Lấy chồng người Pháp rồi sang Paris sinh sống và sinh con, có thể nói con trai tôi thật may mắn khi được dạy dỗ, tiếp thu bởi hai nền văn hóa Việt và Pháp.
Trước khi có con, tôi vẫn thường quan sát và học hỏi cách các bà mẹ khác dạy con mình. Tôi để ý thấy các ông bố, bà mẹ Pháp thường dành rất nhiều thời gian cho con cái.
Đặc biệt, những ngày cuối tuần là ngày của các ông bố. Nếu ra công viên vào ngày đó, bạn sẽ hiếm khi gặp các mẹ, thay vào là các bố đang vui đùa cùng con. Tính tự lập, tự giác của trẻ rất cao, đó là điều mà tôi thích nhất và muốn dạy con như thế.
Đối với những phụ nữ Việt sinh sống tại nước ngoài, khi sinh con, không phải ai cũng có điều kiện để đón bà ngoại sang chăm sóc. Nhưng đôi khi, điều thiệt thòi đó lại là điều tốt, vì cả mẹ lẫn con đều tự lập hơn, và ngay cả cách dạy con cũng dễ hơn, bởi không bị chi phối bởi nhiều ý kiến khác nhau của hai thế hệ.
Dạy con tự lập trong cách ngủ
Là phụ nữ Việt, lại là người gốc Bắc nên tôi cũng khá bảo thủ trong việc giữ gìn gốc gác của mình. Cho dù con trai tôi không ở gần gia đình bên ngoại, nhưng từ khi bé sinh ra, yêu cầu đầu tiên của tôi dành cho bé là con phải biết tiếng Việt.
Tôi hát, nói chuyện với con bằng tiếng Việt để con thấm dần. Nhưng cách cho con ngủ thì tôi lại hoàn toàn theo kiểu Pháp, nghĩa là để bé ngủ riêng chứ không nằm cùng giường với bố mẹ.
Nhiều bạn bè tôi ở Việt Nam, con lớn 7-8 tuổi vẫn chưa dứt được chuyện ngủ chung, và tôi hoàn toàn không tán đồng việc đó. Nhà tôi rất nhỏ, chỉ có một phòng ngủ nhưng chúng tôi vẫn xếp cho bé một chiếc cũi riêng, nằm trong phòng bố mẹ khi bé còn nhỏ.
Tới gần một tuổi, chúng tôi nhường hẳn phòng ngủ cho bé, bởi lúc đó bé đã nhận biết được nhiều, nếu lúc nào cũng thấy có bố mẹ trong phòng, bé sẽ đòi theo. Đôi khi con trai tôi cũng nũng nịu và đòi mẹ ngủ trong phòng bé, nhưng tôi chỉ dỗ dành, cho bé đọc sách rồi vẫn để bé tự ngủ.
Nhiều người nói với tôi rằng, họ không nỡ để con ngủ riêng vì thương lắm. Nhưng cứ thương con như thế, càng lớn thì càng khó tách để con ngủ riêng.
Ngay cả với việc để bé thôi bú đêm, tôi cũng khá cứng rắn và nhận được sự phản đối của mẹ tôi. Tuy nhiên, tôi chỉ đồng ý một phần với mẹ khi bé còn nhỏ. Vì bé bú hoàn toàn sữa mẹ nên chóng đói hơn, tôi cho bé bú theo nhu cầu của bé.
Nhưng tới 5 tháng tuổi mà bé vẫn còn dậy ăn khuya thì tôi kiên quyết bắt bé bỏ thói quen đó. Tôi cho bé bú no trước khi ngủ, đêm bé thức dậy đòi ăn, tôi chỉ dỗ dành để bé ngủ lại, chứ nhất định không cho bú. Kết quả là chỉ sau một đêm, bé đã không còn thức dậy đòi ăn nữa.
Mười lăm tháng tuổi, tôi dạy bé cách cầm muỗng tự xúc ăn, tất nhiên là vẫn phải có sự trợ giúp của người lớn, nhưng bé rất sung sướng và tỏ qua thích thú khi đút được đồ ăn vào miệng. Đồ ăn phải làm nhiều hơn để trừ đi phần bé làm rơi vãi, đồng thời bố mẹ cũng phải kiên trì.
Nhiều khi tôi thắc mắc với bạn bè, tại sao không để con bạn tự xúc ăn, họ thường nói: “thôi, bé xúc lâu lắm, còn ngậm trong miệng, cả tiếng đồng hồ chưa xong, để mình xúc giùm cho lẹ”.
