mùa đông, khi đã viên mãn với những nụ hôn ấm nóng, người mẹ trẻ bao giờ cũng chu đáo kéo mũ trùm lại đầu cho con. Và trong nỗi lưu luyến chia tay, bé gái lè lưỡi liếm hết mặt mẹ âu yếm như một chú cún con.
Sáng nào cũng vậy, chỉ chừng ấy động tác, bé gái như mới có thể yên tâm vào lớp. Còn người mẹ dường như cũng chỉ có vậy mới đủ năng lượng để bắt đầu ngày làm việc mới. Dù nán lại thêm vài phút để âu yếm, trò chuyện với con, người mẹ trẻ ấy phải đánh đổi bằng những ngày đi làm muộn. Với cô, những nụ hôn ấy sẽ nạp đủ vitamin và năng lượng cho hai mẹ con đi hết mỗi ngày vui vẻ, và buổi chiều đón nhau không buồn bã hay cáu giận.
Trong không khí vội vã, gấp gáp của buổi sáng, khi nhìn thấy hình ảnh hai mẹ con điềm tĩnh như vậy, không ít người xung quanh không khỏi hiếu kỳ. Tuy nhiên, người mẹ hiểu khoảnh khắc ngắn ngủi này là vô cùng quý giá. Tuổi thơ cô từng bị đau lòng vì lời nói cuối cùng nặng nề hay sự ơ hờ khi những người thân bước chân rời đi. Lời nặng nề và vẻ ơ hờ ấy cứ bám mãi như vết buồn đến cuối ngày. Bởi vậy nên cô tự hứa, điều con gái nhìn thấy và nhận được mỗi khi hai mẹ con tạm biệt nhau sẽ luôn là niềm vui, là những nụ hôn âu yếm, những lời dặn dò yêu thương.
Và cô tin rằng suốt một ngày ấy, con gái có gặp chuyện gì tồi tệ nhất như điểm thấp, bị cô phạt hay bạn bỏ rơi thì bé cũng chẳng hề hấn gì. Cô tin chẳng nỗi buồn nào trong ngày có thể làm niềm vui mỗi sáng của hai mẹ con cô biến mất.
3.Không phải ngẫu nhiên các nhà khoa học đã chứng minh, chỉ số EQ (Emotional Quotient/Chỉ số cảm xúc) mà cao thì làm việc gì cũng nhanh, hiệu quả, sáng tạo. Chỉ số EQ thậm chí còn được đánh giá cao hơn chỉ số IQ (Intelligence Quotient/Chỉ số thông minh). Vậy thì tại sao bạn không nỗ lực mang lại niềm vui cho con?
Hãy cứ để trẻ vui vẻ, thành công và hạnh phúc tự nhiên sẽ đến!
Bài: Trọng Nguyên