Nhà ở giữa làng. Dẫu làng đã lên phường từ vài thập kỷ nay thì vẫn còn một vài lề thói nguyên vẹn của một cái làng – đó là phân biệt rất rõ dân bản địa và dân ngụ cư. Ông bà và bố mới chuyển hộ khẩu về làng khoảng chục năm nên tất nhiên chả được dân bản địa chào đón nồng hậu gì lắm. Ngày mẹ về làm dâu, bà nội cũng đưa mẹ đi từng nhà để chào hỏi cho đúng phép tắc, lề thói, nhưng cũng chỉ một lần ấy rồi thôi, gặp nhau trong ngõ thân thiện lắm cũng chỉ gật đầu cười nhẹ chứ chả mấy khi cất lời hỏi han. Nhà mình không có hàng xóm đúng nghĩa tối lửa tắt đèn, mẹ vẫn nghĩ thế, dù cả nhà cũng đầy thiện chí “mua láng giềng gần”!
Thế nhưng từ khi mẹ mang bầu Tít thì mọi chuyện khác hẳn. Thấy bóng mẹ, các bà đang buôn rôm rả chuyện gì đó quay sang tíu tít hỏi thăm: “Thằng cu hay cái hĩm đây?” “Bao giờ thì mẹ bổi vỡ chum?”. Mỗi sáng mẹ đi chợ, bà cụ bán chè chén luôn gọi với theo mắng mỏ đầy ân cần: “Đi chậm thôi mẹ ỏng! Bà chửa gì mà cứ đi phăm phăm ấy, vấp thì sao!” Cô bán dưa cà vừa thoăn thoắt múc dưa gắp cà cho mẹ vừa dặn dò: “Mẹ bầu ăn ít thôi nhé, ăn nhiều không tốt cho con đâu đấy!”. Mấy chị mấy cô ở hàng cắt tóc gội đầu thì luôn nhìn vào cái bụng tròn vo của mẹ mà đoán giới tính của con. Dù chỉ là những thăm hỏi xã giao nhưng mẹ thấy vui và ấm áp hẳn lên. Nhờ có Tít mà mẹ mới được quan tâm nhiều thế chứ!
Ngày mẹ sinh Tít từ bệnh viện trở về, bà cụ bán nước chè mang cho bà nội mấy cái nón cũ dặn phòng “đốt vía” cho con. Ông cụ nhà kế bên chẳng biết lọ mọ kiếm được ở đâu hẳn một cành xương rồng đầy gai, gọi ông nội bảo treo vào bên cánh cổng để “giữ vía” cho cháu. Tháng đầu tiên con khóc đêm nhiều, bà hàng xóm gõ cửa mang cho một cái roi dâu bảo mẹ đặt dưới gối của con để “trừ tà”… Chẳng biết có phải nhờ roi dâu, xương rồng và nón mê… không mà Tít từ một cậu bé rất “khó nết” trong cữ đã trở thành một cậu bé “ngoan như con cún” (lời các bà hàng xóm hay “quở” con). Bố mẹ và ông bà thì đi từ ngạc nhiên sang cảm động bởi không ngờ sự có mặt của con lại khiến quan hệ hàng xóm láng giềng trở nên thân thiết thế. Và cả nhà hoan hỉ nhất trí gọi con là “đại sứ thiện chí!”
[lo_irp post=’109116,267′]
Thấm thoắt “đại sứ thiện chí” của cả nhà cũng đã đầy năm, lẫm chẫm tập đi và bi bô tập nói. Mỗi sáng phơi nắng ở ban công, Tít ríu rít vẫy tay khi thấy cô hàng xóm bên phải phơi quần áo, và ngọng líu ngọng lô gọi bác hàng xóm bên trái khi bác lên sân thượng tưới cây. (Thú thực là trước khi có Tít, mẹ chưa từng có cuộc thăm hỏi chuyện trò nào với hàng xóm từ ban công nhà mình cả!). Mỗi chiều con được dắt ra chơi trước ngõ thì cả con ngõ râm ran tiếng nói cười nô đùa của cả trẻ con lẫn người lớn. Cổng nhà mình dần trở thành một “tụ điểm” vui chơi khi các bà đưa cháu “ra chơi với em Tít”, các ông đi ngang cũng dừng lại đợi con giơ tay chào, các bác các cô thì chờ nghe con “ạ”, “dạ”, “bai bai”… Được cái “đại sứ thiện chí” đúng nghĩa là thiện chí, lúc nào cũng vui vẻ nói cười nên lại càng là tâm điểm của mọi sự quan tâm, chú ý. Và khi “đại sứ thiện chí” đi nghỉ hè với ông bà ngoại một tuần trở về thì cả con ngõ rộn rã hỏi chào: “Cu Tít đi đâu lâu thế?” “Anh Tít đi chơi làm cả xóm nhớ đấy”! “Anh Tít đi chơi về có quà cho bác không nào?”…
Từ ngày có Tít, mẹ thấm thía câu nói “mỗi đứa trẻ là một thiên thần”, bởi mỗi đứa trẻ khi có mặt trên đời đều được giao một sứ mệnh đem đến những điều trong trẻo, thánh thiện nhất cho cuộc đời này. Cũng từ ngày có Tít, cả nhà càng đoan chắc mỗi đứa trẻ đều có khả năng là một “đại sứ thiện chí” đúng nghĩa nhất, bởi vị đại sứ tí hon này với vẻ dễ thương và ngộ nghĩnh thiên bẩm đã kéo những người lớn xóa bỏ định kiến và tị hiềm, xích lại gần nhau trong một mối quan tâm chung. Và chàng đại sứ của mẹ đã giúp cả nhà có một quan hệ thân tình hơn với những người hàng xóm ở một nơi vốn được gọi là làng!
Thực hiện: Ngân Huyền