Đó chính là cái dở trong cách dạy con của chúng ta, chỉ vì muốn cho nhanh và làm việc khác mà vô tình tạo nên sự ỷ lại cho bé, chỉ ăn khi có người đút. Tôi còn nhớ có lần tới chơi nhà hai người bạn Pháp, có cô con gái nhỏ mới hơn hai tuổi. Bé ngồi ăn một mình, và gọi bố tới giúp khi gần hết đồ ăn trong bát, ăn xong cô bé xếp ghế rồi vào rửa tay và chơi đồ chơi trong phòng riêng.
So sánh với cách các bà mẹ Việt hay bà nội, ngoại khi cho con ăn, nhiều khi cầm bát chạy lòng vòng theo sau đứa trẻ, tranh thủ lúc bé cười là đút thật nhanh đồ ăn vào miệng, tôi vừa thương bé, vừa thương các mẹ, các bà.
Nếu ở Việt Nam, câu hỏi bạn thường nhận cũng như cách các bà mẹ quan tâm tới con mình là tháng này bé tăng được mấy cân, thì ngược lại, ở Pháp chẳng ai đặt nặng vấn đề đó.
Bé khỏe mạnh, không bệnh tật, chơi đùa, ngủ đủ giấc là những điều quan trọng hơn cả. Nếu bé không muốn ăn bữa tối nay, cũng không sao, ngày hôm sau bé sẽ ăn bù và sẽ tự hiểu, nếu không ăn thì đi ngủ với bụng đói chẳng dễ chịu chút nào.
Tự lập trong sinh hoạt hàng ngày
Sau một tuần đưa bé đi học, cô giáo gọi tôi lại và nói: Chị hãy để bé tự đi giày, bé hai tuổi rồi, đã lớn để tự làm việc đó. Chị cũng đừng nên bế bé mỗi khi tan học, hãy để bé tự đi.
Thực sự đúng là các bà mẹ Việt chúng ta hay có thói quen chăm bẵm con quá, và hay làm giùm cho con vì thường nghĩ, con còn nhỏ lắm, lớn lên con sẽ làm được thôi. Tôi nghe lời cô giáo, chỉ hướng dẫn chứ không trực tiếp làm, và mỗi khi thực hiện xong một việc, tôi đều cổ vũ bé.
Vậy là khi hai tuổi, con tôi đã có thể tự bóc bánh ăn, rồi vứt vỏ trong thùng rác, tự rửa tay, cởi quần và đi giày. Trước khi đi ngủ, bé đều xếp dọn sạch sẽ đồ chơi, cũng có lúc bé nóng nảy, quăng đồ và nằm ăn vạ. Nhưng tôi phải cố nén giận và ra cầm tay bé, dắt lại gần món đồ bé vừa vứt và yêu cầu bé nhặt lên. Thay vì làm thay cho bé, mẹ chia sẻ và làm cùng bé, bé sẽ làm theo và quên đi cợn giận dỗi.
Dạy một đứa trẻ hoàn toàn không đơn giản, nhất là khi bạn sống trong một xã hội, một đất nước khác với cách sinh hoạt, nhận thức khác với những gì ông bà cha mẹ bạn đã dạy.
Tuy nhiên, dung hòa giữa truyền thống Việt Nam và cách dạy con hiện đại kiểu Pháp sẽ giúp bạn có thêm nhiều thời gian cho bản thân cũng như các thành viên khác trong gia đình. Bạn cũng bớt mệt hơn và bản thân con bạn cũng khám phá được thêm nhiều điều khi bé tự làm mọi việc. Điều đó giúp bé rất nhiều trong việc phát triển sau này.
Trước khi có con, tôi vẫn luôn hình dung cảnh nhà cuống quýt, rối tung lên khi có con nhỏ, bởi đã chứng kiến khá nhiều. Trẻ khóc, bà ngoại bế bồng ru ngủ, rồi bà mẹ trẻ tóc rối bù mệt mỏi. Hình ảnh này hoàn toàn trái ngược với cảnh phụ nữ Pháp sau khi sinh, họ chỉ có một mình vì chồng đi làm, nhưng vẫn khá thảnh thơi.
Tôi cũng theo cách đó, có nghĩa là không để con nhỏ chi phối hoàn toàn bản thân, chỉ chăm chăm lo tới con mà quên bản thân mình.