Trẻ sơ sinh hoàn toàn phụ thuộc vào sự chăm sóc của bố mẹ. Vì vậy, hãy hiểu đặc điểm và nhu cầu của trẻ từng giai đoạn để giúp bé phát triển tốt nhất.
Trẻ bắt đầu biết lo lắng vì sự chia cách.
Ở thời điểm này, bé bắt đầu lo lắng khi được đặt trước người lạ. Sự cảnh giác là dấu hiệu cho thấy hiểu biết của bé về thế giới xung quanh đang tăng lên.
Bé cũng sẽ thể hiện rõ cảm giác bất an khi thấy bạn sắp rời đi. Sự lo lắng khiến bé khóc ngay khi bạn ra khỏi tầm nhìn.
Trẻ luôn muốn được bao bọc bởi sự hiện diện của bạn ở xung quanh. Nếu bạn đi ra ngoài trong giây lát, hãy trấn an bé bằng nhiều cái hôn và ôm yêu thương. Nói với bé rằng bạn sẽ quay trở lại. Mặc dù bé không hiểu phải xa trong bao lâu nhưng tình cảm đó đủ để an ủi bé cho đến khi bạn xuất hiện trở lại.
Lúc này, bé có thể thức giấc lúc nửa đêm nếu cảm giác được sự phân chia giữa bé và người thân yêu. Điều này chứng tỏ bé đã nhận biết sự kết nối với bạn.
Việc mọc răng.
Việc mọc răng có thể bắt đầu sớm nhất vào lúc 3 hoặc 12 tháng tuổi. Phần lớn trẻ sơ sinh mọc 2 răng cửa ở hàm dưới vào khoảng giữa tháng 4 đến tháng 7.
Đừng lo nếu có khoảng cách giữa 2 chiếc răng mới mọc này của con. Khoảng cách này sẽ tự biến mất khi trẻ lên 3, lúc 20 chiếc răng sữa đã mọc đủ.
Trong thời gian mọc răng, bé sẽ chảy nước dãi nhiều hơn. Việc mọc răng cũng sẽ phần nào khiến trẻ khó chịu. Cảm giác này dịu bớt khi trẻ nhai sữa chua lạnh hay gặm một góc của chiếc khăn lạnh. Bé cũng sẽ rất thích trải nghiệm điều mới mẻ trong miệng mình.
Khám phá cảm xúc của người xung quanh.
Khoa học chứng minh rằng con bạn đã nhận biết được cảm xúc của người xung quanh rất sớm. Từ 5 đến 7 tháng tuổi trở đi, trẻ sơ sinh nhận ra được sự khác biệt của các loại trạng thái như vui vẻ, ngạc nhiên, sợ hãi, buồn bã.. qua biểu hiện của nét mặt và giọng nói.
Đọc được cảm xúc của người khác cũng là một bước tiến lớn trong cuộc đời của trẻ. Bằng cách đọc cảm xúc, bé có thể hòa lẫn vào môi trường xung quanh khi vẫn chưa thể sử dụng được ngôn ngữ.
Hãy giúp bé phát triển khả năng này bằng cách thể hiện cảm xúc một cách rõ ràng và đơn giản. Sử dụng từ ngữ miêu tả trực tiếp cảm xúc đó mà nói chuyện với bé.
Ví dụ: “Ba cảm thấy rất buồn vì con bị bệnh” hay “Nhìn xem, nụ cười của con đáng yêu làm sao, ba rất thích”