Bạo hành trẻ em và cái tát vào định kiến của xã hội

“Mầm xanh” của đất nước sẽ đi về đâu khi nạn bạo hành trẻ em vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt. Cách một khoảng thời gian không dài, chúng ta lại nghe đâu đó có trường hợp các bảo mẫu đánh đập trẻ em, những cô giáo mầm non trút giận lên trẻ bằng đòn roi, bằng những cái tát tay trời giáng.

Mới đây, xã hội lại bàng hoàng trước một đoạn video ngắn quay lại cảnh các bé của cơ sở mầm non tư thục Mầm Xanh (P.Hiệp Thành, Q.12, TP.HCM) bị đánh đập hết sức dã man. Khi xem những cảnh này, dù không phải là phụ huynh của các bé, chúng ta cũng cảm thấy đau xót vô cùng.

Theo Công an TpHCM, công an Quận 12 đã mời chủ cơ sở mầm non tư thục Mầm Xanh, bà Phạm Thị Mỹ Linh lên làm việc về nghi vấn bạo hành trẻ em. Trước chứng cứ từ đoạn video do báo Tuổi trẻ cung cấp, bà Linh đã thừa nhận hành vi của mình. Sau sự việc này, Phòng Giáo Dục và Đào Tạo sẽ rút giấy phép hoạt động của trường Mầm Xanh.

Vẫn còn rất nhiều trường mầm non không đủ chất lượng
Trường mầm non nơi sự việc xảy ra

Dù vậy, phát hiện, truy cứu trách nhiệm và xử lý là những bước quá muộn khi trẻ đã phải hứng chịu những tổn thương tâm lý và thể xác mà có thể ảnh hưởng đến cả đời mình. Thế thì, chúng ta phải bắt đầu từ đâu?

Trẻ em phụ thuộc hoàn toàn vào sự chăm sóc của bố mẹ

Mọi quyết định của cha mẹ lúc này đều ảnh hưởng đến con cái. Bạn cho trẻ ăn gì sẽ quyết định sức khỏe của trẻ. Bạn cho trẻ xem gì sẽ quyết định nhận thức của trẻ. Những người bên cạnh trẻ lúc này sẽ là những ký ức đầu tiên mà trẻ lưu giữ suốt đời.

Đối với bạn, việc đưa trẻ đến trường mầm non có thể chỉ là một thói quen trước khi đến sở làm. Thậm chí, chúng ta chọn trường cho trẻ ở những nơi nhầm thuận tiện cho việc di chuyển của chúng ta. Nhưng đối với bé, trường học là cả một thế giới. Hãy nhớ rằng, trong khi bạn đang làm công việc của mình thì bé ở trường cũng đang đối mặt với những vấn đề trong sự phát triển tâm thần vận động.

Giáo viên không có nền tảng nghiệp vụ
Cô giáo trường Mầm Xanh dùng mọi vật dụng có trên tay để đánh trẻ (Ảnh từ Tuổi Trẻ)

Đừng xem trường mầm non chỉ là nơi giúp bạn giữ con. Đó chính xác là môi trường thứ 2 nuôi dưỡng bé suốt thời gian tuổi thơ. Là bậc cha mẹ, không ai muốn con mình bị tổn thương. Vậy hãy tìm hiểu kỹ nơi mình muốn gửi gắm con em, người giữ các bé được đào tạo hay không và có trình độ như thế nào… Chính bạn quyết định nơi nào an toàn cho những đứa con của mình.

Cơ quan chức năng là tấm chắn bảo vệ trẻ

Quyết định của cha mẹ có tác dụng không khi có rất nhiều nhà trẻ tự phát hay các cơ sở được cấp phép nhưng hoạt động rất tùy tiện. Một số người nuôi dạy trẻ không có hồ sơ nghiệp vụ về sư phạm mầm non.

Có vẻ như người ta cho rằng, việc giữ trẻ rất dễ, chỉ cần cho ăn, ru ngủ, giữ cho bé không ra khỏi nhà là được. Có vẻ như người ta vẫn còn quan niệm rằng bất kỳ ai cũng có thể làm nghề giữ trẻ. Và phải chăng, người ta chắc rằng, trẻ em sẽ không khiếu nại hay thưa kiện khi quyền lợi của chúng bị xâm phạm?

Hành vi không thể chấp nhận được của một người nuôi dạy trẻ
Cô giáo mầm non dùng dao dọa trẻ (Ảnh từ Tuổi Trẻ)

Đã đến lúc chúng ta phải nghiêm túc với vấn đề này. Cơ quan chức năng đóng một vai trò vô cùng to lớn trong việc bảo vệ trẻ em khỏi những điều này. Việc cấp phép hoạt động cho các cơ sở mầm non là dựa trên những tiêu chí khắc khe. Cơ sở vật chất phải đạt một tiêu chuẩn nhất định. Các giáo viên mầm non phải được đào tạo sư phạm và có kinh nghiệm. Không dừng lại ở việc cấp phép, cơ quan chức năng cũng sẽ kiểm tra hoạt động để chắc chắn rằng chất lượng của trường vẫn được giữ vững và tiếp tục phát triển.

Luật pháp có bù đắp được những tổn thương tâm lý đã xảy ra?

Điều 4 Luật trẻ em 2016 quy định: “Bạo lực trẻ em là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em”.

Điều 27 của nghị định 144, “mức phạt tiền 5-10 triệu đồng đối với một trong các hành vi: xâm phạm thân thể, gây tổn hại về sức khỏe đối với trẻ em; gây tổn thương về tinh thần, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, lăng nhục, chửi mắng, đe dọa, làm nhục, cách ly, sao nhãng ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em.”

Bạo lực trẻ em nên được ngăn chặn ngay khi nó chưa bắt đầu
Tổn thương tâm lý ảnh hưởng đến cả tương lai của trẻ (Ảnh minh họa)

Luật pháp để răn đe và trừng trị tội phạm. Dù vậy, luật pháp không thể bù đắp được những tổn thương mà trẻ bị ngược đãi phải gánh chịu, không thể xóa đi những ký ức xấu đã in sâu vào trí não của trẻ.

Người ta có thể dùng tiền để đóng phạt cho mức phạm tội của mình nhưng số tiền đó không thể mua lại một ký ức tốt đẹp cho trẻ. Làm sao chúng ta biết mức độ tổn thương của con trẻ sẽ đi tới đâu trong tương lai khi chúng không thể nào tự xóa bỏ được ký ức đau thương đó cho chính mình.

Vì vậy, đừng để con trẻ phải gánh chịu những hậu quả đáng tiếc rồi sau đó mới giải quyết hậu quả. Bằng tình yêu thương và sự quan tâm thỏa đáng, gia đình và các cơ quan chức năng hoàn toàn có thể ngăn chặn việc bạo hành trẻ em ngay khi nó chưa bắt đầu.

Facebook
Twitter
LinkedIn