Thể hiện rõ bạn phù hợp với công việc đang ứng tuyển
Dù bạn đang tìm việc làm tại TPHCM, Hà Nội hay bất cứ nơi nào khác thì điều mà nhà tuyển dụng quan tâm nhất chính là mức độ phù hợp của bạn đối với vị trí công việc mà bạn ứng tuyển. Trong phần mục tiêu nghề nghiệp, bạn cần thể hiện rõ được lý tưởng sống, kỳ vọng trong tương lai và khát vọng của bản thân, nhà tuyển dụng sẽ dựa vào những chi tiết này để nắm được những khía cạnh về tính cách và con người của bạn, từ đó đưa ra quyết định rằng bạn có phù hợp hay không.
Đối với mỗi vị trí công việc khác nhau, cách viết mục tiêu nghề nghiệp cũng phải thay đổi sao cho phù hợp. Ví dụ những vị trí công việc cần sự giao tiếp, thuyết phục khách hàng như nhân viên kinh doanh bạn cần thể hiện được sự năng động, linh hoạt của bản thân. Còn đối với những ngành nghề liên quan đến số liệu, yêu cầu sự chính xác như kế toán bạn cần thể hiện được tính nhẫn nại, tinh thần học hỏi, kinh nghiệm bản thân, sự tỉ mỉ và chỉn chu trong công việc.
Nhấn mạnh giá trị bạn mong muốn tạo ra cho công ty
Hãy bày tỏ nguyện vọng của mình được cống hiến, đồng hành để giúp công ty ngày càng phát triển. Điều này sẽ giúp bạn lấy được thiện cảm từ nhà tuyển dụng, bởi vì không một công ty nào muốn thuê một nhân viên mà sau quá trình đào tạo họ sẽ có nguy cơ “nhảy” việc cả. Đối với một công ty, họ phải chịu rất nhiều chi phí như chi phí tuyển dụng, chi phí đào tạo và cả thời gian… dành cho một ứng viên nếu trúng tuyển. Chính vì vậy, mục tiêu nghề nghiệp của bạn dù là dài hạn hay ngắn hạn cũng cần gắn liền với sự phát triển của công ty.
Ngoài việc thu hút nhà tuyển dụng bằng cách viết mục tiêu nghề nghiệp rõ ràng, hãy quan tâm đặc biệt tới lợi ích mà bạn sẽ mang lại cho công ty, bày tỏ sự phù hợp của bạn và nguyện vọng cống hiến dành cho doanh nghiệp bạn ứng tuyển.
Mục tiêu nghề nghiệp phải gắn liền với thực tế
Nhiều ứng viên thường lầm tưởng rằng, mục tiêu nghề nghiệp càng thể hiện tham vọng càng cao, mục đích càng lớn sẽ càng thu hút nhà tuyển dụng. Tuy nhiên việc bày tỏ quan điểm và tham vọng rõ ràng lại không đồng nghĩa với sự ba hoa xa rời thực tế. Nhà tuyển dụng sẽ tinh ý nhận ra nếu mục tiêu nghề nghiệp bạn viết vượt xa khỏi năng lực bản thân, nên hãy tự xác định chuyên môn và vị trí nghề nghiệp của bạn để tạo ra mục tiêu nghề nghiệp phù hợp nhất.
Chỉ rõ mục tiêu ngắn hạn và mục tiêu dài hạn
Ở phần mục tiêu ngắn hạn, bạn cần nêu ra những dự định, kế hoạch công việc trong tương lai gần, trong khoảng thời gian 6 tháng hoặc một năm nữa. Đây chính là mục tiêu của bản thân dựa theo yêu cầu công việc của công ty mà bạn đang ứng tuyển. Nhà tuyển dụng sẽ căn cứ vào mục tiêu ngắn hạn để nhận định rõ họ cần gì ở bạn và bạn sẽ đáp ứng được gì cho họ.
Mục tiêu dài hạn chính là những đích đến mà bạn mong muốn hướng tới để phát triển sự nghiệp trong tương lai, song song với nó chính là lộ trình để thực hiện mục tiêu. Nhà tuyển dụng sẽ dựa vào con đường và lộ trình sự nghiệp của bạn để đánh giá xem bạn có tầm nhìn xa hay không.
Cách viết mục tiêu nghề nghiệp giúp bạn thu hút được nhà tuyển dụng ngày từ khi bắt đầu đọc CV. Do đó, một mục tiêu nghề nghiệp hấp dẫn, thể hiện được nét cá tính của bản thân sẽ giúp bạn nổi bật hơn các ứng viên khác và tăng cơ hội nhận được việc làm mong ước.
Thực hiện: Tú Trinh