Những tổn thương khi bí mật bị xâm phạm
“Con không ngờ mẹ lại lén lút đọc nhật ký của con. Nếu mẹ là con như bây giờ, mẹ sẽ thấy những gì con làm hoàn toàn bình thường, trong sáng chứ không như suy diễn của mẹ…”. Ngọc Lan, học sinh lớp 10 ở Hà Nội đã từng phản ứng quyết liệt với mẹ sau khi kho bí mật của cô bé bị lục tung. Từ đó, bé ngại tiếp xúc với bố mẹ, đóng chặt cửa phòng, và thay vì nhật ký, cô trút tâm sự tuổi mới lớn vào những dòng mail kín đáo. Bố mẹ cô vì thế ngày càng không hiểu con mình đang nghĩ gì, muốn gì.
Cũng bị mẹ đọc trộm nhật ký, nhưng Mỹ Nhung, học sinh lớp 11 truờng Lê Quý Đôn, Q.3, TP.HCM còn tỏ ra đau khổ hơn khi bị mẹ cấm tiệt chuyện nhật ký. Đỉnh điểm của sự tổn thương này là việc bé trốn mẹ sang nhà bạn ở hai ngày. Sau khi được mẹ xin lỗi và đón về, cô bé vẫn tiếp tục cuộc chiến tranh lạnh trong suốt một thời gian dài khiến cho không khí gia đình hết sức căng thẳng.
Đây là những phản ứng thường gặp ở bất kỳ những cô ấm cậu chiêu đang tuổi ẩm ương bị lộ bí mật. Nặng nề hơn, có cô cậu còn trở nên hỗn xược, coi thường và thậm chí “trả thù” bố mẹ vì chuyện nói một đằng làm một nẻo: dạy con không đọc trộm thư nhưng lại lén lút khám phá góc riêng tư của con mình.
Cái lý của các bậc cha mẹ
Tò mò muốn biết thế giới bí mật của con trong những cuốn nhật ký, mail, mục đích của hầu hết các cha mẹ chỉ là vì mục đích hiểu con. Cũng không thể phủ nhận rằng việc đọc trộm nhật ký hay vào mail của con đã giúp nhiều bậc cha mẹ có những điều chỉnh thích hợp trong quan điểm của mình. Chị Mai Hòa, 47 tuổi (P.Đa Kao, Q.1, TP.HCM), chia sẻ: “Chỉ khi đọc nhật ký của con tôi mới biết rằng con đang phải chịu những áp lực tâm lý vào kỳ vọng đỗ trường kinh tế của ba mẹ. Tôi quyết định nói với con rằng chỉ cần con đỗ tốt nghiệp và học bất cứ nghề nào con thích là được. Tự dưng con gái tôi thoải mái hẳn”.
Tuy nhiên, việc xâm phạm thế giới riêng của con mà mang lại kết quả tích cực như trên thì không nhiều. Nhưng tác hại của nó thì khá thường gặp. Nhiều bé đang coi bố mẹ là thần tượng về sự mẫu mực bỗng trở nên nhìn “xộc xệch” đấng sinh thành vì hành động lén lút đọc trộm nhật ký. Có bé thu mình vào vỏ ốc và trở nên cảnh giác với chính ngôi nhà thân yêu của mình.
Lắng nghe con
Có rất nhiều cách để có thể hiểu con: bằng trực giác của đấng sinh thành, bằng sự chia sẻ chuyện trò, bằng quan sát những thay đổi bên ngoài cũng như cảm xúc của con.
Trong sinh hoạt hàng ngày, chỉ cần bạn chịu khó để ý là sẽ hiểu hơn tâm lý tuổi dậy thì.
Bài học “kinh điển” cuối cùng là nên trở thành người bạn lớn thực sự của con. Từ đó, những yêu thương, giận hờn, va chạm của con trẻ sẽ được bạn giúp đỡ bằng cái nhìn sáng suốt hơn.
Bài Lý Minh