Chọn dạy con kiểu Việt Nam – Điều duy nhất cha mẹ cần là con lớn lên sẽ thành người tử tế

Thường thì mọi cuốn sách dạy con đều đẹp long lanh với những cách thức dạy dỗ vô cùng uyên bác mà hầu như chúng ta chỉ có thể đọc chứ khó có thể thực hiện. Giả sử, nếu có 100 bà mẹ đổ xô tham gia lớp học “Kỷ luật không nước mắt”, thì có đến 99 bà mẹ vẫn không thể không dùng đến roi khi dạy con,  bà mẹ còn lại may mắn có một đứa trẻ cực kỳ biết nghe lời. Giả sử, có 100 bà mẹ ngấu nghiến đọc “Em phải đến Harvard học kinh tế” thì có đến 99 bà mẹ chẳng thể có khả năng đưa con mình đến cổng trường Harvard, một bà mẹ còn lại đang loay hoay đấu tranh giữa những điều học được trong sách với bản năng làm mẹ của mình. Và giả sử, có 100 bà mẹ háo hức săn lùng các phương pháp dạy con tiên tiến trên thế giới qua những quyển sách như “Nuôi dạy con kiểu Nhật Bản”, “Dạy con kiểu Pháp”, “Dạy con kiểu Tây”, thì có 99 đứa trẻ trong đó vẫn được dạy theo kiểu Việt Nam, và may mắn lắm thì có được một đứa trẻ đa quốc gia.

Tôi là một bà mẹ với những đứa con được dạy theo kiểu Việt Nam cổ truyền chính cống. Bằng chứng là đôi khi tôi không biết dùng cách nào khác ngoài gào thét và bạo lực để bắt con tôi ngồi học cho nghiêm chỉnh hay là ăn cho hết bát cơm. Tôi vẫn thường xuyên khích lệ con học bằng những trò chơi, phần thưởng hay những lời khen lãng xẹt, nhưng đôi khi tôi mệt mỏi hoặc không đủ kiên nhẫn để áp dụng những phương pháp rất có ích đó, tôi dùng roi cho nhanh. Kể cả việc ăn cũng vậy, mặc xác mọi người lên án những bà mẹ suốt ngày ép con ăn, con tôi vẫn phải đôi khi “bát cơm chan đầy nước mắt” bởi tôi không muốn con bị đói lả và gầy tong teo như cây sậy.

Khi con tôi khóc, đó quả là một vấn đề. Có lúc nó khóc nằng nặc vì đòi được đi chơi khi tôi đang bận, hay khóc bù lu bù loa vì làm hỏng đồ chơi. Thường thì những đứa trẻ ở các quốc gia khác sẽ cứ việc ngồi đó mà khóc một mình, cho đến khi nào thấy mệt và chán thì thôi, và bố mẹ chúng nhất quyết không dỗ dành chiều chuộng. Đó quả là một cách dạy hay để đứa trẻ biết rằng không phải cái gì nó đòi cũng có được và phải biết “tự làm tự chịu”. Nhưng với tôi, thật khó có thể áp dụng phương pháp này khi đứa trẻ cứ khóc như nã đạn vào tai cả tiếng đồng hồ không biết chán, thậm chí có lần con tôi bị mất giọng vì khóc quá nhiều, nên thôi thà chiều nó cho xong. Không phải là không có cách nào để đánh lạc hướng của nó, nhưng tiếng khóc của nó đã khiến tôi vừa xót xa vừa mệt mỏi rồi, thôi thì chịu thua nó vậy.

Nếu như các cụ xưa không phải đau đầu làm cách nào để dạy con tự lập và yêu lao động, thì ngày nay đó quả là một vấn đề hao tốn nhiều calo của các bậc phụ huynh như tôi. Thời chúng ta còn là những đứa trẻ, ba tuổi đã phải biết trông em, năm tuổi phải biết nấu cơm rửa bát, bảy tuổi phải biết đi hái rau lợn và phụ mẹ nấu rượu. Còn thời nay, bố mẹ vẫn phải cầm bát cơm chạy theo đứa trẻ ba tuổi, vẫn phải tắm cho đứa trẻ năm tuổi, và mỗi tối phải ngồi kè kè cạnh một đứa trẻ đang học tiểu học (thậm chí là đến cả trung học) để giám sát việc học của nó. Thú thực điều đó chẳng hay ho chút nào, nhưng đôi khi tôi vẫn làm vậy và tự xỉ vả mình vì cái thói cưng nựng bao bọc con quá đáng. Cũng có lần tôi áp dụng cách dạy con của mẹ bạn Diệc Đình (trong Em phải đến Harvard học kinh tế) để dạy con tôi biết yêu lao động. Tôi đọc một đoạn trong cuốn sách cho nó nghe, đại loại là nếu không yêu lao động, lớn lên sẽ thất nghiệp, sẽ nghèo khổ, sẽ không thể nuôi bố mẹ được… Nghe xong, con tôi vô cùng hào hứng cầm chổi quét nhà, lấy khăn lau bàn ghế… với niềm hi vọng rằng sau này sẽ trở thành triệu phú vì yêu lao động. Rốt cuộc thì sau vài ngày háo hức, nó nhận ra lao động thật chán ngắt và bảo rằng: “thôi con chả yêu lao động nữa, con thấy mẹ suốt ngày lao động mà có giàu đâu”. Bó tay!

Tôi hẳn không phải là một người mẹ mẫu mực trong việc dạy con, rõ ràng là thế. Trong khi tôi vẫn lao vào nghiên cứu sách vở không biết mệt mỏi, vẫn tham gia không ít diễn đàn và vẫn ngày ngày lên facebook để chia sẻ với các bà mẹ khác cả Ta cả Tây, thì rốt cuộc khi về nhà, tôi vẫn bị bản năng chi phối trong các động thái ứng xử với con.

Nhưng tôi biết, tôi không có tham vọng đưa con vào Harvard, không cố sống cố chết để con tôi sau này trở thành triệu phú. Điều duy nhất tôi cần là con tôi lớn lên sẽ là một người tử tế. Và vì thế, có lẽ tôi chẳng cần phải học gì nhiều để dạy con, chỉ cần tình yêu là đủ..

Bài: Lan Kha

Facebook
Twitter
LinkedIn